“Vụ việc của đại biểu Phước khá nghiêm trọng về văn hóa ứng xử!”
(Dân trí) - “Ở Quốc hội lâu nay, việc các đại biểu có ý kiến trái ngược nhau là chuyện bình thường nhưng chì chiết, thóa mạ nhau một cách nặng nề như blog của đại biểu Phước thì chưa có tiền lệ. Tôi cho rằng đó là vấn đề khá nghiêm trọng trong văn hóa ứng xử…"
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến trao đổi về việc đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đăng bài viết “Dương Trung Quốc và bốn điều sai năm cũ” (tứ đại ngu) trên blog cá nhân vừa qua.
Bài viết về đại biểu Dương Trung Quốc đăng trên blog của đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đã làm nóng dư luận những ngày đầu năm mới vừa qua. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về sự việc?
Việc một vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là việc rất bình thường. Các ý kiến khác nhau qua tranh luận là để tiệm cận đến chân lý, đó là điều rất tốt. Từ ý kiến khác nhau, tranh luận khác nhau như vậy mà dẫn đến bài viết như vừa qua mới là điều không bình thường. Không bình thường ở chỗ người viết dùng ngôn từ không phù hợp, ngay cả với một người bình thường chứ không nói gì đến người có vị trí đại diện cho dân như ĐBQH. Là người thay mặt nhân dân để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước càng cần sự cẩn trọng trong mỗi lời nói, mỗi phát biểu.
Đọc các ý kiến phản hồi của người đọc tôi cũng thấy yêu cầu về việc xử lý của các cơ quan có trách nhiệm như đoàn ĐBQH TPHCM, Ban công tác đại biểu của QH hay UB Thường vụ QH có thái độ gì. Họ có lý khi đặt vấn đề đó vì ứng xử với nhau cần có văn hóa, ngôn từ, lời lẽ sâu sắc nhưng lịch sự, luôn tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng người khác. Đó là văn hóa cần có của mỗi người. Nhiều đại biểu tôi biết phát biểu những vấn đề rất gai góc trên nghị trường nhưng ngôn từ nói rất chừng mực, tế nhị, có văn hóa. Tôi cho là việc có văn hóa trong ứng xử, phát ngôn, trong lời nói hoặc giao tiếp với nhau rất quan trọng đối với ĐBQH.
Có thể ý kiến các đại biểu từ những góc nhìn khác nhau về một vấn đề nhưng không thể vì thế mà dùng những ngôn từ để thóa mạ, mạt sát hay hạ nhục nhau. Điều đó hoàn toàn không nên.
Chưa đặt vấn đề đúng sai về nội dung thì những ngôn từ trong bài viết có thể nhìn nhận thế nào, thưa ông?
Việc người viết dùng từ “đại ngu” để nói về người khác là một từ rất mạnh, ngay với những người bình thường, thậm chí những người có trình độ rất thấp cũng không dùng với nhau, không thiếu những cách nói khác để thể hiện. Vậy mà nói nặng nề kiểu “đại ngu”, “tứ đại ngu”, nói ngụ ý kiến thức của đồng nghiệp thấp, ít học… thì hết sức không nên. Trong bài viết cũng rất nhiều từ ngữ khác mang tính chất thóa mạ như “loạn ngôn”, “hiếu chiến”, “háo thắng”, "bất tri vô trí”, loạn ngôn, loạn hành, loạn trí, “Dương Trung Quốc đã nói xằng bậy”, “tự làm lộ cho toàn dân biết mình không biết ngoại ngữ trong khi bản thân là một nhà sử học”, “danh xưng nhà đĩ học bên cạnh nhà sử học”… là quá nặng nề, đến mức rất phản cảm. Không thể dùng những từ này để nói về một ĐBQH, một người đồng nghiệp với mình.
Tình huống xấu nhất đã được xác định - đây chính là phát ngôn của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Vấn đề đặt ra là Quốc hội hiện tại có cơ chế, quy định nào về điều kiện, giới hạn của việc nêu những ý kiến khác nhau đối với mỗi ĐBQH?
Các đại biểu có rất nhiều cách để trao đổi, để truyền thông điệp của mình. Trên diễn đàn QH, trong các cuộc họp tổ, trao đổi trực tiếp với nhau đại biểu không thiếu cơ hội để đăng ký phát biểu, thậm chí phản biện nhau, nêu quan điểm trái chiều nhau là chuyện bình thường. Ngoài ra, các đại biểu hoàn toàn có thể gửi thư, viết mail trao đổi, gọi diện tranh luận… Ví dụ, có ý kiến khác nhau về luật Biểu tình chẳng hạn, mỗi đại biểu hoàn toàn có thể gửi kiến nghị bằng văn bản đến đoàn đại biểu QH, đến Ủy ban mà mình là thành viên, đến cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoặc UB Thường vụ QH, gửi cho lãnh đạo QH để thể hiện chính kiến của mình…
Có rất nhiều kênh để đại biểu trao đổi với nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp như thế, tại sao không làm, lại viết tung lên blog như thế.
