"Lạm phát cán bộ" - lại chuyện “đến Thượng Đế cũng phải cười”
(Dân trí) - Kịch tính trong câu chuyện về một xã ở Thanh Hóa “lạm phát” cán bộ có lẽ đã bị đẩy lên tới cao trào, khi con số trong báo cáo vừa được UBND tỉnh giải trình với Thủ tướng vênh nhiều so với con số được đưa ra trước đó khiến dư luận “rùng mình”.
Số để xem và số để... luận bàn
Trái ngược với con số báo cáo (thường là rất đẹp và hợp lệ), Tran Cao Trancaonnvn@yahoo.com liệt kê cụ thể những yếu tố hợp thành con số lớn gấp đôi vốn được đưa ra trước đó và đã một lần nữa lại làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn.
“Sao theo báo cáo lại chỉ có 254 người? Còn theo tôi được biết thì Quảng Vinh có 494 vị hưởng lương và phụ cấp. Số cán bộ làm việc thường xuyên ở xã là 45 người, trong đó có 23 cán bộ chuyên trách và 22 cán bộ bán chuyên trách. Khối đoàn thể gồm có các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Chữ thập Đỏ, Ban Liên lạc Thanh niên xung phong, Dân số, Hội Khuyến học. Theo ngành dọc, trên xã bao nhiêu chức danh thì ở dưới thôn có bấy nhiêu người, đoàn thể nào cũng có. Quảng Vinh có 15 thôn, tối thiểu mỗi đoàn thể và các ban có 2 người. 10 đoàn thể và các ban nêu trên, tính ra được 20 người hoạt động ở mỗi thôn.
Ngoài ra, ở mỗi thôn còn có những chức danh sau: Bí thư chi bộ (1), chi ủy viên (1), Trưởng thôn (1), Phó thôn (1), Công an viên (1). Tổng cộng có 5 người. Mỗi thôn còn có 1 tổ an ninh, ngoài công an viên đã liệt kê còn có thêm 2 người nữa. Mỗi tổ 3 người. 15 thôn, 15 tổ như nhau. Tất tần tật ở mỗi thôn có 27 người. 27 x 15 = 405 người. Đấy là ở thôn. Còn ở xã: ngoài 23 cán bộ chuyên trách, 22 cán bộ bán chuyên trách, xã Quảng Vinh còn có các bộ phận sau: Hội Khuyến học, Hội Chữ thập Đỏ, Ban liên lạc TNXP, Hội Người cao tuổi, Dân số. 5 ban, hội này không có trong Nghị định 92 của Chính phủ nên xã hợp đồng ngoài. Mỗi ban, hội 2 người, 5 x 2 = 10 người.
Xã Quảng Vinh có 3 bảo vệ hợp đồng ở UBND xã, tượng đài, trạm bơm, 1 cán bộ đài truyền thanh, 5 người ở trạm xá, 5 người ở trường mầm non. Tổng cộng có 14 người. Nếu cộng thêm 22 dân quân tự vệ, 45 người hoạt động thường xuyên (chuyên trách và bán chuyên trách ở xã) sẽ được 89 người. 405 + 89 = 494 người”.
Lê Thắng thelang623@yahoo.com cũng khẳng định:
“Đúng là ‘loạn’ cán bộ quá! Đó là còn chưa kể các cấp phó ở thôn, rồi cơ quan Đảng, đoàn thể ...ở xã, ở thôn nữa. Gần 500 người là chắc chắn tới thôi. Hiện nay hệ thống công chức nhà nước cồng kềnh và lắm khoản ăn theo quá. Do đó lương công chức kêu thấp là phải thôi. Thấp nhưng ngoại trừ ở thành phố lớn, chứ ở địa phương ai cũng muốn phấn đấu vào công chức cả, nên lại sinh ra tình trạng chạy chọt, ưu tiên ‘con ông cháu cha’...”
Linh Trang Linhtrang@gmail.com.vn nêu cả dãy những khoản thực tế phải đóng góp dưới hình thức các quỹ:
“Mỗi chức sắc một người hay một người đảm nhiệm nhiều chức sắc cũng thế thôi, bởi mỗi chức sắc có một khoản thu nhập khác nhau. Không giống như cơ quan nhà nước một người đảm nhận nhiều chức sắc cũng chỉ được hưởng một khoản phụ cấp trách nhiệm 5 đến 10% mức lương tối thiểu. Vậy vấn đề quan trọng nhất là các khoản phí từ tỉnh đến thôn mà người dân phải đóng liệu có đúng không??? Quỹ phục vụ sản xuất nông nghiệp 3,5% tổng sản lượng/năm là quỹ gì ??? bởi đã có quỹ giao thông thủy lợi 17.000đ/sào/năm, quỹ phòng chống bão lụt 10.000đ/lao động/năm, đối ứng lao động kênh mương nội đồng 20% với mức 20.000đ/sào/năm. Rồi còn quỹ dân nuôi 10.000đ/khẩu/năm là quỹ gì?? Tại thôn, các khoản thu gồm: Quỹ bảo vệ thủy nông, Quỹ ủng hộ theo các cuộc vận động từ trên xuống, Quỹ bảo vệ trẻ em, Quỹ khuyến học thôn, Quỹ người già, Quỹ đất tăng thầu (nếu có) + thủy lợi nhỏ. Ai là người quy định quỹ tại thôn??? ai là người quản lý chi tiêu quỹ này??? đó mới là vấn đề cần bàn cãi để cho người dân giảm bớt các khoản phí như ở trên”.
Tuấn tranminhtuan1805@yahoo.com lại thở ngắn, than dài vì nỗi niềm quê hương còn nghèo mà người dân vẫn cứ phải “tự nguyện bắt buộc" đóng góp quá nhiều để nuôi đội ngũ cán bộ ngày càng phình to, càng chồng chéo...
“Ôi Thanh Hóa quê tôi còn nghèo quá! Những ai đã đi về các vùng sâu, vùng xa của tỉnh một chút thì càng thấy chạnh lòng lắm. Như quê tôi ở vùng biển huyện Tĩnh Gia nghèo ơi là nghèo! Tiền dân đóng góp thì nhiều, mà chủ yếu là nuôi cán bộ xã, thôn, ấp. Cán bộ cứ nói là thu các khoản phí là tự nguyện, nhưng cái từ "tự nguyện" ở đây vô vàn lắm, sống ở địa phương mà không đóng góp theo cái "tự nguyện" thì khó lắm. Khổ nhất vẫn là dân, cán bộ cấp xã gì mà nhà cao cửa đẹp, ăn chơi thoải mái. Bao giờ thì mới hết được cảnh dân cứ phải è cổ đóng góp để nuôi mấy trăm cán bộ của xã thế này đây?”
Nguyễn Linh ngason201182@yahoo.com.vn kể tiếp nỗi niềm đồng hương với tâm trạng còn u uất hơn trước những điều mắt thấy tai nghe không thể không chạnh lòng:
“Tôi thấy ở tỉnh Thanh hóa không chỉ một mình xã Quảng Vinh có tình trạng như thế đâu. Tôi là một người con ở xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa và thấy tình trạng tham nhũng cũng như lợi dụng chức quyền để bức bách người dân nhìn chung khá là nghiêm trọng. Vậy nhưng không ai có thể làm gì được, vì không hiểu các quy định pháp luật có còn được áp dụng tại quê tôi không đây?
Trong khi người dân quê tôi thì nghèo, hàng năm phải nộp rất nhiều loại phí, mà nhà các cán bộ xã thì rất là khang trang. Có cán bộ xã còn có tiền xây nhà lầu cho bồ nhí nữa…. Đất đai thì bị họ sử dụng một cách tùy tiện. Tôi thấy các cán bộ xã hàng năm lấy đất ruộng của nông dân để bán hoặc cho con em họ xây nhà cửa. Số tiền bán đất đó đi về đâu thì chỉ có họ mới biết. Tình trạng tham nhũng ở quê tôi rất là nghiêm trọng, nhưng nếu có người nào dám đứng lên để đòi lại công bằng thì họ dùng đủ mọi cách mua chuộc, không được thì lại đe dọa… Tôi rất mong các cơ quan chức năng Trung ương cử người về quê tôi để điều tra rõ mọi việc…”
Nguyễn Mạnh Hùng chonphudu1990@gmail.com "bật mí" về một “chiêu trò” biến hóa các con số để “làm đẹp báo cáo”:
“Không chỉ riêng Quảng Vinh có đến hàng trăm cán bộ, mà còn nhiều xã khác của Thanh Hóa cũng như vậy. Toàn là cán bộ không chuyên trách của "anh em trong nhà", nên khi có sự chỉ đạo từ TW là họ đồng loạt... thôi việc, ai biết đó là đâu nữa. Nếu ai có dịp về Thanh Hóa thì chắc sẽ thấy thực sự bộ máy chính quyền ở nhiều địa phương nơi đây không những đông mà còn có thái độ phải nói là thường rất hách dịch với dân....”
Nguyễn Văn An nguyenvanan@gmail.com nêu con số xác thực hơn các khoản mà người nông dân phải oằn lưng gánh gác để nuôi đội ngũ cán bộ, để rồi vẫn bị họ "hành là chính":
“Không riêng gì xã Quảng Vinh đâu, các bác về xã Quảng Lộc xem là biết ngay thôi mà: có 15 khoản đóng góp mỗi vụ, làm đường giao thông thì xã bắt nhân dân đập tường rào mà không đền bù gì hết...”
Hùng Anh hunganhtrade@hotmail.com tính nhanh những con số cho thấy gánh nặng đang đè trên vai mỗi hộ, mỗi người dân ở xã Quảng Vinh như thế nào:
Nghịch lý Cần - Đủ
Trong đoạn cuối bài viết “Lạm phát đầy tớ” đăng trên báo Lao Động mới đây, TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu rõ nghịch lý: “Cuối cùng, vấn đề đặt ra là tại sao các ông chủ còn rất nghèo ở nước ta lại “ăn chơi xa xỉ” đến như vậy? Câu trả lời đơn giản là: Các ông chủ này chưa bao giờ được hỏi ý kiến xem họ có cần đầy tớ không, cần bao nhiêu và cần những loại đầy tớ gì”.
Xoay quanh chuyện người dân cần bao nhiêu và số lượng cán bộ (“công bộc”) các cấp bao nhiêu là đủ, những lời tâm sự, tỏ bày, phân tích, chứng minh từ phía các “chủ nhân” thường rất khác với những gì được nêu trong các bản báo cáo chính thức. Tựu trung lại, dân đều muốn giảm bớt số lượng, tăng cường độ Tinh và Thông để bộ máy chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả, thiết thực… Nhiều minh chứng cụ thể cũng được nêu ra để củng cố cho các luận điểm của dân:
“Bộ máy công chức ở tỉnh Thanh Hóa nói chung như vậy là quá kồng kềnh, tất cả người dân và doanh nghiệp đều phải chịu đóng thuế để nuôi đội ngũ này. Tại sao không chuyển thành cơ chế công chức Nhà nước thực hiện theo cơ chế dịch vụ phục vụ. Cắt bỏ nhiều chức danh tại thôn, chỉ duy trì một chức danh thôn trưởng (thôn trưởng có thể giải quyết nhiều việc liên quan đến thôn). Chức danh công chức chuyên trách ở xã cũng vậy (xã nào cũng 25 đến 30 người) đến ngồi uống nước, hết giờ về, sinh ra nhiều ‘bệnh’ như: đánh bài, tổ chức ăn nhậu.... Vậy cần tập trung tinh giảm mạnh mẽ đội ngũ này, giảm khoảng 50 - 60% để góp phần thực hiện cải cách tiền lương, từ đó giúp công chức xã hoạt động hiệu quả hơn” - Dũng: tiendailong@gmail.com
“Chỗ nào cũng vậy thôi, cứ phanh phui ra thì còn nhiều số liệu cần làm rõ nữa chứ không riêng chỉ ở Thanh Hóa. Nhìn chung cuộc sống ở đây còn nghèo quá, đến khi nào mới có chủ trương giảm bớt mấy cái khoản thu phí nuôi bộ máy cán bộ cồng kềnh như thế đi nhỉ? Mình ở nhà suốt ngày, nghe trên loa thôn thông báo đóng hết phí này đến phí kia, thế mà chẳng thấy tý quyền lợi nào cho dân hết. Cứ thế thì đến khi nào dân mới đỡ khổ đây....” - Hòa: hoak08403@gmail.com
“Kinh khủng, thời xưa mỗi xã cũng có địa bàn hầu hết như bây giờ nhưng cũng chỉ có vài quan lại. Thế mà dân đã phải è cổ ra để nuôi họ. Bây giờ diện tích đa số các xã bằng hay nhỏ hơn ngày xưa nhưng tất nhiên dân số tăng lên, dù vậy cần gì mà một xã có ít cũng vài chục cán bộ? Tôi không hiểu họ làm những gì ở xã. Hoạt động kinh doanh thì dân tự lo hay doanh nghiêp lo. Vậy chỉ có vấn đề an ninh trật tự hay các hoạt động của Đảng, đoàn thể mà cán bộ nhiều đến vậy sao? Dân làm sao nuôi nổi họ đây... Nếu không tinh giản đi thì chắc người dân không đóng góp nuôi họ mãi được đâu” - Nguyen Cong Ly: chuc.nguyencong@gmail.com
“Theo tôi, phải báo cáo bằng những con số cụ thể: hiện nay xã có bao nhiêu cán bộ và phải đóng phí là bao nhiêu cho 1 sào ruộng/năm; và với số lượng cán bộ như thế thì có hợp lý không hay phải giảm bớt tại vị trí nào, giảm bao nhiêu người. Chứ báo cáo như vậy qua loa quá, không cụ thể và việc một xã có số lượng cán bộ như vậy thì tỉnh có nắm được không hay là bỏ mặc cho xã?” - Thuong: nguyenvan1237@gmail.com
“Các bác cứ bình tĩnh chớ nóng vội trước những con số. Xã báo cáo chi tiết đến số đơn vị là chính xác lắm rồi, không phải thanh tra như một số bác đề nghị đâu. Mà thanh tra chắc gì đã đúng. Các ‘Tổng’ bị thanh tra đầy, kết quả… đẹp như mơ mà sau lại "chết"? Nếu so với doanh nghiệp nhà nước, bộ máy của xã là… cực kỳ tinh giản rồi đấy. Mới có 2,8% so với con số gián tiếp ở doanh nghiệp nhà nước từ 7 đến 12% cơ mà? Lương của các bác xã lại thấp thì đáng gì so với các sếp doanh nghiệp nhà nước. Một người quản 8 người còn thua lỗ, thì ở xã này một người quản 35 người mà dân vẫn sống thì… tài đấy chứ!!!” – Zai: ruandengzai@gmail.com
Hiện tượng và Bản chất
Đã chứng kiến bao chuyện tưởng chừng không thể vẫn thành có thể ở nước ta, nên dư luận giờ đây cũng ít bị giật mình trước những vụ việc “có lẽ chỉ có ở VN” nữa. Thậm chí nhiều nơi khác cũng được lên danh sách để minh chứng cho sự bình thường của những chuyện bất bình thường vẫn xảy ra không ít ở nơi này, nơi khác.
"Hay" thật đấy!!! Đúng là ở Việt Nam mình điều gì cũng có thể xảy ra... Nhưng với tình trạng này thì đáng buồn hay vui đây????” - Tran Van Ha: hanguyenvan14@yahoo.com.vn
“Nếu báo cáo này là đúng thực tế thì ở nước ta chắc còn nhiều xã như vậy nữa và thậm chí còn hơn. Xã tôi (Kỳ Sơn - Thủy Nguyên - Hải Phòng), tôi thấy chắc cũng phải gần với số lượng cán bộ như trên. Nếu chúng ta tinh giảm, đi đôi với năng cao năng lực phẩm chất của đội ngũ cán bộ này thì người dân rất hoan nghênh” - Nguyễn Văn Bốn: bonnasico@gmail.com
“Tôi biết không những chỉ có xã Quảng Vinh, mà còn rất nhiều xã ở các vùng nông thôn hiện nay còn nhiều khoản thu bất hợp lý, là gánh nặng cho người nông dân vốn đã nghèo lại càng thêm khó khăn. Mong các cơ quan chức năng quan tâm để người nông dân bớt khổ” - Lê Xuân Hùng: hungb206@yahoo.com
“Không riêng gì xã Quảng Vinh đâu, ở xã Quảng Cư thì cũng thế: toàn con, anh em họ hàng của nhau lên làm cán bộ hết. Trạm xá tiêm phòng cho trẻ em miễn phí thì vẫn thu tiền bình thường, không thế thì không có kinh phí nuôi cán bộ...” - Nga Dung: ngavieca@gmail.com
“Nếu như không có báo chí nêu chuyện này ra, thì không biết có việc UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn khẩn báo cáo Thủ tướng để giải trình về vấn đề trên không? Tôi nghĩ là không vì ai lại "vạch áo cho người xem lưng" bao giờ ... Nhưng theo tôi nghĩ, chắc không chỉ Thanh Hóa mà các tỉnh khác cũng có tình trạng tương tự.... Bao nhiêu khoản quỹ năm nào cũng thu, nhưng rồi cứ mỗi khóa ông Chủ tịch xã mới lại chẳng thấy đâu. Mới vừa rồi về quê xin cái dấu xác nhận của ông "đầy tớ của dân" mà khó quá. Họ bảo mang hộ khẩu để họ xem có nợ khoản thu phí nào của HTX không, nếu nợ thì phải đóng hết rồi họ mới đóng dấu cho...Hazzz, 3 lần đi mất gần 1 ngày mới có được con dấu xác nhận cho "ông chủ" từ phía "đầy tớ nhân dân" ký và đóng dấu. Đấy là may nhà mình không có nợ khoản phí gì đấy, nếu không chắc không biết thế nào..... Các nhà báo ơi, về Hà Nam quê em đi mà viết tiếp chủ đề này...” - Van Hai Anh: haianh040585@gmail.com
“Úi giời! Chẳng phải chỉ có ở Thanh Hóa đâu, các nhà báo cứ về Hải Hậu, Nam Định quê nội con em đi, còn nhiều chuyện hay hơn nữa cơ. Vợ chồng em làm việc và sống trên Hà Nội nhưng một năm vẫn phải gửi tiền về đóng thuế ở quê. Em cũng ngại không hỏi là các khoản gì, vì một lần cũng hỏi chuyện liên quan bị mẹ chồng phản bác là đi lấy chồng phải theo phong tục bên nhà chồng, khi em lỡ so sánh: Bên Nam Định sao lắm khoản thuế thế, chứ ở Thái Bình quê em có phải thu khoản gì đâu. Không tin các bác nhà báo cứ về Hải Hậu, Nam Định quê chồng em mà xem. Chẳng hiểu sao các bác cán bộ xã chỉ làm công việc xã đơn thuần mà con cái các vị ấy toàn được bố mẹ "tặng" nhà Hà Nội nữa cơ đấy!” - Linh: zinzinng@gmail.com
Song rõ ràng đã đến lúc những chuyện bị coi là “bình thường” như thế cần phải bị đặt trở lại đúng vị trí “bất bình thường” để cần bị quyết liệt xóa bỏ, bởi chúng đã khiến cho lòng tin của dân ta bị xói mòn đi biết bao nhiêu. Và cũng khiến cho nhiều người đang ngày đêm làm việc, góp công góp sức xây dựng và phát triển xã hội phải chạnh lòng quá nhiều rồi…
“Tôi thấy, cái báo cáo...người ta cần 1 đằng thì trả lời 1 nẻo, các ông có cần gửi các số liệu thống kê ra không, vì để làm gì... Nói như ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Đà Nẵng "các ông đang cho người ta uống thuốc an thần ư".... Toàn đưa con số thống kê không có ý nghĩa, trong khi ở đây người ta muốn biết trách nhiệm của ai, của ông Tỉnh hay ông Huyện, sau cả tuần như vậy các ông xử lý vấn đề thế nào rồi, sau việc này các ông có rà soát lại các nơi khác xem có tình trạng như vậy nữa không? Các ông làm gì người dân đều biết cả đấy, lên uỷ ban ngồi chém gió, uống trà...ký vài cái công văn xong đi về, ai mà chẳng làm được” – Sơn: tinhanh_vannhuthe227@yahoo.com.vn nhấn mạnh.
“Tôi cũng là công chức và tôi cảm thấy xấu hổ vì những việc như thế này. Cần làm sao đừng để dân xem cán bộ, công chức là những kẻ ăn bám!” - Nguyễn Xuân Sơn: sonnguyenxuanhucx@gmail.com nêu rõ.
“Đây là tình trạng chung, xã Quang Vinh là 1 thôi. Hãy tinh giản bớt cán bộ, viên chức như thế giải quyết công việc sẽ không còn cồng kềnh, trách nhiệm liên quan sẽ rõ ràng (không còn tình trạng 1 việc khi xảy ra vấn đề là các ban ngành thi nhau đổ lỗi cho nhau, trốn tránh trách nhiệm liên quan). Một khi cán bộ được chọn lọc thì họ sẽ được làm việc đúng năng lực, chức trách và khi đó lương bổng sẽ được cải thiện hơn... Hãy dũng cảm “thay máu” tốt hơn cho hệ thống hành chính VN, vì một tuơng lai " tiền thuế do dân đóng góp và được dùng đúng lúc, đúng chỗ và đúng người"!” - Linh: misslinh.1108@yahoo.com đề nghị.
“Mong các báo đài sớm xác minh lại xem có đúng là tới 500 cán bộ xã hay không? Con số 254 cán bộ nếu đúng, thì ai là người chịu trách nhiệm khi thông tin con số 500 cán bộ? Việc này có lẽ "đến Thượng đế cũng phải cười", vì theo tôi nghĩ đâu cần phải báo cáo tới tận Thủ tướng, tới tận Bộ Nội vụ cho tốn bao nhiêu là công sức và giấy mực. Mà hậu quả là có lẽ đã phức tạp hóa vấn đề, gây hoang mang dư luận và mất uy tín, niềm tin của dân đối với bộ máy chính quyền nơi đây” - Nguyễn Trung Kiên: kienagbitexco@gmail.com chốt lại vấn đề.
Vâng ngẫm đi ngẫm lại thì thấy chuyện về những con số như thế này, dù thực tế là gần 500 cán bộ 1 xã hay chỉ 254 đi chăng nữa, với người dân nước ta tuy có thể là “chuyện thường”. Nhưng chắc nó sẽ khiến người nước ngoài liệt vào hạng những chuyện “đến Thượng Đế cũng phải cười”… ra nước mắt…
Thanh Nguyễn