1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Xã có “500 cán bộ”: Ngành tài chính kiểm tra các khoản thu

(Dân trí) - Sáng nay (12/7), tại cuộc họp báo với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tại tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến đã có ý kiến chỉ đạo Sở Tài chính làm rõ báo cáo về các khoản thu tại “xã 500 cán bộ”.

Mở đầu cuộc họp báo, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Thanh Hóa đạt 8,6% (thấp hơn kế hoạch 13,5% và cùng kỳ 12,2%). Đặc biệt, về nông nghiệp đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay với 64tạ/ha (tăng 1,1tạ/ha so với cùng kỳ).

Xã có “500 cán bộ”: Chỉ đạo ngành tài chính kiểm tra các khoản thu
Dư luận đang quan tâm đến những vấn đề từ xã Quảng Vinh sẽ được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa làm rõ.

Tại buổi họp báo, một vấn đề mà dư luận không chỉ trong nước đang quan tâm trong thời gian qua là việc một “xã có 500 cán bộ” ở Thanh Hóa cũng đã được các cơ quan báo chí và lãnh đạo, các ban ngành tỉnh Thanh Hóa quan tâm, đề cập.

Trong đó, các ngành cùng lãnh đạo Sở Nội vụ Thanh Hóa cũng đã có giải trình về con số cán bộ tại hai báo cáo mà các cơ quan báo chí thắc mắc, cụ thể là con số 205 cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở các khối, đoàn thể từ xã đến thôn tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương và con số 254 người.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, sở dĩ có con số chênh lệch là vì xã Quảng Vinh cộng thêm người của các hội và 19 dân quân tự vệ.

Tại buổi họp báo, liên quan đến vấn đề thu các khoản phí, lệ phí của các ngành, các cấp, đặc biệt là tại xã Quảng Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã có ý kiến chỉ đạo Sở tài chính Thanh Hóa kiểm tra báo cáo UBND tỉnh.

Thực tế cho thấy, tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương có tất cả 13 khoản thu năm 2011 từ xã đến thôn. Trong đó xã thu các khoản: Qũy phục vụ sản xuất nông nghiệp 3,5% tổng sản lượng/năm; Qũy giao thông thủy lợi 17.000đ/sào/năm; Qũy Quốc phòng an ninh 10.000đ/khẩu/năm; Qũy phòng chống bão lụt 10.000đ/lao động/năm; Qũy tình nghĩa 5000đ/lao động/năm; Qũy dân nuôi 10.000đ/khẩu/năm; đối ứng lao động kênh mương nội đồng 20% với mức 20.000đ/sào/năm. 

Còn các khoản thu tại thôn gồm: Qũy bảo vệ thủy nông, Qũy ủng hộ theo các cuộc vận động từ trên xuống, Quỹ bảo vệ trẻ em, Qũy khuyến học thôn, Qũy người già, Qũy đất tăng thầu (nếu có) + thủy lợi nhỏ. 

Cũng theo báo cáo tại buổi họp báo của Sở Nội vụ, trong số những người hoạt động ở các khối đoàn thể, các tổ chức không chuyên trách, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, Tổ an ninh do tỉnh cấp kinh phí, 5 đoàn thể cấp thôn do dân đóng góp, thôn đội trưởng và lực lượng dân quân tự vệ bao giờ tham gia lao động thì mới được hưởng ngày công, còn các hội đoàn thể thì do nhiều nguồn, có thể từ trên cho, từ dân hay từ các doanh nghiệp…

Liên quan đến vấn đề về con số cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách như hiện nay tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu rõ: “Vấn đề đúng sai ở đây là phải có Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương đứng ra khẳng định, còn về phía tỉnh khẳng định với con số của chúng tôi”, ông Chiến nhấn mạnh.

“Thanh Hóa là một tỉnh còn nghèo, các nguồn thu chưa đủ chi, nếu bố trí cán bộ vượt quá thì không có tiền trả. Về phía tỉnh Thanh Hóa sai cái gì chúng tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Trung ương”, ông Chiến cho biết thêm.

TN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm