Du khách một đi không trở lại:

Vướng “bẫy” tham quan, mua sắm

Hai vợ chồng người Thụy Sỹ mua một chiếc áo cùng khăn quàng với giá 22 USD. Vừa bước ra khỏi chợ, một cơn mưa rào trút xuống, chiếc áo xanh tuôn màu loang lổ, thấm xuống chiếc quần màu sáng, ông chồng giận dữ cởi phăng chiếc áo, lắc đầu lia lịa trong mưa...

Đến TPHCM và VN nói chung, du khách được trang bị ngay kiến thức để đối phó với đầy rẫy những “chiếc bẫy”. Song, vừa bước chân ra khỏi khách sạn, những điều phiền lòng vẫn ập đến với họ.

Là khách du lịch đã từng đến VN hai lần, song lần nào ông Robert, người Pháp, cũng có cảm giác bất an mỗi khi ra phố.

“Cái bang” quậy khách

Mới đây, đoàn du khách của ông Robert gồm 7 người đi từ Pháp sang với lộ trình 10 ngày tại VN. Đoàn lưu lại TPHCM 2 ngày để tham quan các danh lam thắng cảnh ở TP lớn nhất VN này.

Chương trình được bắt đầu với buổi tham quan chùa Thiên Hậu trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Vừa bước xuống ô tô, đoàn đã bị cả chục người quần áo rách rưới vây quanh chìa tay xin tiền. Những cánh tay đầy vết lở loét bôi thuốc đỏ, ruồi nhặng bâu đầy, liên tục đưa ra níu kéo du khách. Dù trước khi đi tham quan, hướng dẫn viên du lịch đã dặn dò kỹ đừng cho tiền ai cả, song trước cả chục người thoạt trông đều đáng thương như thế, các du khách cầm lòng không đặng đều lần lượt móc túi lấy những đồng bạc lẻ ra trao cho họ.

Ông Robert chỉ còn tiền lẻ là vài tờ 500 đồng, cũng lấy ra cho những người ăn xin. Lập tức, một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi bực bội vứt tờ 500 đồng trước mặt ông rồi chửi một câu tiếng Việt. Dù không hiểu được, song qua thái độ của cậu bé, ông Robert hiểu mình và những người trong đoàn đã đặt lòng tốt không đúng chỗ. Chẳng nói chẳng rằng, cả đoàn lặng lẽ hoàn tất nốt chuyến tham quan chùa Thiên Hậu trong một nỗi buồn bã khôn tả.

Đua nhau “chặt, chém”

Một đoàn khách từ Đức tới TPHCM giữa tháng 12 vừa qua cũng vấp phải những nỗi buồn tương tự khi bước chân vào chợ Bình Tây. Khi đoàn dừng trước một quầy nón, người bán đem ra một xấp nón vải, mời họ mua với giá 15 USD/cái. Thấy khách lắc đầu, người bán liền hạ xuống 12 USD và cuối cùng chốt giá 10 USD/cái. Du khách vừa trả tiền xong, người hướng dẫn viên du lịch mồ hôi nhễ nhại vì vừa chỉ dẫn 2 khách trong đoàn mua hàng ở quầy bên cạnh, quay sang thấy giá quá mắc, liền phản ứng: “Nón này giá chỉ có 10.000 đồng/cái, sao ở đây bán cao vậy?”. Lập tức, anh hướng dẫn viên nhận lại từ người bán đủ các câu nói kém văn hóa. Vội vàng bỏ ngoài tai, anh yêu cầu đoàn khách sang khu vực khác tham quan, mua sắm.

Tiểu thương ở chợ Bến Thành, quận 1 thường kháo nhau rằng cuối buổi chiều hằng ngày là thời điểm buôn bán phát đạt nhất, do sau khi đi tham quan các nơi về nơi trú ngụ tại khu vực trung tâm TP, du khách thường ghé vào đây mua hàng. Trước chợ Bến Thành thường có những người biết nói dăm câu tiếng Anh chực chờ sẵn, hễ thấy “con mồi” đến là lao ra nắm tay dắt vào.

Lực lượng cò mồi này hoạt động theo kiểu vệ tinh cho một số sạp, quầy, cửa hàng nhất định, có ăn lương theo doanh số khách mua hàng hẳn hoi. Trong chợ, những bảng giá treo trên cao ở các sạp, quầy bằng chữ Anh và chữ Việt đều cao ngất, người bán cứ tùy vào thái độ rắn mềm của du khách mà hét giá, chặt chém.

Tại một gian hàng bán lụa tơ tằm ở chợ Bến Thành, hai vợ chồng người Thụy Sĩ đang đứng xem chiếc khăn quàng cổ và chiếc áo sơ mi nam màu xanh. Sau một hồi trả giá, họ đồng ý mua 2 sản phẩm này với giá 22 USD rồi mặc, quàng luôn vào người. Bước ra khỏi gian hàng, hai du khách liền bị một đám cò mồi chạy theo níu kéo, mời mọc mua thêm những món đồ tương tự với giá rẻ hơn nhiều.

Biết đã bị lừa, vợ chồng người Thụy Sĩ xua tay dứt khoát không mua thêm. Vừa bước ra khỏi chợ bỗng một cơn mưa rào trút xuống, chiếc áo màu xanh người chồng đang mặc bị tuôn màu loang lổ, thấm xuống chiếc quần màu sáng trông thật thảm hại. Ông chồng giận dữ cởi phăng chiếc áo, lắc đầu lia lịa trong mưa...

Đến TPHCM và VN nói chung, du khách được trang bị ngay kiến thức để đối phó với đầy rẫy những “chiếc bẫy”. Song, vừa bước chân ra khỏi khách sạn, những điều phiền lòng vẫn ập đến với họ. Các hướng dẫn viên du lịch cảnh báo: “Không chỉ ở chợ, mà tất cả những nơi nào khách nước ngoài hay lui tới, lực lượng bán hàng sẵn sàng “mài dao”, chực chờ cơ hội “chặt đẹp” khiến cho du khách khiếp vía “một đi không trở lại”.

Chẳng còn lòng dạ nào thăm thú!

 

Xế trưa, sau khi tham quan, mua sắm ở chợ Bình Tây, đoàn du khách người Đức lên xe chuẩn bị về khách sạn. Tiện thể trên đường về, đoàn ghé qua khu An Bình, quận 5 để khách tham quan những chiếc xe tang được trang trí rồng phượng rất ấn tượng đối với người nước ngoài. Khu An Bình tập trung nhiều nhà tang lễ để người chết quàn tại đây.

 

Vừa bước xuống xe, đoàn khách người Đức đã chứng kiến cảnh một du khách Tây “ba lô” vừa chạy thục mạng trên đường Nguyễn Trãi, vừa hô hoán vì bị giựt mất chiếc máy quay phim. Hốt hoảng, cả đoàn du khách bảo nhau lên xe về khách sạn, chẳng ai còn lòng dạ nào mà thăm thú nữa! 

Theo Ngọc Mai
Người lao động