Vườn quốc gia Hoàng Liên cứu hộ nhiều loài thú hoang dã quý hiếm

(Dân trí) - Từ đầu năm 2021 tới nay trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Lào Cai) tiếp nhận nhiều loài thú hoang dã quý hiếm do công an thu giữ và người dân tự nguyện hiến tặng.

Vườn quốc gia Hoàng Liên cứu hộ nhiều loài thú hoang dã quý hiếm - 1

Cá thể Cu li do người dân tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, được bàn giao kịp thời cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên tiếp nhận để chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện tái thả về môi trường tự nhiên. (Ảnh Vườn quốc gia Hoàng Liên).

Vườn quốc gia Hoàng Liên cứu hộ nhiều loài thú hoang dã quý hiếm - 2

Hai cá thể Gấu ngựa (Ursus thibetanus hay Ursus tibetanus) do công an tỉnh Lai Châu bắt giữ, bàn giao cho Trung tâm cứu hộ-  (Ảnh Vườn quốc gia Hoàng Liên )

Vườn quốc gia Hoàng Liên cứu hộ nhiều loài thú hoang dã quý hiếm - 3

Rùa đầu to (Playtysternon megacephalum) được cứu hộ ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên 

Vườn quốc gia Hoàng Liên cứu hộ nhiều loài thú hoang dã quý hiếm - 4

Chim Cắt lớn (Falco Peregrinus) có sải cánh 84-120cm, là loài chim cắt lớn nhất Việt Nam, cánh nhọn và gốc cánh rộng, ở một số tư thế bay giống như hình mỏ leo. (Ảnh Vườn quốc gia Hoàng Liên)

Vườn quốc gia Hoàng Liên cứu hộ nhiều loài thú hoang dã quý hiếm - 5

Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên tiếp nhận chim quý hiếm do người dân Sa Pa hiến tặng.

Từ đầu năm 2021 tới nay trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (gọi tắt là Trung tâm Hoàng Liên thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên) tiếp nhận nhiều loài thú hoang dã quý hiếm do công an thu giữ hoặc từ nguồn người dân tự nguyện hiến tặng.   

Gần đây nhất là Trung tâm Hoàng Liên đã tiếp nhận 3 cá thể Gấu ngựa (Ursus thibetanus hay Ursus tibetanus), 1 cá thể Rùa đầu to (Platysternon megacephalum), thuộc nhóm IIB trong danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Đây là tang vật do Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Lai Châu) phát hiện bắt giữ khi các đối tượng đang vận chuyển đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Trong đó có một cá thể Gấu ngựa nặng 38 kg, 2 cá thể Gấu ngựa có trọng lượng 8 kg, một cá thể Rùa đầu to có trọng lượng 0,3 kg và một đầu Gấu ngựa có trọng lượng 0,8 kg. Ngoài ra, còn có 4 tay và chân Gấu ngựa có trọng lượng 0,8kg, một túi mật Gấu ngựa. Trung tâm  Hoàng Liên đã tiếp nhận số tang vật trên để chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Trung tâm cũng đã tiếp nhận một cá thể Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus).

Đây là loài động vật hoang dã quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thuộc nhóm IIB, danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

Cá thể Cu li nhỏ này do người dân tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu và được bàn giao kịp thời cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên tiếp nhận để chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện tái thả về môi trường tự nhiên.

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cũng đã tiếp nhận một cá thể Diều hâu đen (Milvus migrans), một cá thể Cắt lớn (Falco Peregrinus) của gia đình ông Phạm Quang Hiệp,thường trú tại số nhà 013, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa ( tỉnh Lào Cai) tự nguyện hiến về Trung tâm để kịp thời cứu hộ, chăm sóc.

Trong đó chim Cắt lớn (Falco Peregrinus) có sải cánh 84-120cm, là loài chim cắt lớn nhất Việt Nam, cánh nhọn và gốc cánh rộng, ở một số tư thế bay giống như hình mỏ leo.

Bình thường bay như chim cu, lượn ngắn nhưng khi săn mồi thì rất nhanh nhẹn và có thể lao mạnh đến con mồi. Sự xuất hiện của Cắt lớn luôn gây ra nỗi kinh hoàng trong các đàn chim khác. 

Trước đó, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cũng đã tiếp nhận và cứu hộ 42 cá thể thuộc 3 loài động vật hoang dã, gồm 2 cá thể Rùa đầu to (Playtysternon megacephalum), 1 cá thể cầy vòi mốc (Pagumalarvata) và 39 cá thể Rắn hổ mang một mắt kính (Naja kaoutthia).

Các loài trên đều nằm trong nhóm IIB danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

42 cá thể động vật hoang dã kể trên là tang vật được Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Lai Châu) phối hợp với Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu) phát hiện, thu giữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Sau khi tiếp nhận cứu hộ, Trung tâm Hoàng Liên đã tiến hành kiểm tra y tế, đồng thời thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng và sẽ thả các cá thể động vật hoang dã này về môi trường tự nhiên, khi chúng đạt điều kiện sức khỏe theo quy định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm