1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Tĩnh:

Xã lập hồ sơ khống, rút tiền của nhà nước để... trả nợ cho dân

(Dân trí) - Trót bán đất trên giấy cho người dân, để có tiền trả nợ, chính quyền xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã lập một danh sách khống các hộ dân được đền bù đất cho cán bộ xã đứng tên rút hơn 1,3 tỷ đồng tiền của nhà nước.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, chính quyền xã Kỳ Nam thời điểm trước năm 2000 đã bán đất cho một số hộ dân ở ngoài xã. Đến khoảng năm 2010 - 2011, một số hộ dân khác tiếp tục nộp tiền vào ngân sách xã để được mua đất ở thôn Minh Huệ. Cả 2 đợt bán đất này của chính quyền xã Kỳ Nam đều là bán đất trên giấy do chính quyền xã không bố trí được đất cho dân.

Chờ đợi một thời gian dài mà xã không có đất giao, người dân bức xúc yêu cầu lãnh đạo xã trả tiền. Nhưng lúc này xã không có tiền để trả. Khi các đơn vị về thi công san lấp mặt bằng xây dựng khu tái định cho người dân xã Kỳ Lợi di dời phục vụ khu kinh tế Vũng Áng, các hộ dân bị nợ đất đã ra ngăn cản thi công, yêu cầu xã giao đất hoặc trả lại tiền họ đã nộp trước đây. 

Để có tiền trả cho dân, năm 2012, khi UBND huyện Kỳ Anh thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng khu TĐC tại thôn Minh Huệ, chính quyền xã Kỳ Nam đã nghĩ cách lập hồ sơ khống danh sách 11 hộ dân do các cán bộ trong xã đứng tên bị thu hồi để nhận đền bù lấy tiền trả nợ. Tổng số tiền mà số cán bộ xã nhận khống là hơn 1,3 tỷ đồng.

Sự việc trên bị vỡ lở khi người dân phát giác và tố cáo cán bộ xã đứng tên trong danh sách khống để rút tiền và được hưởng % trong đó.

Xã lập hồ sơ khống, rút tiền của nhà nước để... trả nợ cho dân
Nhiều cán bộ xã Kỳ Nam không có đất nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền đền bù TĐC của huyện Kỳ Anh

Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam Nguyễn Đình Vin đã thừa nhận sai phạm này. Ông Vin cũng thừa nhận, mỗi cán bộ đứng tên nhận tiền cho xã được trích 5% trong số tiền đền bù.

Theo ông Vin, sau khi người dân tố cáo sự việc lên huyện, chính quyền xã đã cho thu hồi số tiền trích phần trăm cho cán bộ nộp vào ngân sách xã. Số tiền còn lại thì xã đã chi trả cho người dân và chi xây dựng công trình trên địa bàn.

“Tổng số tiền đã trích % lại cho các cán bộ đứng tên hơn 56 triệu đồng. Còn lại, xã chi trả lại tiền cho một số hộ dân đã mua đất trước đó nhưng chưa được giao đất, tính cả tiền gốc và tiền lãi. Số tiền dư lại gần 400 triệu đã đưa vào ngân sách của xã để chi các khoản giao thông nội đồng, hội quán thôn, tu sửa khuôn viên trạm y tế xã”- ông Vin thông tin.

Biết sai nhưng phải làm!?

Ông Vin thừa nhận, việc làm trên của chính quyền xã là sai, nhưng xã... không còn cách nào khác, và đây cũng là việc “sửa sai” cho lãnh đạo địa phương trước đó (!?). Theo ông Vin, vì số nợ từ các đời chủ tịch xã trước đây để lại, xã không biết thanh toán bằng nguồn nào nên chỉ còn cách lập hồ sơ như vậy mới có tiền hoàn trả cho người dân.

“Việc lập hồ sơ khống như vậy là sai. Nhưng vì theo quy định, các hộ dân phải có hộ khẩu trên địa bàn xã mới được đứng tên trong danh sách nhận tiền bồi thường. Do các hộ dân mua đất trước đây là người địa phương khác nên không đủ điều kiện vì vậy các cán bộ xã phải đứng tên thay” – ông Vin nói.

Đáng chú ý, theo ông Vin, việc chính quyền xã lập danh sách khống cho cán bộ xã đứng tên rút tiền của nhà nước để trả nợ đã được những người đứng đầu Hội đồng bồi thường huyện đồng ý.

Trước thông tin nói trên, sáng ngày 5/5, PV Dân trí đã nối máy với ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND  huyện để xác tín thông tin. Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền huyện Kỳ Anh chưa trả lời về vấn đề này.


Văn Dũng - Tiến Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm