1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa: Dân đề nghị trả lại đất trồng lúa

(Dân trí) - Suốt thời gian qua, người dân sinh sống ven rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đề nghị cơ quan chức năng trả lại đất đã cấp cho doanh nghiệp để dân trồng lúa, phục vụ cuộc sống. Trong khi đó, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên phải làm việc với người tố cáo rừng đặc dụng bị xâm hại để khai thác vàng.

Liên quan đến việc lần thứ 3 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm, bảo đảm việc giải quyết đơn tố cáo của ông Nguyễn Trường Thành (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên) về việc xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa để khai thác vàng sa khoáng, gần đây người dân địa phương gửi nhiều đơn thư đề nghị giữ lại đất trồng lúa để phục vụ cuộc sống.

Vụ xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa: Dân đề nghị trả lại đất trồng lúa - 1

Người dân đề nghị giữ lại cánh đồng lúa để ổn định cuộc sống.

Theo phản ánh, Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long khai thác khoáng sản suốt thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Việc tỉnh Thái Nguyên cấp cho doanh nghiệp hàng chục hecta đất nông nghiệp xã Thần Sa (huyện Võ Nhai) để khai thác mỏ đang vấp phải phản ứng của người dân. Khi người dân yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động khai thác, ngăn chặn hoạt động của máy móc thì đã xảy ra va chạm.

Mới đây, sau khi làm việc với những hộ gia đình có đơn thư phản ánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, trong đó nhấn mạnh nghiêm cấm việc xâm hại đến đất rừng đặc dụng. Đồng thời tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ giao đất rừng, thống nhất với UBND các xã bóc tách diện tích đất rừng đặc dụng, đất ở, đất sản xuất nông nghiệp dân đang canh tác nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng.

Sở này cũng yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu và bản đồ có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Võ Nhai để có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đặc dụng.

Ngoài ra, theo nội dung phản ánh của ông Nguyễn Trường Thành, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng đã buông lỏng quản lý để doanh nghiệp khai thác ngoài chỉ giới, xây dựng đình, đền, chùa và khu văn phòng điều hành xâm lấn rừng đặc dụng.

Vụ xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa: Dân đề nghị trả lại đất trồng lúa - 2

Khi vụ việc đang được cơ quan chức năng giải quyết thì doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đường vào khu vực khai thác vàng sa khoáng (Ảnh người dân cung cấp).

Trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản vàng sa khoáng khu vực Bản Ná (xã Thần Sa), tỉnh Thái Nguyên không căn cứ, đối chiếu với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đặc dụng tại xã Thần Sa; bản đồ hiện trạng và quy hoạch 3 loại đất rừng xã Thần Sa năm 2006 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1563/2007.

Hơn nữa, ông Thành phản ánh, tháng 11/2018 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản về việc quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên đã “bác” việc đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng 1.852 ha theo đề xuất của tỉnh này.

Vì thế, việc địa phương điều chỉnh quy hoạch với diện tích gần 10 ha đất rừng đặc dụng thuộc khu vực cấm hoạt động để doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng rất cần được thanh tra, làm rõ.

Từ đơn thư tố cáo của ông Nguyễn Trường Thành và phản ánh của nhiều cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên làm rõ.

Tuy nhiên số liệu chính xác về diện tích rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại lại có sự sai khác khá lớn giữa các lần kiểm tra, báo cáo. Chính vì thế đến nay dư luận vẫn chưa rõ, rừng đặc dụng Thần Sa đã bị xâm hại bao nhiêu hecta và trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp liên quan như thế nào ?

Phản hồi với PV Dân trí, lãnh đạo Ban Tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với cơ quan chức năng để tiếp tục làm việc với những người tố cáo để có thêm thông tin, chứng cứ và đi tới kết luận cuối cùng.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm