1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Vụ trường học "chống nạng", nhà dân nghiêng nứt: Sập đã có bảo hiểm lo (?!)

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Khi người dân phản ánh về quá trình xây dựng kênh La Khê (Hà Nội) khiến nhà bị rung lắc, đe dọa đến tính mạng thì một công nhân đáp lại rằng, sập đã có bảo hiểm lo…

Tạm dừng thi công

Liên quan đến việc xây dựng kênh La Khê và đường giao thông 2 bên bờ kênh (Gói thầu 16F thuộc Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội) bị 9 hộ dân phản ánh làm lún, nứt, nghiêng nhà ở, UBND phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) đã đề nghị các bên liên quan tạm dừng thi công để đánh giá hiện trạng, tác động… do quá trình thi công gây ra.

Vụ trường học chống nạng, nhà dân nghiêng nứt: Sập đã có bảo hiểm lo (?!) - 1

Để tránh việc bị đổ sập, bức tường của Trường mầm non Kim Đồng đã được "chống nạng" sắt (Ảnh: Nguyễn Trường).

Công trình này do Ban duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) là đại diện chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (Công ty Cường Thịnh Thi), với giá trúng thầu là 163 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo lời nhiều người dân bị ảnh hưởng, khi thấy nhà bị nứt, rung lắc đe dọa đến tính mạng, người dân đã ra công trường để nhắc nhở. Tuy nhiên, một công nhân đang làm việc tại đây đã đáp lại rằng, đây là công trình nhà nước nên nếu đổ nhà chết người thì... dân chịu.

Về thái độ coi thường tính mạng, tài sản của người dân bị ảnh hưởng gần bờ kênh La Khê, tại cuộc họp diễn ra hồi tháng 1/2021, ông Bùi Huy Quang - Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội đã đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công có biện pháp chấn chỉnh việc phát ngôn không đúng mực của cán bộ, công nhân, làm ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Vụ trường học chống nạng, nhà dân nghiêng nứt: Sập đã có bảo hiểm lo (?!) - 2

Người dân mong muốn chủ đầu tư, nhà thầu sớm đánh giá hiện trạng, mức độ tác động từ việc thi công đến ngôi nhà họ đang sinh sống (Ảnh: Nguyễn Trường).

Trả lời câu hỏi của Dân trí về việc có người của đơn vị thi công nói rằng, nếu sập nhà, chết người thì dân chịu, ông Chu Văn Năm - Phó Giám đốc Ban duy tu các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, đã yêu cầu nhà thầu xử lý cán bộ kỹ thuật có phát ngôn không đúng mực.

"Cán bộ đó ức chế vì dự án bị dừng thi công nhiều quá. Người dân ra bảo rung quá thì nói "cái này có bảo hiểm rồi, chúng tôi thi công có làm sao thì bảo hiểm lo". Còn quan điểm chúng tôi không phải như thế!", ông Năm phân trần.

Chưa có nhà nào bị hỏng đến mức không ở được

Đại diện chủ đầu tư thừa nhận, với biện pháp thi công của Công ty Cường Thịnh Thi là đóng cừ cọc bê tông cốt thép dự ứng lực sẽ ít nhiều tác động, ảnh hưởng đến các hộ dân gần đó.

Trong khi đó, theo quyết định số 29/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, chỉ trong trường hợp có nguy cơ đổ sập thì việc thi công mới bị tạm dừng. Tuy nhiên, trước ý kiến phản ánh của người dân bị ảnh hưởng, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng; cử đơn vị khác đến kiểm tra hiện trạng, ghi nhận thiệt hại của các hộ gia đình.

Vậy nhưng khi đơn vị giám định đến kiểm tra các vết nứt thì người dân không đồng ý. Mọi người cho rằng chỉ dùng thước, quan sát bằng mắt thì có sự không tin tưởng.

Chia sẻ thêm về vụ việc, theo đánh giá chủ quan và kinh nghiệm của ông Năm, biện pháp đóng cừ dự ứng lực được áp dụng rất nhiều và chưa làm nhà ai bị hỏng đến mức không ở được.

Vụ trường học chống nạng, nhà dân nghiêng nứt: Sập đã có bảo hiểm lo (?!) - 3

Theo đại diện chủ đầu tư, biện pháp thi công được Công ty Cường Thịnh Thi áp dụng ít nhiều ảnh hưởng đến các công trình gần đó (Ảnh: Nguyễn Trường).

Ông Năm cho biết, mới đây, Viện Kỹ thuật (đơn vị đo đạc khảo sát) đã đến đo độ rung trước cửa nhà (người dân không cho vào nhà) các hộ bị ảnh hưởng thì thấy độ rung động vẫn trong ngưỡng cho phép.

Trước những bức xúc của người dân, ông Năm cho biết, đơn vị này đã yêu cầu nhà thầu làm thêm công đoạn đóng cọc thép nhỏ xuống trước, để khi ép cọc to xuống sẽ nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, để làm giảm cường độ rung khi ép cọc, đơn vị thi công còn phải trang bị thêm máy biến tần.

"Với các biện pháp trên, chúng tôi hy vọng khi dự án thi công tiếp sẽ ảnh hưởng ít nhất đến nhà dân chứ khó mà không thể ảnh hưởng. Không còn phương án nào tối ưu hơn, vì đóng cừ là bắt buộc phải rung", ông Năm phân trần.

Về phương hướng giải quyết vụ việc, đại diện chủ đầu tư cho biết, sẽ ghi nhận hiện trạng, mức độ hư hại của các hộ dân bị ảnh hưởng. Sau khi thi công xong, các bên sẽ tiếp tục ghi nhận mức độ hư hại của các công trình để tiến hành bồi thường cho người dân. Riêng bức tường của trường học đang phải "chống nạng" sẽ xây lại hoặc bồi thường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm