1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Vướng giải tỏa, công trình trọng điểm ì ạch

(Dân trí) - Một trong những công trình trọng điểm của TPHCM như dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đang có dấu hiệu chững lại vì không tìm được tiếng nói chung trong giải tỏa, đền bù.

Trong buổi phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10, HĐND TP khóa VIII, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, trong 6 tháng còn lại của năm, TP tập trung chỉ đạo điều hành, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải tỏa, tái định cư để thi công, phấn đấu đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, cấp bách như cầu Sài Gòn 2; cầu Đỏ; đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi; đường cao tốc TPHCM - Long Thành; hai cầu vượt quốc lộ 1K, tỉnh lộ 10; các cầu vượt thép tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), vòng xoay Cây Gõ (quận 6 và 11), giao lộ Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai - Lý Thái Tổ (quận 10), cầu Kinh bắc qua bán đảo Thanh Đa...

Dự án bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa cũng là một trong những công trình mang dấu ấn năm của TPHCM nhằm giải quyết vấn đề chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Phần bờ kè thuộc phường 26, Bình Thạnh thì đã hoàn thành. Bờ kè thành công viên thoáng mát, đường sá thênh thang. Nhưng phần bờ kè bên bán đảo Thanh Đa, thuộc phường 27 hoàn toàn đối lập lại. Dự án đang ì ạch… chờ ngày cán đích, thậm chí có dấu hiệu chững lại ở đoạn 1.2 và 1.4 vì vướng khâu giải tỏa, đền bù.
Dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa ì ạch về đích
Dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa ì ạch về đích

Công trình 1.2 và 1.4 do Khu quản lý đường thủy nội địa (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 57 tỷ đồng. Hai dự án được khởi công vào giữa tháng 7/2012, dự kiến sau 11 tháng thi công sẽ hoàn thành trước mùa mưa năm nay (tức tháng 6/2013). Nhưng qua ghi nhận thực tế, 2 công trình này hiện đang có nguy cơ dậm chân tại chỗ do không có mặt bằng thi công.

Khi triển khai dự án, khâu quan trọng nhất là công tác tuyên truyền vận động và chính sách bồi thường để giải tỏa đền bù. UBND quận Bình Thạnh đã chỉ đạo phường 27 cùng các phòng ban liên quan vận động số hộ dân còn lại chấp thuận di dời, bàn giao mặt bằng để bàn giao cho Khu Quản lý đường thủy nội địa thi công trong quý II năm nay. Đáng tiếc là quyết tâm đó chưa thể thực hiện, người dân vẫn bám đất, khiếu nại kéo dài.
 
Công tác giải tỏa đền bù còn gặp nhiều sự khó khăn nên dự án chậm trễ
Công tác giải tỏa đền bù còn gặp nhiều sự khó khăn nên dự án chậm trễ

Trao đổi với PV Dân trí, bà Hà Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND phường 27, quận Bình Thạnh cho biết, dự án 1.2 hoàn thành được 70% trong tổng số hạng mục, dự án 1.4 hoàn thành 45%. Hiện, vẫn còn 8/61 hộ ở khu vực cuối tuyến của dự án 1.2 và 30/133 hộ nằm rải rác trong dự án 1.4 đã gây khó khăn cho công tác thi công.

“Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc, tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân để có được sự đồng thuận trong bồi thường, giải tỏa nhưng một số hộ vẫn chưa chịu di dời vì không đồng ý với giá bồi thường. Bên cạnh việc liên quan đến giá trị bồi thường, một số chủ hộ cho thuê lại, không có mặt ở địa phương và khi cán bộ phường liên lạc thì tỏ thái độ bất hợp tác. Thậm chí, hiện có 30 hộ đã gửi đơn ra tòa án Bình Thạnh kiện chính quyền”, bà Vân thở dài.

Quyết không để tình trạng dự án… rùa bò, trong tháng 7/2013, UBND phường 27 cho biết nếu mọi biện pháp ôn hòa mà vẫn không khả thi thì buộc phải sử dụng tới biện pháp cưỡng chế.

Tháo gỡ mái che quán cà phê lấn chiếm hành lang an toàn bờ sông

Ngày 5/7, báo Dân trí đăng bài “Dãy quán cà phê trong khu sạt lở: Làm mồi cho Hà bá!” phản ánh tình trạng một số quán cà phê, quán nhậu mọc san sát nhau ngay trên hành lang an toàn bờ đê bao sông Sài Gòn, bất chấp cảnh báo sạt lở. Những quán cà phê ngang nhiên cơi nới, làm mái che kiên cố… để đón khách gây tình trạng mất an ninh trật tự, “xé toang” không gian yên tĩnh vốn có của bán đảo Thanh Đa.
 
Ngay khi nhận được phản ánh của PV Dân trí, lãnh đạo UBND phường 27, Bình Thạnh đã tiến hành khảo sát, chấn chỉnh lại hoạt động của các quán nhậu, quán cà phê. Đồng thời, UBND phường cũng tiến hành buộc tháo gỡ mái che, cắt các cột sắt kiên cố để không cho chủ quán cà phê làm mái che trở lại.

Quế Sơn

 

Công Quang