1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

“Vua săn cá khủng” ở hồ Yên Mỹ

(Dân trí) - Chuyện “săn” cá ở hồ Yên Mỹ là chuyện thường. nhưng “săn” được cá lớn như ông Phạm Quốc Thái (SN 1968, thôn Mỹ Trung, xã Yên Mỹ, Nông Cống) lại rất hiếm. Người ta gọi ông là “khắc tinh loài cá” hay “vua săn cá khủng”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ nhỏ, ông Thái đã phải bỏ học bám sông nước để mưu sinh cùng gia đình. Ngày hai buổi, ông lặn mò dưới hồ Yên Mỹ (nằm trên địa bàn xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) kiếm con cua, con ốc cho bữa ăn. Cũng chính từ công việc ấy, ông cùng gia đình đã vượt qua những trận đói khát. Cho đến giờ, công việc săn bắt cá lại giúp ông cưu mang cả gia đình, nuôi con cái lớn khôn, học hành.

Chỉ với loại ngư cụ này, ông Thái có thể bắt được những con cá tầm 40-50 kg
Chỉ với loại ngư cụ này, ông Thái có thể bắt được những con cá tầm 40-50 kg

Chiều muộn, khi ánh mặt trời bắt đầu khuất núi cũng là lúc ông Thái cùng vợ bắt tay vào công việc “săn cá” cho đến thâu đêm. Nhắc đến ông Thái, ai cũng nghĩ ngay đến một người chuyên bắt được những loài cá nước ngọt có trọng lượng lớn nhất ở hồ đập Yên Mỹ. Bởi thế, người ta thường nghĩ ông là “khắc tinh” của loài cá. Các loại cá ông Thái đánh bắt được bằng lưới chỉ đơn giản là cá chép, cá mè, cá trắm… nhưng có nhiều con nặng đến hàng chục kg.

Ông Thái được biết đến là tay có duyên với những con cá trọng lượng lớn từ 20 - 40kg. Ở làng này, nhiều người đánh cá giống như ông Thái nhưng không có ai gắn với nghề này lâu như ông và cũng chưa bao giờ có ai may mắn vớ được cá to như ông.

Ông bảo những lần giăng được những con cá nặng đến 40 - 50kg, kinh nghiệm là không vội kéo mà để con cá vùng vẫy một hồi trong lưới cho mệt lử, sau đó thì dùng sức khống chế nó. Những lần gặp cá to như thế, ông thường phải vật lộn có khi gần cả giờ đồng hồ mới bắt được cá đưa lên thuyền. Cá lên cũng là lúc người kiệt sức.

Mỗi lần bắt được cá to, ông và vợ lại xẻ thịt cá mang đi bán. Mỗi kg cá lớn như vậy có giá từ 100.000 - 150.000 đồng. Ông bảo ngày xưa cá to nhiều, giờ thì hiếm hơn nên mỗi tháng ông chỉ bắt được khoảng 4-5 con cá loại “khủng”.

Chỉ với loại ngư cụ này, ông Thái có thể bắt được những con cá tầm 40-50 kg
Cứ khi mặt trời lặn xuống núi là công việc mưu sinh vật lộn sông nước của đôi vợ chồng vua săn cá này bắt đầu

Gắn bó với nghề “săn” cá, kinh nghiệm của ông cho biết, cá thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông, dụng cụ đánh cá phải tốt, phù hợp với từng loài cá, môi trường nước khác nhau. Càng lạnh thì cá rời hang ra kiếm ăn càng nhiều. Không chỉ đánh cá bằng lưới, ông Thái còn có biệt tài huýt sáo dụ cá ngoi lên. Bởi thế, vào mùa này, trời lạnh căm căm, người dân đến giờ nghỉ ngơi sau một ngày lao động thì vợ chồng ông Thái lại bắt đầu vật lộn với cuộc mưu sinh sông nước.

Ông Thái tự hào: “Chính nhờ cái nghề ấy mà tôi có thể nuôi vợ, nuôi con cái học hành. Ngày xưa, ở cái hồ đập này lượng cá tôm nhiều nhưng nay càng ngày cá càng hiếm rồi. Cũng cứ cố bám nghề cho con cái lấy tiền đi học. Cô con gái đầu của tôi đang học năm nhất trường ĐH Nông nghiệp, con trai thứ hai đang học cấp II. Dù thế nào cũng phải để chúng nó học hành đến nơi đến chốn để chúng nó không khổ như mình. Đời mình có cái nghề bắt cá, mò cua chứ đời nó phải cho học cái chữ thì mới sống được”.

Nói về biệt danh “vua săn cá khủng”, ông khiêm tốn: “Xưa nay, tôi theo đuổi cái nghề này, cũng lúc được lúc thua, lúc có cá to, lúc được cá nhỏ chứ chẳng phải lúc nào cũng bắt được cá to như người ta nói đâu”.

Cụ Sương, một người cao tuổi nơi hồ Yên Mỹ cho biết: “Ở vùng này, nếu như xưa kia ở trên núi có câu chuyện được lưu truyền đến đời nay rằng có một cụ ông chuyên thuần phục được những chúa sơn lâm hung dữ, uy hiếp dân nghèo thì ngày nay, ở hồ này, chúng tôi gọi Thái  như một ông vua, khắc tinh của những loài cá nước ngọt. Nhiều người bắt cá nhưng cũng chỉ có lão ta bắt được cá “khủng”. Âu cũng là cái duyên với nghề”.

Nguyễn Thùy