1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Ùn tắc giao thông vì ai cũng cho mình là người khôn ngoan!”

(Dân trí) - 7 giải pháp, 70 giải pháp hay 700 giải pháp... thì tắc đường sẽ vẫn hoàn tắc đường và bài toán giao thông sẽ chỉ tiếp tục rối! Giải pháp tối ưu nhất, như Bác Hồ dạy ngay từ ngày đầu đất nước vừa độc lập: “Giáo dục lại nhân dân”.

Mở đầu cho bài toán giao thông ở các thành phố lớn, Sử gia Dương Trung Quốc đã bày tỏ chính kiến của mình như vậy. Ông cho biết, về 7 giải pháp giảm ùn tắc giao thông mà Sở Giao thông công chính Hà Nội vừa công bố, ông chưa đọc kỹ lắm nên chưa biết cụ thể thế nào. Nhưng, nếu người dân không được học lại về luật giao thông thì mọi giải pháp cũng sẽ đều “bó tay”.

 

Trao đổi riêng với Dân trí về vấn đề được coi là “nóng hổi” trong thời luận hiện nay, Sử gia Dương Trung Quốc lại giữ một thái độ khá buồn và “lạnh”, vì theo cảm nhận của ông, giao thông sẽ là một câu chuyện nói hoài, nói mỏi miệng cũng khó đi đến được hồi kết!

 

Người người sẵn sàng lách luật!

 

Ông có thể chia sẻ nỗi ưu tư nhất của ông hiện nay về giao thông Việt Nam?

 

Người người sẵn sàng lách luật! Cái bài hát của một nhạc sĩ danh tiếng có câu “đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây” có thể là nói về chuyện khác, nhưng cứ được người ta vận vào cái tính ưa tự do một cách hồn nhiên của dân ta không quen với sự nền nếp của luật pháp, trong đó điển hình là giao thông!

 

Chẳng hạn như việc phân luồng xe máy và ô tô ở đường Trần Khát Chân mà Sở Giao thông công chính Hà Nội vừa thực hiện; lúc nào có công an đứng canh thì người ta đi phân luồng, không đứng canh thì thôi! Đã thế, công an giao thông “canh”cũng chỉ theo thời vụ, phong trào! Rồi đâu lại hoàn đấy!

 

Và phải chăng điều đó đã trở thành truyền thống của giao thông Việt Nam?

 

Đúng vậy! Xe cộ thì mới có cách đây hơn một thế kỷ, đô thị cũng vậy. Phải chăng vì thế mà cái nếp đi đứng cho đúng luật lệ chưa có trong não trạng người mình?

 

Ông có thể phác họa vài nét về tuổi đời “anh chàng” giao thông của chúng ta?

 

Thời trước khi Tây sang (giữa thế kỷ XIX), người nước ta chưa biết đến cái xe có hai bánh xếp ngang. Xe có bánh duy chỉ có cái xe cút kít bánh gỗ. Loại phương tiện này trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ còn trưng bày như một trong những phương tiện tham gia vận lương cho chiến dịch cách đây hơn nửa thế kỷ.

 

Đường cái quan, hay đường thiên lý, huyết mạch giao thông của quốc gia cũng chỉ là những con đường mòn bị đứt đoạn bởi nhiều dòng sông và được kết hợp với các bến đò ngang. Trên bộ phương tiện chủ yếu là võng hay kiệu..., phương thức phổ biến là gánh, vác, đội... hoặc sang nhất là cưỡi một vài thứ súc vật như ngựa hay lừa và đôi khi là voi... Còn mọi nhu cầu vận chuyển đều theo đường sông nước cả.

 

Thế mới có chuyện truyền khẩu rằng khi cụ Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết, lần đầu thấy cái xe “bánh lại xếp dọc, dựng đứng thì đổ, ngồi lên đạp thì nhanh như ta chạy vậy” cùng với cái đèn “dốc ngược mà dầu không đổ” đã thấy làm lạ đến mức phải bật thành thơ rằng “Từ ngày đi sứ đến Tây kinh - Thấy chuyện châu Âu phải giật mình!”.

 

Sử cũng chép rằng mãi đến thời Tây đã vào thành Thăng Long rồi mới có mấy cái xe tay dùng người kéo nhập từ Hồng Kông hay từ Nhật Bản sang và đường sá Hà Nội mới dần mở mang có rải đá, rải nhựa rồi có vỉa hè, cống rãnh, rồi có đèn đường...

 

Đọc các bộ luật cổ, liên quan giao thông trên bộ thì chỉ thấy điều chỉnh khoản cưỡi ngựa. Phải đến khi Tây sang, quy hoạch lại thuộc địa mới bắt đầu hình thành những đô thị theo kiểu hiện đại, phát triển đường bộ với các phương tiện di chuyển như xe kéo, rồi xe ngựa, xe hơi, tiếp đó đến tàu điện, xe hỏa rồi xe đạp, xích lô và các loại xe máy. Đến khi đó mới thấy có chuyện xe đụng xe hay xe đụng người... Đến khi đó đô thị mới có vỉa hè và giao thông nội đô, đường sá mới chia ô, có đường rồi có luật lệ.