Nhiều người đặt vấn đề, blog đúng là một trang nhật ký cá nhân trên mạng nhưng đặc điểm lại là một phương tiện truyền tải mà nhiều người có thể tiếp cận, phổ biến rộng rãi. Vậy những phát ngôn chưa phù hợp của một đại biểu như ông đã phân tích, dư luận quan tâm hướng xử lý, giải quyết giờ thế nào?
Tôi nghĩ hiện Chính phủ đã có nhiều quy định để quản lý các trang blog cá nhân. Dù blog có thể là của bất kỳ ai, ai cũng có thể tạo ra trang nhật ký riêng trên mạng như vậy nhưng không phải vì vậy mà muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Không thể vu khống, bôi nhọ Đảng và nhà nước, không được bôi nhọ nhân phẩm và danh dự của người khác, không thể nói tùy thích cho “sướng miệng” mình mà làm phương hại đến người khác. Luật Hình sự có quy định cụ thể về những hành vi, tội danh liên quan đến vấn đề này. Trong Hiến pháp hiện hành, Điều 71 cũng như điều 22 sửa đổi bổ sung điều 71 này trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi đang đưa ra lấy ý kiến cũng giữ quy định “không được lợi dụng tự do, dân chủ để nói xấu, bôi nhọ Đảng, nhà nước, các tổ chức và cá nhân”. Nếu ai dùng phương tiện này khác để thóa mạ, bôi xấu người khác như trường hợp này thì pháp luật cũng quy định cách thức xử lý cụ thể.
Ở Quốc hội, lâu nay, chuyện này chưa có tiền lệ. Việc có ý kiến trái ngược nhau thì nhiều nhưng nói với nhau một cách nặng nề, có tính chất chì chiết, thóa mạ, hạ nhục nhau như này thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử. Tôi cho rằng đó cũng là vấn đề khá nghiêm trọng trong văn hóa ứng xử với nhau, nhất là ở cương vị ĐBQH. Đã là một đại biểu, một chính khách phải có lời ăn tiếng nói, ứng xử phù hợp với vị thể một người đại diện cho người dân cả nước. Nếu không được như thế thì rất đáng tiếc và tôi cho rằng ai thể hiện như thế thì người đó đã tự đánh mất mình, đánh mất uy tín của mình trong lòng cử tri, nhân dân. Và thực tế đã thể hiện, rất nhiều ý kiến phản đối bài viết trên blog Hoàng Hữu Phước và ủng hộ các ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc đã nêu tại diễn đàn Quốc hội.
Sự việc đã như vậy cơ quan chức năng nên có biện pháp can thiệp nào?
Khi sự việc đã như thế, các cơ quan chức năng như Đoàn ĐBQH TPHCM, Ban Công tác đại biểu, UB Thường vụ QH… nên có chỉ đạo làm rõ vì đây không phải việc của cá nhân với cá nhân nữa mà đã thành các luồng ý kiến khác nhau, thành điểm nóng trong mấy ngày đầu xuân, tết đến vừa qua, làm xôn xao dư luận. Đoàn ĐBQH TPHCM, Ban Công tác đại biểu, UB Thường vụ cũng nên có hình thức nhắc nhở để đại biểu có hành động phù hợp với vị thế của mình. Sự việc đã như thế, không thể lờ đi coi như không có, không thấy việc đã xảy ra.
Ông có bình luận gì về nội dung “nói lại” của đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng bài viết này không thể gọi là phản biện, là không có gì đáng phản hồi, bình luận?
Tôi cho rằng anh Dương Trung Quốc là người rất bình thản, điềm tĩnh và có bản lĩnh. Nếu rơi vào nhiều người khác thì đã nổi sung, nổi đóa lên rồi nhưng anh Quốc vẫn rất bình thản. Anh có nói “đã không cùng ngôn ngữ thì không thể trao đổi với nhau được” là cách nói rất sâu sắc, khéo léo. Anh Quốc cũng nói một ý “hãy để cho cử tri, độc giả tự bình luận” và quả thật khi độc giả bình luận thì quan điểm đưa ra rất gay gắt.
Tôi cũng được biết, đoàn ĐBQH TPHCM đã có buổi làm việc với đại biểu Hoàng Hữu Phước về việc này và ông Phước cũng đã gỡ bài viết khỏi blog của mình. Tôi cho rằng đây là phản ứng kịp thời của đoàn cơ quan quản lý trực tiếp đại biểu cũng như thái độ tích cực, thể hiện đại biểu đã nhận thấy sai sót của mình. Tích cực hơn, ông Phước nên có lời xin lỗi trực tiếp với đại biểu Dương Trung Quốc. Nhiều đại biểu cũng gọi điện cho tôi bày tỏ quan điểm không tán thành việc làm của ông Hoàng Hữu Phước trên blog cá nhân của mình.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)