1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vui buồn nhà vệ sinh công cộng

(Dân trí) - Cuộc sống, hy vọng, buồn vui của họ đều “gói trọn” ở nhà... vệ sinh công cộng. Để có được “chân”gác cửa những WC này, với họ là cả một quá trình phấn đấu, nhiều người phải có hàng chục năm thâm niên trong công ty môi trường mới được một “suất” như vậy.

Ăn, ngủ ở ngay cửa nhà vệ sinh công cộng vì nhiệm vụ đòi hỏi những WC công cộng phải mở cửa 24/24h mỗi ngày và những người trông gác, phục vụ không được phép có sự đòi hỏi nào khác. Chị Nguyễn Minh Loan, công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị số 4, “chủ” một WC công cộng số 4 nằm trên Cống Mọc, đường Láng (Hà Nội) có 8 tiếng ban đêm, từ 18h chiều hôm trước đến 2h sáng hôm sau, để quét dọn đường; 16 tiếng còn lại, chị hết lòng dành trọn cho WC số 4.

Chị cho biết đã có hơn 20 năm trong gắn bó với xí nghiệp, cộng với hoàn cảnh gia đình quá khó khăn (chồng chị tuần nào cũng phải chạy thận hết hơn một triệu đồng), nên mới được ưu tiên cho canh cửa WC này hơn 4 năm nay...

Cạnh tranh gay gắt!

Chỉ cách nhau chưa đầy một km mà trên đường Láng có tới hai WC công cộng. Mỗi WC có khoảng 8 phòng và nằm ngay trước mặt đường rất “bắt mắt”. Các shop thời trang có lẽ có mơ cũng không được một mặt tiền sáng sủa và rộng rãi hơn thế.

Chính vì mật độ WC dày đặc như thế nên nhà vệ sinh của chị Loan... vắng khách lắm. Theo quy định của Xí nghiệp Môi trường đô thị số 4, chị Loan không được thu tiền của khách hàng. Chỉ khi khách hàng có yêu cầu mua... giấy thì chị Loan được phép bán để kiếm thêm chút đỉnh! Chị than thở: “Khách có mấy đâu, mỗi ngày thi thoảng cũng chỉ được vài người, lại chủ yếu là người đi buôn bán ở chợ, vội vàng nên họ cũng chẳng cần giấy!”.

WC nằm ở phía trên khu của chị Loan thì có lượng người ra vào tấp nập hơn. Chị Loan lý giải: Vì phía trên đó gần ngã tư rộng và vắng hơn ngã tư này, tiện hơn cho việc khách rẽ vào. Đằng này muốn vào khu của chị, khách phải rẽ ngang rẽ dọc, lách qua dòng người như nêm, nên họ... thà nhịn còn hơn!

WC số 14 nằm ở ngay cửa ga Hà Nội ngược lại làm ăn rất khá, mỗi ngày thu tiền trăm là chuyện bình thường. Một chị công nhân môi trường thì thầm: Ở những vị trí đắc tài đắc lộc như vậy, phải có “ô dù” to từ trên mới được ngồi gác cửa. Chị này kiên quyết không cho biết tên thật vì sợ mất việc. Chị bảo, công ty môi trường luôn động viên chị em trên 40 thì về nghỉ hưu, chị cũng có hơn 20 năm làm nghề này rồi nhưng sợ nghỉ hưu lắm. Vì nghỉ thì lấy gì mà ăn!

Triết lý WC

Căn phòng nhỏ bé của chị Loan nằm ngay cạnh khu vệ sinh nam, đối diện cửa vào khu vệ sinh nữ. Mỗi bữa ăn cơm, dù các cửa sổ và cửa ra vào đều nhìn thẳng vào trong nhà vệ sinh, nhưng chị Loan cũng không dám đóng cửa vì phải canh người ra, người vào, đảm bảo trật tự!

Tuần nào người của công ty và xí nghiệp môi trường cũng xuống kiểm tra ít nhất hai lần, xem nhà vệ sinh có sạch không, chị Loan có “làm ăn” thêm gì ở đấy không... Dấm dớ là bị cắt hợp đồng ngay!

Chăm sóc cho WC công cộng này, mỗi tháng chị Loan được nhận 1,8 triệu đồng; trừ tiền điện nước và thuốc tẩy phải tự bỏ ra, chị Loan còn được khoảng 1,5 triệu đồng.

Có làm nghề này mới thấy những gian khổ của nghề này! - chị Loan giãi bày - Là công nhân môi trường từ những ngày còn thiếu nữ, giờ chị đã sắp lên chức bà. Hai vợ chồng trước có một căn nhà nhỏ ở làng Đơ Đồng (một làng cổ của Hà Nội nằm cạnh khu đường Láng), sau cái nhà ấy cũng phải bán để lấy tiền chạy thận cho chồng. Tha thiết trình bầy, chị mới được lãnh đạo xí nghiệp tạo điều kiện có thêm thu nhập từ WC số 4 này.

WC số 4 nằm ngay bên con sông Tô Lịch, ngày cũng như đêm, đông cũng như hè, con sông luôn bốc lên mùi xú uế nặng nề. Chị Loan bảo có lần có người xuống WC của chị để kiểm tra, đã phê bình chị giữ nhà vệ sinh không sạch. Chị phải dắt họ vào trong phòng vệ sinh, đóng cửa lại để chứng minh WC đạt chuẩn, lỗi chỉ là tại con sông “gớm ghiếc” kia!

Chị Loan còn nuôi thêm 3 con chó. Chị bảo là đó là những vệ sĩ của chị trong cuộc chiến với bọn nghiện hút lúc đêm hôm! Ông chồng ốm đau của chị cũng giúp chị giữ trật tự cho khu nhà vệ sinh này.

Để giữ cho khu WC được “trong sạch”, vợ chồng chị đã đổ nhiều tâm huyết và nhiều khi cũng phải chịu tiếng oan. Cách đây khoảng mấy tuần có tốp 3 cô gái nhìn sáng sủa lắm, ăn mặc đúng dáng nhân viên văn phòng, hay đến đây. Một vài lần chị phát hiện ra họ đến để chích ma túy nên lần sau kiên quyết không cho họ vào. Họ liền gọi điện đến xí nghiệp tố cáo chị bóp chẹt của họ 5.000 đồng tiền đi vệ sinh! Xí nghiệp cử người xuống xác minh, may mà có ông xe ôm cạnh đó chứng minh hộ chị...

Vui buồn nhà vệ sinh công cộng - 1

Trên chiếc phản gỗ này, chị Loan luôn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người khác...

Sau những đêm dài cắm cúi trên mặt đường thu dọn rác, trở về WC, ngả lưng trên chiếc phản gỗ nhỏ xíu rộng chưa đầy nửa mét, chị Loan vẫn thấy mình là người may mắn. Chị bảo niềm vui chị thu được từ WC này nhiều lắm, không chỉ là một “tổ ấm” chui ra chui vào nương thân của vợ chồng chị mà cũng nhờ có nhà vệ sinh công cộng này, số người tè bậy đã giảm hẳn, Hà Nội nhờ đó cũng văn minh hơn. Chị thấy công việc của mình đáng quý biết bao - Triết lý của WC có lẽ là như vậy.

Lê Châu