1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ tường đổ đè bẹp 12 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại?

Trần Thanh

(Dân trí) - Chính quyền phường Mai Dịch cho biết, nơi xảy ra sự việc là bãi xe tự phát, người dân tự ý mang xe ra để. Về việc này, luật sư đã có những phân tích về trách nhiệm của các bên liên quan.

Vụ tường đổ đè bẹp 12 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 1

12 chiếc xe ô tô bị bức tường Trường mầm non Mai Dịch đổ đè trúng.

Liên quan đến vụ đổ tường Trường mầm non Mai Dịch đè bẹp 12 ô tô con trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, sáng 9/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND phường Dịch Vọng cho biết, khu vực nơi xảy ra vụ việc là bãi xe tự phát, người dân tự ý để xe tại đây và phường chưa nhận được bất cứ báo cáo nào về khu vực để xe kể trên.

Xác nhận với PV, một lãnh đạo Công an phường Mai Dịch cho hay, khu vực bức tường nơi xảy ra sự việc bị đổ, đè trúng 12 xe ô tô là bức tường của Trường Mầm non Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội). Hiện lực lượng chức năng đã bàn giao vụ việc cho UBND phường Mai Dịch giải quyết, làm rõ.

Qua quan sát của phóng viên tại hiện trường, bức tường rào Trường mầm non Mai Dịch bị đổ không có cốt thép, phần trên tường có rào sắt cao khoảng 1 m.

Vụ tường đổ đè bẹp 12 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 2

Bức tường bị đổ không có cốt thép, chỉ có kết cấu bằng gạch và xi măng.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về sự việc, trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thiệt hại trong sự việc đã xảy ra. Tuy nhiên, nếu thiệt hại được xác định là do bất khả kháng, hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về chủ phương tiện thì chủ phương tiện phải chịu mọi thiệt hại.

Luật sư Cường viện dẫn, tại Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại cho người khác". Tuy nhiên, điều này cũng quy định, chủ sở hữu tài sản sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba nếu thiệt hại do bất khả kháng hoặc do lỗi hoàn toàn thuộc về phía bên bị thiệt hại, cụ thể ở đây là chủ 12 xe ô tô.

Nếu tự ý đỗ xe không có bãi gửi, chủ xe sẽ bị phạt hành chính?

Theo luật sư Cường, về nguyên tắc thì việc bồi thường thiệt hại sẽ được đặt ra khi có thiệt hại và có lỗi. Trong trường hợp này cần xác định rõ 2 khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, đây là bãi đỗ xe đã được cấp phép, thiệt hại xảy ra hoàn toàn không do lỗi của bên bị thiệt hại, mà chủ sở hữu, người chiếm hữu và người được giao quản lý công trình phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra.

Nếu 12 xe ô tô đó đậu xe trên cơ sở hợp đồng gửi giữ, thì bên giữ xe phải bồi thường. Trường hợp chủ sở hữu bức tường (Trường mầm non Mai Dịch) có lỗi, gây thiệt hại đến những chiếc xe ô tô này, thì bên giữ xe có quyền yêu cầu bên chủ sở hữu bức tường đó bồi thường trở lại.

Vụ tường đổ đè bẹp 12 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 3

Khu vực xảy ra sự việc vẫn đang được phong tỏa.

Vụ tường đổ đè bẹp 12 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 4

Lãnh đạo UBND phường Mai Dịch cho biết, khu vực nơi xảy ra sự việc là chỗ người dân tự ý đỗ xe.

Trong trường hợp việc đỗ xe này vi phạm các quy định về dừng đỗ, thì song song với việc chủ xe vẫn được bồi thường thiệt hại do lỗi của những công trình xây dựng, nhà cửa hoặc công trình xây dựng khác gây ra, chủ xe trong trường hợp này có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong việc dừng đỗ trái quy định.

Luật sư Cường phân tích thêm, bên quản lý công trình xây dựng, cụ thể ở đây là chủ sở hữu bức tường bị đổ phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp sự việc được xác định là bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại.

Như vậy nếu trường hợp không được cho là bất khả kháng hoặc không phải là lỗi hoàn toàn thuộc về người bị hại, thì chủ sở hữu tài sản là bức tường trên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe.

Vụ tường đổ đè bẹp 12 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 5

Có khoảng 12 xe tô bị "đè bẹp" sau khi bức tường của Trường Mầm non Mai Dịch bị đổ sập.

"Vấn đề này cần phải làm rõ việc đỗ xe có đúng quy định hay không, bức tường có nguy cơ bị đổ sập hay không, trước đó có thể phát hiện, lường trước được sự việc xảy ra hay không, là những yếu tố quan trọng để xác định yếu tố lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có.

12 ô tô nếu có hợp đồng gửi giữ, bên trông xe có phải bồi thường?

Luật sư Cường cũng phân tích thêm rằng, nếu 12 chiếc xe ô tô kể trên có hợp đồng gửi giữ (có thỏa thuận trông giữ xe) thì bên trông giữ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về hợp đồng gửi giữ tài sản.

Ngoài ra, trong trường hợp việc trông giữ đúng quy định của pháp luật, bãi trông giữ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và thiệt hại không phải là bất khả kháng, không có lỗi của bên trông giữ và chủ phương tiện, thì bên trông giữ tài sản có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức quản lý bức tường kia bồi thường cho chủ 12 xe ô tô.

Vụ tường đổ đè bẹp 12 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 6

Bức tường có kết cấu chủ yếu là gạch và xi măng bị đổ sập do mưa lớn trong những ngày qua.

Còn với trường hợp việc trông giữ xe là tự phát, thiệt hại là do bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về phía nạn nhân và bên trong giữ xe, thì bên quản lý bức tường không phải bồi thường thiệt hại, trong trường hợp này, bên gửi xe có quyền yêu cầu bên trông giữ xe phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

"Đối với những chiếc xe có bảo hiểm thì bên bảo hiểm chỉ bồi thường, khắc phục sự cố nếu như sự việc không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm của bên bảo hiểm và thiệt hại do lỗi của chủ xe gây ra. Còn trường hợp thiệt hại thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm của bên bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm, mà hai bên đã ký kết, hoặc do lỗi của bên thứ ba thì bảo hiểm sẽ từ chối chi trả", luật sư Cường phân tích.

Cũng đồng ý kiến với luật sư Cường, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, nếu sự việc xảy ra do yếu tố chủ quan (bức tường xuống cấp, nhà trường biết nhưng không duy tu, gia cố công trình, không có sắt thép...), chủ sở hữu công trình, cụ thể là Trường Mầm non Mai Dịch, sẽ phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, theo Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015. Mức độ bồi thường sẽ tương ứng với mức độ lỗi mà đơn vị sở hữu công trình gây ra.

"Nếu sự việc xảy ra do yếu tố khách quan (thời tiết, mưa to, gió lớn), những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm liên quan là Trường Mầm non Mai Dịch và chủ sơ sở trông giữ xe sẽ không phải bồi thường", luật sư Bình phân tích.

Ngoài ra cũng cần xem xét đến các yếu tố như khu vực này có cho phép đậu xe, trông giữ xe hợp pháp hay không? Các yếu tố tự nhiên như mưa bão là sự kiện bất khả kháng, xảy ra khách quan, con người không thể lường trước, khắc phục được.

Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp thiệt hại do trường hợp bất khả kháng gây ra, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ khi các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác.

Vụ tường đổ đè bẹp 12 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 7

Một trong số những chiếc ô tô "chịu trận" sau vụ đổ sập tường rào.

Luật sư Bình nói thêm, theo quy định, việc sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe phải đảm bảo nhiều điều kiện, trong đó phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ phải có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 m.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm