Đồng Tháp:
Xã đề nghị nông dân tạm ngưng bón xi măng cho lúa
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc một số hộ dân trên địa bàn xã Long Hậu bón xi măng cho lúa… ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho biết, xã đã đề nghị các hộ dân tạm ngưng việc bón xi măng cho lúa để chờ sự kiểm nghiệm của ngành chức năng.
Theo ông Hùng cho biết, sau khi có thông tin người dân trên địa bàn xã Long Hậu bón xi măng cho lúa, UBND xã đã cử cán bộ phụ trách nông nghiệp rà soát nắm thông tin. Qua đó, xã chỉ phát hiện hộ ông Nguyễn Văn Có đang thử nghiệm việc bón xi măng cho lúa. Hộ ông Có đã thử nghiệm việc này được hai vụ và hiện nay UBND xã đã đề nghị ông Có ngưng việc thử nghiệm này để chờ cơ quan chức năng kiểm tra, nghiên cứu thêm cái lợi và hại khi bón xi măng xuống đất trồng lúa.
Mặc dù, UBND xã Long Hậu chỉ phát hiện một mình ông Có đáng “thí nghiệm” bón xi măng cho lúa, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Dân trí trên địa bàn xã Long Hậu còn có hai hộ dân khác cũng đang bón xi măng cho lúa là hộ ông Lê Văn Nuôi (ấp Long Thuận) và ông Nguyễn Ngọc Trọng (ấp Long Khánh).
Anh Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, anh đã thử nghiệm bón xi măng cho lúa được 3 vụ. Trung bình với diện tích 1.300m2 anh bón theo tỷ lệ 10kg phân với 10kg xi măng, thời gian bón như bón phân hóa học. “Qua 3 vụ tôi thử nghiệm bón xi măng chung với phân cho lúa, vụ nào năng suất cũng tăng lên từ 200 – 300kg lúa so với diện tích không bón xi măng”, anh Trọng cho biết.
Tuy nhiên anh Trọng cũng thông tin thêm, kết thúc vụ lúa đông xuân này anh đã lấy hết diện tích 4.000m2 mà anh đang trồng lúa để lên bờ trồng cam. Cũng vì lí do này anh Trọng không còn thử nghiệm việc bón xi măng cho lúa. Riêng việc chính quyền địa phương nói đề nghị dân ngưng việc bón xi măng thì đến nay anh Trọng chưa gặp cán bộ nào đến hỏi thăm và có đề nghị gì với anh.
Gặp ông Nuôi (người sáng kiến ra việc bón xi măng cho lúa - PV) tại đám ruộng mà ông đang thí nghiệm bón xi măng cho lúa, ông Nuôi cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại chưa thấy cán bộ xã hay huyện đến hỏi thăm hay đề nghị tôi ngưng việc bón xi măng cho lúa. Tuy nhiên, trong vụ lúa này tôi chỉ bón lần đầu để thử nghiệm. Đến lần thứ 2 và thứ 3 tôi không bón nữa, vì giai đoạn này rất quan trọng nên lỡ có gì thì mất trắng một vụ lúa. Sang những vụ khác, tôi thử nghiệm tiếp rồi mới nói đến kết quả năng suất cũng như tiết kiệm chi phí như thế nào”.
Ông Nuôi cho biết, chưa biết hiệu quả thế nào khi dùng xi măng bón cho lúa nên ông chỉ thử nghiệm trong lần bón phân đầu tiên. Lần 2, lần 3 ông Nuôi không dám bón.
Ngoài ra, ông Nuôi còn bật mí cho chúng tôi một thử nghiệm khác mà ông đang thử nghiệm trên cây cam. Ông Nuôi cho biết, có một người cháu bán cà phê và hay đổ xác cà phê vào mấy gốc cây phát tài. Không ngờ, sau một thời gian mấy cây phát tài này phát triển xanh tốt lạ thường. Từ điều này, ông Nuôi lấy xác cà phê đổ lên hai gốc cam èo uột trong vườn để thử nghiệm. Hiện tại, theo ông Nuôi hai cây cam không có dấu hiệu xấu hơn, “bệnh tình” đang chững lại nên ông đang thử nghiệm tiếp và quan sát kết quả.
Chiều ngày 16/01, ông Nuôi thông tin, một hộ làm lúa sát ranh với ông nói cho ông biết trên địa bàn xã Long Thắng (huyện Lai Vung) có nhiều hộ dân đã thực hiện việc bón xi măng cho lúa mấy năm qua. Trong khi UBND xã Long Hậu chỉ phát hiện một hộ dân bón xi măng cho lúa nhưng thực tế thì trên địa bàn xã có nhiều hộ dân đang thử nghiệm việc này?
Thiết nghĩ trong lúc các nhà khoa học, nhà chuyên môn... khuyến cáo bà con nông dân không nên áp dụng việc bón xi măng cho lúa vì lợi trước mắt, hại lâu dài, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp Đồng Tháp cần rà soát lại số hộ dân đang thử nghiệm bón xi măng cho lúa và có những biện pháp khuyến cáo, ngăn chặn kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc cho ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Nguyễn Hành