Vụ xe tải làm sập cầu: Một phút bất cẩn, hàng tỷ đồng "đi tong"
(Dân trí) - Cây cầu tạm chỉ "gánh" được tải trọng từ 30 tấn trở xuống nhưng tài xế vẫn cố cho chiếc xe tải rơ-moóc ước tính hơn 60 tấn chạy qua. Cầu sập, chưa tính đến biết bao nhân lực, thời gian, thiệt hại về kinh tế ước tính cũng hàng tỷ đồng.
Vào thời điểm cây cầu sắt tạm bị gãy, giao thông bị kẹt cục bộ. Ngành chức năng đã phải huy động hàng chục người gồm nhiều thành phần đến để bảo vệ hiện trường vụ tai nạn cũng như điều tiết giao thông.
Cầu tạm bị gãy đồng nghĩa với việc một hướng lưu thông (từ Vĩnh Long về Trà Vinh) bị tắc nghẽn và việc đi lại của người dân trở nên khó khăn hơn. Trong mấy ngày tác nghiệp tại hiện trường, PV Dân trí ghi nhận, hai bên đầu cầu từ sáng đến tối lúc nào cũng có hàng trăm phương tiện chờ đợi để được đi qua cầu tạm còn lại. Qua trò chuyện với một số người dân, họ cho biết, chờ qua cầu tạm như chờ qua phà mất rất nhiều thời gian (từ 10 -15 phút), thậm chí còn khổ hơn vì phải chờ giữa trời nắng nóng gay gắt và bụi đất.
Trong khi đó, lực lượng CSGT, Sở GTVT và nhiều lực lượng công an khác phải thay phiên nhau túc trực 24/24h để hướng dẫn người dân đi qua cầu tạm. Bên cạnh đó, đời sống của người dân xung quanh cũng bị ảnh hưởng không ít như nguồn điện bị cắt liên tục trong quá trình trục vớt phương tiện gây tai nạn.
Để trục vớt xe tải và rô bốt ép cọc nặng mấy chục tấn dưới sông, các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã phải bỏ thời gian ngồi lại với nhau để bàn bạc các phương án “giải cứu”. Và cho đến chiều ngày 5/12 (tức khoảng 3 ngày sau vụ tai nạn) mới bắt đầu tiến hành trục vớt. Trong đó, tỉnh phải thuê xà lan trục vớt ở tận Cần Thơ sang vì trên địa bàn tỉnh không có phương tiện nào có thể cẩu được chiếc xe rơ móc và rô bốt ép cọc với trọng lượng “khủng” này.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hàng chục người đã được huy động để cùng tham gia vào công tác trục vớt. Dù vậy, để “giải cứu” xe và rô bốt ép cọc, các lực lượng này đã phải mất đến 2 ngày đêm (có thời điểm làm việc đến hơn 1h sáng) vật vã mới đưa được xe và rô bốt ép cọc lên bờ. Trong quá trình trục vớt, khi trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Toàn Thắng - Chỉ huy trưởng công trình cầu Vồng - thừa nhận, rô bốt ép cọc nặng hơn sức tưởng tượng của mọi người nên công tác trục vớt gặp không ít khó khăn, thậm chí có lúc phải chịu “bó tay” với sức nặng “khủng” của bộ phận này.
Sau khi trục vớt hết toàn bộ hiện trường vụ tai nạn, ngành chức năng Vĩnh Long phải huy động thêm lực lượng và vật tư để làm lại cầu tạm. Và chi phí để làm lại cầu sắt tạm cũng được ước tính lên tới hàng tỷ đồng. Thời kiến ngày 15/12 tới mới hoàn thành cầu tạm. Trong thời gian này, người dân tiếp tục chịu cảnh chờ đợi khi lưu thông qua cầu tạm còn lại.
Theo ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, sau khi khắc phục lại cầu tạm và làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, cơ quan công an sẽ làm rõ hành vi của tài xế khi điều khiển xe quá tải gây sập cầu để xử lý theo đúng pháp luật.
Dư luận địa phương còn cho rằng, để một chiếc xe nặng cả trăm tấn như vậy lưu thông “trót lọt” từ TPHCM đến Vĩnh Long mà không bị kiểm tra, cần nhắc đến trách nhiệm của lực lượng CSGT các địa phương.
Huỳnh Hải