1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đồng Tháp:

Chuyện lạ: Nông dân thi nhau bón xi măng cho... lúa!

(Dân trí) - "Sáng kiến" lạ này bắt nguồn từ một hộ dân ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Khi nông dân này xây nhà mới, phát hiện đám rau gần chỗ thợ rửa dụng cụ làm hồ xanh tốt lạ thường, ông liền thử nghiệm lấy xi măng bón lúa, lúa xanh tốt bất ngờ.

Ông Lê Văn Nuôi (ngụ xã Long Hậu) kể lại, khi ông xây nhà mới, ông thấy vườn rau (bạc hà và các loại rau cải, ngót) bên nhà xanh tốt hơn so với thời gian trước khi xây nhà, mặc dù cả nhà không ai bón phân cho đám rau.

Hàng ngày chỉ có thợ hồ rửa dụng cụ làm hồ tại khu vực này, do vậy ông Nuôi nghĩ, chỉ có nguồn nước rửa dụng cụ làm hồ có dính xi măng mới làm vườn rau xanh tốt; vì theo ông Nuôi trong xi măng có chất clinker, làm tốt cây cối.

 


Ông Nuôi khẳng định khi ông dùng xi măng bón kèm với phân urê thì lúa xanh tốt và cho năng suất cao (ảnh minh họa).

Ông Nuôi khẳng định khi ông dùng xi măng bón kèm với phân urê thì lúa xanh tốt và cho năng suất cao (ảnh minh họa).

Từ suy luận này, ông Nuôi thử nghiệm với cây lúa. Ông Nuôi dành một luống lúa, sau đó dùng xi măng kết hợp với phân urê rải chung thì thấy luống lúa này xanh tốt hơn các luống lúa khác. Từ “thành công” này, ông Nuôi truyền tai cho những người thân quen để thử nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Có và một số hộ nông dân khác ở xã Long Hậu, Hòa Long… thấy vậy cũng bắt tay vào thử nghiệm dùng xi măng bón cho lúa, hoa màu và họ đều có chung nhận định là lúa tốt, có năng suất cao.

Ông Có, ông Nuôi còn nói rõ giai đoạn cũng như tỷ lệ dùng xi măng bón cho lúa như thế nào cho đúng. Cụ thể theo ông Có, lúa được 4 ngày tuổi bón 5kg urê/công (1.000m2); lúa được 12 ngày tuổi trộn thêm 10kg xi măng với 10kg urê bón. Đến đợt 2, lúa 25 ngày tuổi tiếp tục tỷ lệ như đợt lúa 12 ngày. Và đến đợt 3, tỷ lệ như đợt 2 nhưng trộn thêm 5kg kali thì thấy lá tốt, không sâu bệnh, giảm đáng kể chi phí.

Trao đổi với PV Dân trí về "sáng kiến" lạ này, ông Mai Quốc Hậu - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Phòng Nông nghiệp huyện đã nắm thông tin và theo người dân đang sử dụng phương thức này thì có kết quả. Tuy nhiên, việc này cần nghiên cứu thêm cho nên Phòng đã cử cán bộ đến nắm thông tin và theo dõi. Khi nắm thông tin rõ ràng, Phòng sẽ có báo cáo về Sở NN&PTNT để có hướng chỉ đạo như thế nào, vì việc dùng xi măng bón cho lúa đúng là chuyện lạ thật!”.

Nguyễn Hành