Gia Lai
Vươn lên từ “vùng khó”, bà con người Dao vui đón tết trên Cao Nguyên
(Dân trí) - Hàng chục năm nay, bà con người Dao từ phía Bắc đã di dân vào vùng sỏi đá thuộc làng Lơ Bơ (xã Chư Krey, huyện Kông Chro, Gia Lai) lập nghiệp. Với sự giúp đỡ của chính quyền, cuộc sống khó khăn, nghèo đói, bệnh tật bám dai dẳng… đã được đẩy lùi, bà con đã được cấp đất, làm nhà, ổn định sản xuất từ “vùng đất khó”.
Người Dao, hành trình vươn lên từ “vùng khó”
Vì cuộc khó khăn, thiếu đất sản xuất nên những năm 2007 – 2008, bà con đồng bào người Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện cuộc di dân vào mảnh đất Tây Nguyên. Sau nhiều ngày bôn ba, hàng chục hộ dân người Dao đã chọn mảnh đất bằng phẳng nhưng khí hậu lại khắc nhiệt, sỏi đá trên dãy núi Chư Krey (huyện Kông Chro, Gia Lai) làm nơi lập làng.
Những năm ấy, cuộc sống giữa rừng vô cùng thiếu thốn, bà con phải sống giữa rừng, bệnh tật hoành hành, điện, đường, trường trạm hầu như không có. Tuy nhiên, bà con người Dao với khoảng 43 hộ là họ hàng, quê ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã quyết định lập làng, phát triển trên chính mảnh đất khó này.
Ông Triệu Văn Qúy nhớ lại: “Ngoài phía Bắc, đất đai sỏi đá nhưng cũng không đủ làm nên chúng tôi đã bàn bạc vào mảnh đất Tây Nguyên này để mở đất, làm kiếm cơm nuôi các con. Lúc đó, trên xã Chư Krey này bà con không có tiền mua đất nên phải vô trong rừng sâu làm rẫy. Đất đai trong đó tốt hơn ngoài quê nhiều, nhờ vậy mà chúng tôi không sợ thiếu đói nhưng nhiều cái khổ khác như bệnh tật, bị xua đuổi vì ở trái phép trong rừng…”.
Tương tự, ông Triệu Tài Hùng, là một trong những người có uy tín và đặt bước cân đầu tiên cùng bà con người Dao lên vùng đất mới ở xã Chư Krey. Ông Hùng cho biết: “Hồi xưa, điện, đường không có. Chúng tôi phải sống trong rừng dưới những ánh đèn dầu. Trong làng nếu ai bị ốm thì phải dùng võng cõng ra bệnh xá cả chục cây số. Tuy nhiên, ở đây đất rộng, trồng được cây lúa, cây mì nên bà con vẫn cố bám trụ…Nhiều năm trước, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị mong muốn chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ bà con để bà con được “an cư, lạc nghiệp” trên mảnh đất mới này”.
Để giải quyết triệt để vấn nạn di dân tự do từ người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, năm 2018 các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã di dời 43 hộ dân người Dao này về khu đất trống rộng khoảng 3 ha gần làng Lơ Bơ của người Bahnar, cách trụ sở UBND xã Chư Krey khoảng 4km. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã bố trí quỹ đất và cấp 3,3 tỷ đồng xây dựng trạm hạ thế, san ủi mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông, xây dựng 2 bể nước và hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng dời nhà từ trong rừng ra khu tái định cư. Đặc biệt, bà con được cấp sổ hộ khẩu và hỗ trợ làm các giấy tờ cho con cái được đến trường.
Vui đón tết, “thắt chặt tình anh em”
Hai năm sau di dời, khu tái định cư này có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn. 43 ngôi nhà chia làm 4 khu vực khác nhau, lấy con đường giao thông liên xã làm trung tâm. 43 ngôi nhà dựng san sát nhau, trong đó có nhiều ngôi nhà xây kiên cố to đẹp. Những hàng cột điện thẳng tắp dọc trên những con đường bê tông vào khu tái định cư.
“Về đây ở, con cái đi học gần hơn, đau ốm ra trạm xá xã xin thuốc uống. Điện đường được đầu tư giúp sinh hoạt hàng ngày tiện hơn. Mấy hộ dân ở đây đều có đất rẫy trồng nhiều loại cây. Hộ ít có 1 ha, hộ nhiều 3-4 ha. Ở trong này tốt hơn ngoài quê cũ nhiều. Tôi mới làm xong nhà ở trị giá 70 triệu. Ở ngoài quê không dám mơ đến đâu”, ông Triệu Tài Hùng chia sẻ.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu tái định cư này, ông Khương Đình Huy (Chủ tịch UBND xã Ia Krey) cho hay: “Những hộ người Dao chăm chỉ làm ăn nên đời sống khá hơn trước đây. Hộ giàu nhất nơi đây là Triệu Phú Ngọc. Nhà này có vài ha trồng cà phê xen tiêu ở xã và mới mua thêm mấy ha đất ở ngoài huyện Đak Pơ. Ông Ngọc cũng mới xây xong ngôi nhà to nhất làng Lơ Bơ. Một số hộ khác có kinh tế ổn định, con cái được học hành đàng hoàng như con cái anh Triệu Tài Hùng. Các hộ dân ở đây cũng chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và sinh sống hoàn thuận, đoàn kết với dân các làng khác.Đây là cái Tết thứ 2 nơi khu tái định cư mới của 43 hộ dân người Dao ở làng Lơ Bơ. Trong niềm hân hoan đón chào năm mới Canh Tý 2020, người Dao ở làng Lơ Bơ quây quầy đón Tết.”.
Năm nay, ngôi nhà của gia đình ông Triệu Tài Hùng được chọn là địa điểm ăn bữa cơm chung trong ngày năm mới. Tờ mờ sáng ngày 1 Tết, 43 hộ dân cử thành viên đến nhà ông Hùng chung tay sửa soạn, nấu thức ăn cho bữa cơm chung vào buổi trưa. Một nhóm thanh niên được giao nhiệm vụ làm thịt một con heo gần 30 kg. Sau khi chọc tiết, cạo lông, họ xẻ thịt con heo thành nhiều phần khác nhau. Toàn bộ phần thịt ba chỉ được dùng để nấu món ăn mang đậm bản sắc riêng của người Dao có tên gọi là khâu nhục. Xương heo được dùng để nấu chung với củ quả…
Khi các mâm lễ được hoàn tất, mọi người đặt lên bàn thờ, thầy mo Triệu Văn Long bắt đầu nghi lễ cúng năm mới. Một bài văn cúng các vị thần ở trên núi Chư Krêy đã phù trì bảo hộ cho 43 hộ dân người Dao trong cuộc mưu sinh nơi quê hương thứ 2 và cầu mong tiếp tục nhận được sự bảo hộ trong năm mới Canh Tý 2020. Một bài cúng khác dành cho tổ tiên gia chủ Triệu Tài Hùng. Cầu cho gia đình ông Hùng sức khỏe, làm ăn phát đạt trong năm mới.
Bữa cơm chung trong năm mới của 43 hộ dân sinh sống ở khu tái định cư làng Lơ Bơ có sự chia vui của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Chư Krey và chức sắc làng Lơ Bơ. Mọi người cùng ăn uống, cùng chúc nhau năm mới với nhiều thắng lợi mới. Họ hẹn nhau phấn đấu làm ăn trong những năm tới để xây dựng Chư Krey-mảnh đất đã cưu mang họ trong cuộc mưu sinh mong thoát cảnh đói nghèo ngày càng đẹp giàu hơn.
Ông Đinh Diu (Bí thư Chi bộ, già làng Lơ Bơ) cùng nhiều người Bahnar mang theo một ghè rượu cần đến mừng năm mới 43 hộ dân người Dao cùng làng: “Người Bahnar sinh sống ở làng Lơ Bơ hơn 100 năm rồi. Mới đây, chính quyền di dời thêm 43 hộ người Dao ra rồi sáp nhập chung thành làng Lơ Bơ. Người Bahnar và người Dao đoàn kết giúp đỡ nhau, không gây rối trật tự xã hội và thường đến chung vui với nhau trong ngày lễ”, già Diu nói.
Phạm Hoàng