Vui buồn lễ hội đầu Xuân
(Dân trí) - Trong quan niệm của nhiều người, tháng giêng là “tháng ăn chơi”. Vì vậy, họ thường chọn lễ hội để thực hiện chuyến du xuân. Người đi chơi vãn cảnh thì ít, kẻ đi chùa chiền, đền phủ thì nhiều. Cũng có không ít người mê tín đã nướng hết cả tháng đầu xuân vào những trò cầu cúng, mê tín dị đoan.
Có cung ắt có cầu, kéo theo lễ hội là một đội ngũ đông đảo cô đồng, thủ nhang, khấn thuê, cò mồi... đã khiến lễ hội đầu xuân năm nay có nhiều cảnh bi hài.
Nở rộ dịch vụ cò mồi sắm lễ, khấn thuê
Chưa năm nào dịch vụ sắm lế, khấn thuê tại các đền phủ linh thiêng lại hoạt động mạnh mẽ như năm nay. Du khách đi lễ đền Đức Thánh Cả (xã Hồng Quang - Ứng Hòa - Hà Tây) hay Đền Bà Chúa Kho (thị xã Bắc Ninh) luôn bị các đối tượng này săn đón quyết liệt.
Ngày 04/02 (mùng 7 tết), tôi hòa cùng đoàn người đang nườm nượp đổ về đền Đức Thánh Cả. Ngày nghỉ đầu xuân, lại sát với lễ hội chùa Hương và chợ Viềng (Nam Định) nên lượng khách đến nơi này đông chưa từng thấy.
Còn cách đền Đức Thánh Cả hơn mười cây số song ngay trên mặt đê tả sông Đáy đã có hàng chục đối tượng hành nghề xe ôm kiêm cò mồi chèo kéo du khách. Chúng tôi dừng lại hỏi đường lên đền Đức Thánh Cả, một thanh niên chạy xe ôm ra giá 50 nghìn đồng sẽ dẫn vào tận chân đền Trình, nếu không miễn hỏi! Một anh xe ôm khác lân la gạ gẫm: “Các anh chị vào nhà em sắm lễ thì em sẽ cho người dẫn đường và vào lễ hộ, khỏi phải chen chúc!”
Len lỏi hỏi đường một lúc chúng tôi cũng đến được đền Đức Thánh Cả. Anh Hòa, một công chức ngành tài chính, “trưởng đoàn cúng bái” giao ước với tôi: Cấm chụp ảnh trong đền bởi sẽ làm mất cái sự linh thiêng của chuyến đi cầu lộc mà anh đã dày công chuẩn bị từ trong năm!
Vào tới nơi cúng lễ, mọi người sửa soạn đặt mâm lễ, dâng sớ. Một vị thủ nhang nhanh nhẹn mang ra tờ giấy yêu cầu mọi người ghi tên người đứng tế và gợi ý “đặt lễ” để cúng! Liếc sang Hòa thấy anh ta thành thạo kẹp vào tờ 50 nghìn đồng.
Trong đền Trình Đức Thánh Cả tôi để ý thấy còn có riêng một hòm “tiền hương hoa” do những vị này quản lý (khác với hòm công đức của Đền). Hòa lại bỏ vào hòm này 300 nghìn và giải thích: tiền công đức là cúng cho nhà Đền, nên 50 nghìn là đủ! Tiền “hương hoa” là mình đặt vào hòm riêng để mấy vị kia hàng ngày khấn với Đức Thánh hộ mình, còn tiền lễ nó là lệ phải có!
Khấn chung và... khấn riêng
Tôi tình cờ ghi được câu chuyện của 6 “bà hóa sớ” nơi góc sân ở đền chính Đức Thánh Cả. Mỗi khi có khách ra hóa sớ, các bà lại đứng dậy đọc câu “A Di Đà Phật” rồi chìa “hòm hóa sớ” cho khách! Ai ra đây hoá sớ, hoá vàng đều phải “ đặt” từ 2.000đ – 5.000đ.
| |
Những người hóa sớ này |
Ngày 07/02, chúng tôi khăn gói đi đền Bà Chúa Kho. Ngay lối vào đền có vài tấm biển to “Nghiêm cấm rút thẻ, bói toán, bùa chú” và loa phóng thanh trong đền cũng liên tục nhắc nhở du khách đó là trò mê tín dị đoan. Tuy nhiên, bên cạnh đống rác thải của khách sắm lễ chưa được thu dọn trong sân đền vẫn có người lén lút mang sách bói toán ra chèo kéo khách.
Vào trong chính điện lại thấy khoảng 10 “cô đồng” tay lăm lăm cầm một cái chén nông choèn và vài đồng tiền xu gạ đặt lễ để họ khấn riêng với Bà. Thấy chúng tôi ngạc nhiên với kiểu “khấn riêng” này, một “cô” giải thích: “Lễ chung nhưng lộc riêng, đoàn đi đông người và làm lễ chung thì bà không thể nhận mặt hết mà ban lộc cho, vì vậy phải khấn riêng với bà để bà biết mặt”!
Chuyện cò mồi, cúng bái, hành nghề mê tín dị đoan ở các lễ hội không phải là mới và rất khó dẹp bỏ. Những tệ nạn này trong mùa lễ hội năm nay đang có xu hướng nẩy nở bởi có sự “góp công” của một số công chức nhà nước ham mê cúng bái, cầu tài cầu lộc chức tước...
Chuyện đi lễ đầu năm ngoài ý nghĩa tâm linh đích thực đang có những biến tướng đáng buồn.
Đan Tâm