1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xây dựng văn hoá giao thông người Hà Nội

(Dân trí) - Ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, đất dành cho giao thông chiếm 15-25%; trong khi tại Hà Nội, con số này chỉ khoảng 6%; kết cấu hạ tầng kỹ thuật của thủ đô rất yếu kém; ý thức người tham gia giao thông chưa cao...

Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn và ách tắc giao thông đang ngày càng trở nên trầm trọng tại Hà Nội hiện nay. Cuộc hội thảo về Thực trạng - giải pháp tuyên truyền giáo dục xây dựng văn hoá giao thông người Hà Nội được tổ chức mới đây cũng xuất phát từ những bức xúc trên.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành liên quan, đại diện các dự án phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông (ATGT).

Ông Takagi Michimasa - Cố vấn trưởng dự án phát triển nguồn nhân lực ATGT tại Hà Nội - khẳng định: Các giải pháp tuyên truyền và giáo dục mang tính tâm lý về ATGT và những giải pháp cho các hành vi cần điều chỉnh, như ATGT và các hành vi ích kỷ, thực trạng hành vi giao thông tại Việt Nam, cơ chế của các hành vi tuân thủ và vi phạm; loại bỏ các hành vi ích kỷ; quy trình tâm lý các hành vi an toàn,…

Văn hoá an toàn là giữ gìn, chăm sóc, là sản phẩm văn hoá và tinh thần của con người. Văn hoá an toàn là các hoạt động liên tục và chuẩn mực với mục tiêu an toàn là trên hết.

Yếu tố quan trọng nhất để đạt được an toàn là con người, bởi mọi tai nạn đều có thể phòng ngừa và con người có thể khắc phục ngay những yếu tố kém gây mất an toàn. Việt Nam cần xây dựng văn hoá an toàn mà quan trọng nhất là giáo dục gia đình, nâng cao ý thức của người dân, hãy nghĩ tới mọi người.

Tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - đánh giá: Tình hình ùn tắc giao thông và TNGT tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Bởi vậy, chúng ta phải xây dựng đề án giảm ùn tắc, giảm tai nạn, tổ chức giáo dục xây dựng “văn hoá giao thông người Hà Nội” và triển khai ngay trong tháng 4/2008.

Tiến Minh