1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hòn Sơn Trà Con do Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế quản lý?

Thế Kha

(Dân trí) - Tại khu ranh giới hành chính giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế có một đảo nhỏ nhô ra, thường được gọi là "Hòn Sơn Trà Con" nhưng chưa rõ thuộc phạm vi quản lý của địa phương nào.

Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chưa rõ Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế quản lý

Cử tri Đà Nẵng phản ánh, hiện nay ở giữa phần ranh giới hành chính của Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế có một đảo nhỏ nhô ra - được người dân Đà Nẵng gọi là Hòn Sơn Trà Con, có vị trí kéo dài từ đèo Hải Vân nhô ra vịnh Đà Nẵng. Đây là khu vực chưa được xác định rõ địa giới hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương nào.

Cử tri lo lắng việc này kéo dài dễ tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp nội bộ và khó để đưa vào quy hoạch khai thác, phát triển kinh tế địa phương. Khi cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý hành chính.

Vì thế, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét có hướng dẫn phân định rõ về địa giới hành chính giữa hai địa phương, để thuận lợi trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

Hòn Sơn Trà Con do Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế quản lý? - 1

Hòn Chảo (theo cách gọi của Thừa Thiên Huế) hay còn gọi là Hòn Sơn Trà Con (theo cách gọi của người Đà Nẵng) (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế).

Bộ Nội vụ cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 302/2023 kéo dài thời gian thực hiện "Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính".

Do đó, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương triển khai xây dựng phương án phân định ranh giới quản lý hành chính trên biển đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Khi cấp có thẩm quyền chưa phân định ranh giới quản lý hành chính giữa Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị Đà Nẵng thực hiện quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội theo các quy định của pháp luật hiện hành", Bộ Nội vụ nêu rõ.

Đặt tên huyện, xã sau sắp xếp là "nhiệm vụ đặc biệt quan trọng"

Cử tri Đà Nẵng nêu thực tế TP đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập các xã, phường và dự kiến đặt tên các đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thống nhất về cách đặt tên đảm bảo dựa trên lịch sử hình thành và địa danh tại địa phương.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ Nội vụ dẫn chứng Điều 6 Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đã quy định việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Việc đặt tên mới phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

Hòn Sơn Trà Con do Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế quản lý? - 2

Cử tri Đà Nẵng phản ánh việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, sáp nhập cấp huyện, cấp xã vẫn chưa thống nhất (Ảnh: Ánh Dương).

Ngày 13/5 vừa qua, Bộ Nội vụ có Văn bản số 2594/BNV-CQĐP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lưu ý một số vấn đề khi xây dựng, trình Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Tại văn bản này, Bộ đã nêu rõ việc đặt tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp là "nhiệm vụ đặc biệt quan trọng", liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào, tự tôn của cộng đồng dân tộc, cộng đồng dân cư nơi sắp xếp.

Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, thận trọng, hợp tình, hợp lý, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân trên địa bàn.

"Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp", Bộ Nội vụ trả lời cử tri Đà Nẵng.