1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vừa xuống Hà Nội mưu sinh thì giãn cách, mong sớm hết dịch đi làm nuôi con!

Trần Thanh

(Dân trí) - Trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 30 m2 ở phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), khoảng 20 công nhân từ nhiều tỉnh phía Bắc đang cùng nhau xoay xở vượt qua những ngày giãn cách ở Hà Nội.

Tâm sự của những công nhân "kẹt" ở Hà Nội trong thời gian giãn cách

Trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 30 m2, ở phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), khoảng 20 công nhân từ nhiều tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái... đang bị "mắc kẹt" lại giữa thủ đô vì đại dịch Covid-19. Họ không về được bởi nhiều lý do: chính quyền thực hiện giãn cách xã hội, số tiền họ đi làm không đủ để mang về trang trải cuộc sống...

Đêm 19/7, vợ chồng chị Quang Thị Thanh (26 tuổi) và anh Đù Văn Hải (29 tuổi, quê Sìn Hồ Lai, Lai Châu) cùng nhau bắt xe khách xuống Hà Nội để xin làm công nhân xây dựng. Cuộc sống khó khăn ở nhà, cùng với việc nuôi 2 con nhỏ đang độ tuổi ăn học, nên gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đè nặng lên đôi vai đôi vợ chồng trẻ.

Vừa xuống Hà Nội mưu sinh thì giãn cách, mong sớm hết dịch đi làm nuôi con! - 1

Với cuộc sống khó khăn do không có việc làm, 20 công nhân xây dựng hằng ngày chỉ biết ngồi chờ những bữa ăn từ chủ thầu cung cấp.

Xuống Hà Nội làm việc chưa đầy 3 ngày thì đến 24/7, phía chủ thầu xây dựng thông báo toàn bộ công nhân sẽ phải dừng làm việc vì Hà Nội thực hiện việc giãn cách xã hội. Không có việc làm, không có tiền để trang trải sinh hoạt, vợ chồng chị Thanh cùng khoảng 18 công nhân khác, đang bị "kẹt" lại trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 30 m2 ở phường Dương Nội (quận Hà Đông).

Đôi mắt đượm buồn, thỉnh thoảng chị Thanh lại đem hình ảnh 2 đứa con nhỏ đang được gửi cho ông bà ở nhà chăm sóc ra xem. Chị nói, mong muốn lớn nhất hiện giờ của cả 2 vợ chồng là hết dịch, hết giãn cách xã hội, cả 2 đều được đi làm, được kiếm tiền để gửi về đóng tiền học cho các con. Nếu dịch dã vẫn còn diễn biến phức tạp, chị và chồng chỉ muốn được về quê để làm việc và chăm con.

Chung suy nghĩ và mong muốn với gia đình chị Thanh, chị Tòng Thị Tập (23 tuổi, ở Lai Châu) cho biết, chị và chồng cũng đang mong dịch sớm được kiểm soát, hết giãn cách xã hội để được tiếp tục đi làm, kiếm tiền gửi về cho ông bà ở nhà nuôi các con.

Vừa xuống Hà Nội mưu sinh thì giãn cách, mong sớm hết dịch đi làm nuôi con! - 2

Vợ chồng Anh Đù và Chị Thanh mong muốn sớm được trở về quê để chăm sóc các con, vì hiện ở lại Hà Nội họ cũng không được làm việc, không kiếm được tiền trang trải cuộc sống.

Gia đình chị Tập có 2 người con, đứa lớn đang học lớp 3, đứa út chuẩn bị vào lớp một. Tối nào trước khi đi ngủ chị cũng phải gọi về cho ông bà hỏi tình hình ở nhà và để phần nào vơi đi nỗi nhớ các con.

Cô Lục Thị Hồng, 64 tuổi (quê Yên Bái) cho biết, hàng ngày cô đảm nhiệm việc nấu ăn cho 20 công nhân đang "kẹt" tại đây. Bình thường khi chưa có dịch, công nhân sẽ ăn 3 bữa/ngày, cô phải dậy từ 4h sáng để đi chợ, nấu nướng... đảm bảo khẩu phần ăn cho mỗi người. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, bữa ăn của các công nhân phải giảm xuống 2 bữa/ngày vì chi phí thức ăn đắt đỏ cộng với số tiền hỗ trợ của mỗi công nhân chỉ khoảng 50.000 đồng/ngày.

Vừa xuống Hà Nội mưu sinh thì giãn cách, mong sớm hết dịch đi làm nuôi con! - 3

Cô Lục Thị Hồng đảm nhận việc nấu ăn cho 20 công nhân lao động tại nhà trọ.

Mới xuống Hà Nội làm việc được 4 hôm thì nhận được thông báo phải tạm ngưng công việc, anh Hà Văn Tuấn (21 tuổi, quê Yên Bái) cho hay, hiện giờ bản thân mong muốn được trở về quê vì ở lại cũng không có việc làm. Anh Tuấn cũng lo lắng vì trong đợt dịch này, Hà Nội đang là khu vực "nóng" với số ca nhiễm tăng từng ngày. Sống tại khu nhà trọ đông người cũng không đảm bảo an toàn giãn cách.

Vừa xuống Hà Nội mưu sinh thì giãn cách, mong sớm hết dịch đi làm nuôi con! - 4

Kể từ sau khi Hà Nội áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, công trường xây dựng buộc phải tạm dừng thi công, giao thông qua các cửa ngõ được kiểm soát chặt chẽ, về quê thì không được, ở lại thì không có việc làm, nhóm 20 công nhân vô tình "mắc kẹt" trong phòng trọ rộng chưa tới 30 m2.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Huy Quang - Chủ tịch phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hiện trên toàn địa bàn phường có 817 công nhân và lao động khó khăn. Trong đó có 47 nhóm công nhân xây dựng (với 720 người) và 86 hộ gia đình khó khăn (với 97 người).

"Trong thời gian vừa qua, chính quyền đã tiến hành rà soát lại những trường hợp công nhân bị kẹt lại trên địa bàn sau giãn cách xã hội. Trong ngày 5/8, được sự ủng hộ của các cá nhân, đoàn thể, địa phương đã trao trên 3 tấn gạo, 200 thùng mì tôm và 300 hộp khẩu trang cho những người công nhân, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn phường Dương Nội", ông Quang nói.