 

Nói như vậy để thấy, cái truyền thống giao thông trên bộ của ta còn ngắn lắm so với thiên hạ!

 

Chỉ tại Xã Xệ và Lý Toét!

 

Nhưng tuổi đời trẻ có lẽ cũng không phải là cái lỗi để “anh” giao thông càng ngày càng rơi vào bế tắc?

 

 

“Ùn tắc giao thông vì ai cũng cho mình là người khôn ngoan!” - 1
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc:
"Muốn luật thật nghiêm thì 
phải
dạy lại dân ta".

 

Khổ nỗi, hồi mới hình thành nếp sống đô thị lại nảy sinh hình tượng 2 nhân vật Lý Toét và Xã Xệ của mấy tờ báo trào lộng chuyên phê phán “anh nhà quê ra tỉnh”. Ngữ người này trước tiên là hay mắc cái tội “đái bậy” vì ở quê nhà giải quyết việc ấy ở đâu chẳng được, bây giờ thành những anh chuyên môn đi bừa bãi, cố sống cố chết đi như không thế thì sẽ hết đường!

 

Sau nữa là lúng túng với đường đi lối lại ở chốn thị thành. Hơn nữa, ách tắc giao thông vì ai cũng tự cho mình đều là “người khôn ngoan” cả!

 

Dù thế nào thì bài toán giao thông Việt Nam cũng phải có một lối thoát và các nhà quy hoạch có thể học được kinh nghiệm gì từ người xưa?

 

Từ nửa thiên niên kỷ trước, trong Luật Hồng Đức đã có những điều luật về việc đi lại phải đúng luật lệ. Vua Minh Mệnh còn bắt phải chép vào bộ chính sử việc một hoàng tử con trai mình vì liên quan đến một vụ vi phạm luật giao thông mà bị xử lý rất nghiêm khắc. Vua bảo ghi vào sử để răn mọi người sau này.

 

Hay việc Tòa đốc lý Hà Nội thời thực dân cứ mỗi năm lại thông báo số diện tích, độ dài và chất lượng mặt đường để qui định số lượng và chủng loại phương tiện lưu thông... nhờ đó không bị quá tải. Như thế là ở thời nào cũng vậy, muốn giao thông an toàn thì luật phải nghiêm và phát triển phải có qui hoạch.

 

Muốn luật thật nghiêm thì phải dạy lại dân ta!

 

Xin cảm ơn ông.

 

7 nhóm giải pháp được Sở GTCC Hà Nội đưa ra từ năm 2007 để các ban ngành tham khảo, góp ý, chỉnh sửa nhằm giảm ùn tắc giao thông cho thành phố:

 

1. Hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông Hà Nội đến năm 2020, trong đó tập trung vào các dự án ưu tiên gồm phát triển hệ thống giao thông công cộng; phát triển mạng lưới giao thông đường bộ; quản lý và kiểm soát giao thông. Điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng, trong đó đưa các điểm đỗ xe tập trung, bến xe liên tỉnh ra ngoài đường vành đai 3. Bổ sung các điểm đỗ xe ngầm, cao tầng trong khu vực nội thành. Các công trình công cộng, khu văn phòng, trung tâm thương mại khi xây dựng phải có chỗ đỗ xe...

 

2. Tổ chức tuyên truyền giao thông sâu rộng đến từng gia đình, cụm dân cư, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các lớp dạy luật giao thông cho những người vi phạm luật giao thông. Tổ chức các lớp đào tạo, bổ túc cho đội ngũ lái xe, vận hành xe buýt, xe chuyên dùng.

 

3. Tổ chức thực hiện việc phân làn, phân luồng để tách dòng phương tiện tại một số tuyến đường chính của Thủ đô. Nghiên cứu tổ chức cấm xe máy trên một số tuyến đường như Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Bắc Thăng Long; nghiên cứu một số tuyến phố không cho xe máy hoạt động vào giờ cao điểm.

 

4. Thay đổi giờ làm việc để lệch giờ làm việc giữa cơ quan trung ương và Hà Nội.

 

5. Giải pháp xe buýt nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân. Cụ thể là tăng tuyến và giảm khoảng cách giữa các điểm chờ.

 

6. Từ nay đến năm 2010, tập trung xây dựng hạ tầng để giải quyết các điểm, tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

 

7. Quy định hạn chế đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố phân chia theo khu vực vành đai 1, 2, 3. Phí đỗ xe cho khi vực 1 cao gấp 3 lần khu vực 3, có thể áp dụng vào năm 2008. Xây dựng đề án thu phí vào khu vực hạn chế đi lại, với mục tiêu giảm nghẽn giao thông và tăng cường sử dụng phương tiện công cộng. Ngoài ra, sẽ tăng phí đăng ký mới ôtô, xe máy và phí hoạt động của các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn. Mức thu phí đăng ký mới sẽ công khai hằng năm để người dân tự điều chỉnh. Xe ngoại tỉnh vào thành phố sẽ được thu phí tại vành đai 2, miễn phí cho các xe công về công tác trên địa bàn. Nâng mức phí trông giữ xe tại các khu vực dành cho người đi bộ, nơi thiếu diện tích làm bãi đỗ xe...

 

Mai Minh (thực hiện)