Nghệ An:
Xã nghèo có hơn 400 người điều trị HIV
(Dân trí) - Một xã mà có số người có HIV đang phải điều trị lên đến 412 người, nếu tính cả người đã tử vong vì bệnh AIDS, con số sẽ còn cao hơn. Nơi đây được xem là “tâm bão H” tại tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
Xã miền núi có 412 người đang điều trị HIV
Những ngày qua dư luận cả nước xôn xao trước thông tin một xã tại tỉnh Phú Thọ có đến 42 người nhiễm HIV, nếu tính trên bình quân dân số của cả xã con số này khiến nhiều người giật mình. Nhưng thực tế con số đó chỉ bằng 1/10 số người đang điều trị HIV ở nơi được mệnh danh là “tâm bão H”.
Xã nghèo được coi là "tâm bão H" ở Nghệ An.
Tại xã ở miền tây xứ Nghệ này hiện có 412 người được phát hiện nhiễm vi rút HIV và đang phải sống chung với H. Vậy nguyên nhân nào khiến một xã vùng cao xứ Nghệ lại có số người nhiễm HIV cao đến như vậy?
Ông Mạc Văn Lâm - Trưởng phòng khám OPC, Trung tâm y tế huyện Quế Phong, Nghệ An cho biết: Theo số liệu thống kê của phòng khám, từ khi thành lập vào năm 2016 đến nay đã có 1.123 trường hợp người nhiễm HIV trên địa bàn huyện được phát hiện và điều trị tại đây. Hiện tại có 987 trường hợp đang điều trị ở phòng khám.
Tuy nhiên, phòng khám chỉ thống kê, quản lý được số người đang uống thuốc điều trị tại đây còn nếu họ đi làm ăn xa hoặc điều trị ở nơi khác sẽ nằm ngoài danh sách. Và trên thực tế số người nhiễm HIV được ghi nhận từ trước đến nay sẽ còn cao hơn.
Một số địa phương có số người nhiễm HIV rất cao như xã Tiền Phong, Đồng Văn, Mường Noọc... với hàng trăm người được phát hiện. Dẫn đầu danh sách này là xã Tiền Phong, theo thống kê của Trạm y tế xã có đến 412 người có HIV trên địa bàn, đó là chưa tính đến số người đã tử vong vì AIDS.
Vì thế địa phương này được xem như là “tâm bão H” nơi huyện miền núi xứ Nghệ. Tâm bão ấy nằm bên quốc lộ 48 với những bản làng bình yên, phần đa dân số xã Tiền Phong là người dân tộc Thái, Khơ Mú... Đời sống người dân cũng chỉ dựa vào nương rẫy và lâm sản phụ từ núi rừng. Cái nghèo, cái khổ còn bám riết lấy từng bữa cơm, từng nếp nhà sàn đơn sơ.
Vừa trải qua những thiệt hại nặng nề từ do mưa lớn và lũ lụt khiến những bản làng nghèo càng thêm xác xơ. Những đứa trẻ đến dự ngày tựu trường đầu năm với quần áo, khuôn mặt còn lấm lem bùn đất sau chặng đường dài. Đặc biệt, tại các bản làng xa xôi đời sống của người dân còn khó khăn hơn bội phần. Thật khó lý giải vì sao xã nghèo ấy lại có tới hàng trăm người mang vi rút HIV.
Nỗi lòng người quản lý “cuốn sổ tử”
Người nắm rõ nhất, đi sâu sát tới từng trường hợp bệnh nhân đang điều trị HIV tại xã có lẽ là y sĩ Lương Thị Kiều - Trạm trưởng Trạm y tế xã Tiền Phong. Chính bà cũng là người quản lý “cuốn sổ tử” mà mỗi lần lật từng trang, lướt qua mỗi cái tên quen thuộc khiến bà không cầm nổi nước mắt.
Có những lần bà phải làm công việc như một “Nam Tào” khi chính tay gạch tên những người đã tử vong vì bệnh AIDS.
Bản làng nghèo xơ xác.
Trên cuốn sổ ấy ghi rõ từng thôn bản, hầu như tất cả các bản làng đều có người nhiễm HIV. Đặc biệt, tại các bản như: Na Sành với số lượng người lên tới 58 trường hợp; bản Tạng 52 người... Con số 412 người được phát hiện nhiễm HIV tại đây mà nữ y sĩ báo cáo đến cấp trên chỉ là số liệu tổng hợp khi chưa cộng số người đã tử vong. Trong những tháng ngày tiếp nhận quản lý “cuốn sổ tử”, nữ y sĩ cũng không nhớ nổi đã gạch tên bao nhiêu người tử vong vì AIDS trong danh sách ấy.
“Cuốn sổ này tôi ghi rất rõ từng thôn bản, từng người nhiễm HIV đang điều trị trên địa bàn. Những ai đã tử vong thì tôi cũng gạch đi, ai được phát hiện nhiễm HIV trên địa bàn đi làm ăn xa và đang điều trị ở nơi khác cũng được ghi vào đây. Nhưng năm nào danh sách cũng dài hơn, số người phát hiện mới lại được ghi vào đây. Bản thân tôi cũng mong sao một ngày được đóng cuốn sổ này lại và không có thêm trường hợp nào phải “ghi danh” vào đây”, y sĩ Lương Thị Kiều chia sẻ.
Những đứa trẻ thơ mang trong mình căn bệnh HIV - nỗi đau quá lớn mà "cơn bão H" để lại nơi bản làng vùng sơn cước.
Trong các trường hợp đang điều trị HIV tại “tâm bão” có lẽ bi đát nhất là gia đình chị H.T.T (SN 1993). Bản thân chị và hai con trai sinh đôi là N.Đ.T và N.Đ.V (cùng 16 tháng tuổi) cùng đều có HIV. Thời điểm chị phát hiện mình bị nhiễm HIV cũng chính là những tháng ngày chị hạnh phúc đón hai con trai chào đời.
Sau đó sức khỏe của các con chị không được tốt, các cháu rất yếu, thường xuyên đau ốm. Chị đưa các con đi kiểm tra và bàng hoàng phát hiện con dương tính với HIV.
“Lúc đó tôi chỉ biết khóc thôi, khóc nhiều ngày liền, buồn quá mà không muốn ăn uống gì. May mà ông bà, người thân, bà con dân bản động viên mới sống được đến ngày hôm nay. May cũng không ai nói gì, nhiều người còn cho các cháu sữa, rồi giúp đỡ ba mẹ con nhiều lắm. Bây giờ tháng nào cũng xuống thành phố lấy thuốc cho các cháu, xa lắm nhưng phải đi thôi...”, chị T. tâm sự.
Ba mẹ con chị T. từ ngày được điều trị thuốc tích cực, sức khỏe đã khá hơn. Tuy nhiên hàng tháng chị phải vượt gần 200 km để xuống TP Vinh lấy thuốc điều trị cho các con, bởi các cháu không thuộc diện đang điều trị tại địa phương.
Hiện tại cuộc sống của hai vợ chồng chị chủ yếu dựa vào nương rẫy. Điều may mắn là người chồng của chị T. lại không nhiễm HIV. May mắn hơn nữa là anh không vì thế mà ghẻ lạnh, hắt hủi vợ, ngược lại anh rất quan tâm tới vợ và hai con.
Giờ đây khi được điều trị thường xuyên, sức khỏe của chị T. và hai con rất tốt. Tuy nhiên, hàng tháng chị phải vượt gần 200km xuống TP Vinh lấy thuốc điều trị cho các con, bởi các cháu không thuộc diện đang điều trị tại địa phương.
Còn nữa...
Nhóm PV