Xâm hại trên 11ha rừng đặc dụng Thần Sa để tìm vàng

(Dân trí) - Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đoàn công tác liên ngành tỉnh Thái Nguyên vừa đưa ra kết luận bước đầu về việc rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại để tìm vàng tại nhiều điểm với diện tích hơn 11 ha. Tuy nhiên, sai phạm này đang được đề xuất để hợp thức hoá (?!)

Khu văn phòng, đình, chùa được xây dựng trên 1,7ha đất rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng đang gây bức xúc dư luận (Ảnh: V.H).
Khu văn phòng, đình, chùa được xây dựng trên 1,7ha đất rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng đang gây bức xúc dư luận (Ảnh: V.H).

Như Dân trí đã thông tin, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã giao Một Phó Tổng cục trưởng làm trưởng đoàn lên tỉnh Thái Nguyên nhằm làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong việc xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa để khai thác vàng ở mỏ vàng Khắc Kiệm, mỏ vàng Bản Ná (huyện Võ Nhai).

Liên quan đến việc này, đoàn liên ngành tỉnh Thái Nguyên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì vừa đưa ra những kết luận bước đầu. Theo đó, khu vực rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại có một con đường bê tông chạy giữa rừng dài 1.870m, rộng 4m với tổng diện tích khoảng 3,85ha - trong đó có 3,24 ha là rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất và sử dụng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Ghi nhận thực tế cho thấy, đường nông thôn mới theo đề án của huyện Võ Nhai có chiều dài hơn 8km, từ cửa rừng chạy vào xóm Xuyên Sơn, nơi có khoảng 96 hộ dân với 932 nhân khẩu nằm sâu trong vùng lõi rừng đặc dụng Thần Sa. Tuy nhiên con đường chỉ mới hoàn thiện được hơn 1,8km từ cửa rừng vào điểm khai thác vàng của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long. Đoạn đường hơn 6km còn lại đến xóm Xuyên Sơn vẫn đang là đường đất đá lổn nhổn khó đi. Trong phần đường chưa được bê tông hóa đã có hiện tượng bị nhiều máy móc đào bới móc hẳn cả nền đường và khoét sâu vào vách núi để tìm kiếm vàng.

Tuy nhiên, ông Dương Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai lại cho rằng con đường nêu trên nằm trong Quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới xã Thần Sa đã được UBND huyện này phê duyệt từ cuối năm 2016 và thực hiện theo phương châm xã hội hóa. Theo quy định pháp luật về bảo vệ rừng, việc làm con đường nêu trên phải theo trình tự: UBND huyện Võ Nhai có tờ trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thái Nguyên, sau đó trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi nào được đồng ý thì mới cho phép chuyển đổi.

Tuy nhiên đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục. “Chúng tôi có sơ suất là chưa được cấp có thẩm quyền cho phép mà đã làm. Tuy nhiên việc làm đường là rất cấp bách, thiết yếu phục vụ cho người dân chứ không có tư lợi hay lợi ích gì cho doanh nghiệp”- ông Tiến giải thích.

Để khai thác vàng, doanh nghiệp đưa rất nhiều máy xúc ủi, xe tải có tải trọng lớn hoạt động đào đãi suốt ngày đêm (Ảnh: V.H)
Để khai thác vàng, doanh nghiệp đưa rất nhiều máy xúc ủi, xe tải có tải trọng lớn hoạt động đào đãi suốt ngày đêm (Ảnh: V.H)

Hợp thức hóa sai phạm (?!)

Kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành cũng cho thấy, Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long được cấp phép khai thác mỏ vàng sa khoáng với diện tích khoảng 32ha. Đến nay doanh nghiệp vẫn đang khai thác trong chỉ giới cho phép nhưng đã tiến hành một số hoạt động ra ngoài phạm vi cấp phép và xâm lấn vào rừng đặc dụng.

Cụ thể, công ty này đã xây dựng khu vực văn phòng trên diện tích 1,67 ha, đồng thời xây dựng một khu tâm linh gồm đình, đền, chùa Bản Ná với diện tích khoảng 0,12 ha. Công ty đã tự ý mua bán, chuyển nhượng nhà đất của 4 hộ dân, hiện tại cũng chưa có hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác.

Đặc biệt, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện trong quá trình khai thác Công ty Thăng Long đã đổ thải (phế liệu từ hoạt động khai thác vàng) ra ngoài phạm vi cấp phép khai thác mỏ lên diện tích rừng khoảng 5,78ha, trong đó có 5,30 ha là rừng đặc dụng, còn lại là quy hoạch các loại rừng khác. Công ty đã cam kết với đoàn kiểm sẽ hoàn tất việc di chuyển khối lượng đất đá gửi thải và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3/2019.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Dương Văn Tiến cho hay, sau khi báo chí phản ánh về rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra.

Báo cáo mới nhất của đoàn liên ngành thể hiện diện tích bị xâm hại tổng cộng khoảng 12,25 ha, trong đó có hơn 11 ha rừng đặc dụng. Tuy nhiên, ông Tiến lại cho rằng báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành đã đưa ra các nhận định do nguyên nhân khách quan là việc quy hoạch rừng đặc dụng có sự chồng lấn, phức tạp. Đồng thời không có bất cứ hình thức xử lý nào đưa ra ngoài việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan hợp thức hóa sai phạm (?!).

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa giao Cục Lâm nghiệp xác minh thông tin phá rừng đặc dụng Thần Sa để khai thác vàng sa khoáng tại khu vực Bản Ná, cánh đồng Khắc Kiệm và nam Khắc Kiệm gây ồn ào dư luận suốt tuần qua.

Thế Kha