Vướng mắc địa giới hành chính giữa Kon Tum và Quảng Nam
(Dân trí) - Bộ Nội vụ có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Kon Tum và Quảng Nam hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính nhưng đến nay vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Cử tri phản ánh, hiện nay có một số hộ dân của xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đang sinh sống, sản xuất trên địa phận xã Đắk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum) gây khó khăn trong quản lý địa bàn, quản lý bảo vệ rừng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của xã Đắk Nên.
Nguyên nhân, theo cử tri, do địa giới hành chính tại khu vực giáp ranh giữa hai xã chưa được tỉnh Quảng Nam ký xác nhận pháp lý hồ sơ bản đồ địa giới hành chính - mặc dù tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản đề nghị vào các năm 2021-2023.
Cử tri Kon Tum đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Dự án 513 Trung ương, có ý kiến để tỉnh Quảng Nam ký xác nhận hồ sơ bản đồ địa giới hành chính.
Đồng thời báo cáo Thủ tướng sớm chủ trì cuộc làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm sự việc trên tinh thần giữ nguyên hiện trạng đường địa giới hành chính giữa xã Đắk Nên và xã Trà Vinh.
Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ khẳng định đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Kon Tum và UBND tỉnh Quảng Nam hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Quyết định số 513/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính (gọi tắt là Dự án 513).
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, đến nay vướng mắc về địa giới hành chính nêu trên chưa được giải quyết dứt điểm.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum, Bộ Nội vụ khẳng định sẽ khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan và 2 tỉnh đề xuất phương án cụ thể trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.
Được biết, việc chồng lấn địa giới hành chính bắt đầu từ khi thực hiện lập hồ sơ theo Chỉ thị 364/CT vào năm 1994. Đơn vị lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã đo vẽ bản đồ bằng phương pháp vẽ nội nghiệp (bản đồ sử dụng đất - PV) mà không kiểm tra thực địa, dẫn đến sai lệch so với thực tế.
Điều đó khiến toàn bộ thôn 3 của xã Trà Vinh với gần 240 hộ dân, hơn 1.000 nhân khẩu "bỗng dưng" sinh sống và canh tác trên địa phận thuộc xã Đăk Nên. Tổng diện tích khu vực chồng lấn trên 6.198ha.
Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế quản lý Hòn Sơn Trà Con?
Cũng liên quan đến vướng mắc địa giới hành chính, như Dân trí phản ánh, cử tri Đà Nẵng kiến nghị làm rõ phần ranh giới hành chính của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế có một đảo nhỏ nhô ra - được người dân Đà Nẵng gọi là Hòn Sơn Trà Con, có vị trí kéo dài từ Đèo Hải Vân nhô ra Vịnh Đà Nẵng.
Khu vực này chưa được xác định rõ địa giới hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương nào nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp nội bộ và khó để đưa vào quy hoạch khai thác, phát triển kinh tế địa phương.
Về việc này, Bộ Nội vụ nói đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan triển khai xây dựng phương án phân định ranh giới quản lý hành chính trên biển đối với 28 tỉnh, thành phố có biển để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Khi cấp có thẩm quyền chưa phân định ranh giới quản lý hành chính giữa Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Nội vụ đề nghị Đà Nẵng thực hiện quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội theo các quy định của pháp luật hiện hành.