Nhiều lần ra quân kiểm tra các vũ trường, bar trên địa bàn TPHCM nhưng lực lượng chức năng đều không phát hiện được gì. Theo một cán bộ Đoàn 814, có thể chủ các vũ trường, bar biết trước thông tin để đối phó.
Ngày 19-4, các cơ quan chức năng thuộc đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội TP (Đoàn 814 – PV) vẫn đang lập hồ sơ trình UBND TPHCM ra quyết định xử lý những sai phạm tại vũ trường 02 Gold Club (số 2 Hồ Huấn Nghiệp, phường Bến Nghé, quận 1). Công an TPHCM đã ra quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng có hành vi bán ma túy tổng hợp cho khách vào vũ trường này để mở rộng điều tra.
Bên trong vũ trường 02 Gold Club khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra lúc rạng sáng 18-4. Ảnh: TÂN TIẾN
Mua bán ma túy trong bar, vũ trường
Trước đó, vào khoảng 20 giờ 40 phút ngày 17-4, trinh sát Đội 2 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an TPHCM phát hiện Trần Ngọc Quốc Cường (SN 1988, nhân viên vũ trường 02 Gold Club) đang bán ma túy tổng hợp cho khách nên tiến hành bắt khẩn cấp.
Khám xét người Cường, trinh sát phát hiện có 36 viên thuốc màu hồng được xác định là thuốc lắc, 1 bao chất màu trắng (nghi ma túy đá), 1 bao màu nâu. Cường khai mua số ma túy trên từ Trần Hồ Nghĩa (SN 1984, ngụ quận Gò Vấp) và Nguyễn Văn Phước (SN 1987, ngụ quận 7), mỗi viên ma túy tổng hợp mua với giá 180.000-200.000 đồng (tùy thời điểm), bán lại từ 250.000-300.000 đồng/viên, mỗi đêm bán khoảng 15-20 viên. Ngay sau đó, 2 mũi trinh sát khác tiến hành bắt khẩn cấp Nghĩa và Phước.
Việc bắt giữ các đối tượng được thực hiện nhanh gọn và bí mật. Đến 0 giờ 30 phút ngày 18-4, lực lượng công an phối hợp với Đoàn 814 ập vào vũ trường 02 Gold Club kiểm tra, phát hiện có hơn 200 nam nữ thanh niên quay cuồng trong tiếng nhạc đinh tai nhức óc. Khi đèn được bật sáng, một số người vẫn còn “phê” ma túy, nhiều người phát hiện lực lượng chức năng đã ném những bao ni lông ma túy xuống gầm bàn để tẩu tán và chui vào phòng vệ sinh trốn.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng lập biên bản vũ trường vi phạm nhiều lỗi: bán rượu ngoại có độ cồn cao không rõ nguồn gốc, quảng cáo trái phép thuốc lá, hoạt động quá giờ quy định, không ký hợp đồng lao động với nhân viên, đặc biệt để xảy ra việc mua bán và sử dụng ma túy trong vũ trường.
Việc sử dụng ma túy trong bar, vũ trường cũng từng được phát hiện tại Diamond Club (số 5 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1) vào rạng sáng 20-1. Lực lượng chức năng tìm thấy 6 viên ma túy dạng tròn, một tép giấy bạc chứa chất bột màu trắng, 21 người kiểm tra cho thấy có sử dụng ma túy. Qua thanh lọc, công an xác định 8 đối tượng hình sự.
Tiếp đó, rạng sáng 26-1, Đoàn 814 cùng công an kiểm tra quán bar Club 39 (tòa nhà Kumho Asiana, số 39 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1), phát hiện 12 viên thuốc lắc, 2 bịch chất bột màu trắng nghi là heroin được các đối tượng ném xuống sàn bar để phi tang, 12 người kiểm tra nhanh dương tính với ma túy. Ngoài ra, công an còn xác định được 16 đối tượng tàng trữ, sử dụng ma túy và có dấu hiệu hoạt động băng nhóm.
Bên trong vũ trường 02 Gold Club (quận 1 - TPHCM) khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra lúc rạng sáng 18-4 Ảnh: PHẠM DŨNG
Rò rỉ thông tin
Đáng nói, trong những lần ra quân kiểm tra các vũ trường mà gần đây nhất là giữa tháng 1 và đầu tháng 2-2013, lực lượng chức năng hùng hậu, có cả chó nghiệp vụ đi theo đều phải ra về tay không vì không phát hiện được gì. Cụ thể, rạng sáng 11-1, lực lượng chức năng định kiểm tra vũ trường 02 Gold Club nhưng đến nơi vũ trường đã tắt nhạc, dân chơi bình thản dắt xe ra về.
Tiếp đó, đêm 27-1, theo kế hoạch, ngành chức năng sẽ kiểm tra một vũ trường ở đường Trần Não (quận 2) và một vũ trường khác trên địa bàn quận này nhưng gần đến giờ “chuông reo”, 2 vũ trường đồng loạt cúp điện, nhiều “dân bay” ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra đã hò hét trước cổng 2 vũ trường.
Theo một cán bộ Đoàn 814, để hoạt động kinh doanh không bị ngừng trệ, không bị phát hiện sai phạm, chủ vũ trường, bar quan hệ với chính quyền địa phương khá thân thiết, thậm chí thuê hẳn những đối tượng chỉ chuyên mỗi việc theo dõi nhất cử, nhất động của Đoàn 814. “Tất nhiên, để nắm được lộ trình, khu vực địa điểm sẽ bị kiểm tra…, các đối tượng đã mua “ai đó” trong nội bộ đoàn kiểm tra nên mới có việc rò rỉ thông tin, khiến đoàn kiểm tra chưa đến nơi, đã bị động” - vị cán bộ này nói.
Mới đây, trong buổi tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vào sáng 17-4, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết nhiều địa phương phản ánh đối với những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, khi bị cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản nhiều lần nhưng những cơ sở vi phạm không chấp hành và vẫn tiếp tục hoạt động.
Cũng trong buổi tổng kết này, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), thẳng thắn nói: “Đối với bọn xã hội đen, tội phạm hoạt động có tổ chức, công an triệt phá chúng không khó. Nhưng cái khó nhất là trong vụ nào cũng đều dính dáng đến cán bộ cơ sở vì đã bị “mua” nên chưa đánh đã bị lộ”!
Nên quy định độ tuổi được vào bar, vũ trường
Để chấn chỉnh tình trạng bắt cóc bỏ dĩa, tránh được những tệ nạn dễ phát sinh trong các quán bar, vũ trường, theo những thành viên Đoàn 814, UBND TPHCM nên có quy định về độ tuổi, đối tượng được vào quán bar, vũ trường; nhân viên quán bar, vũ trường phải xét giấy CMND của khách từ cửa vào; ghi biển thông báo không bán rượu cho người dưới 18 tuổi (kể cả nơi được phép bán rượu), đánh thuế cao ngành nghề kinh doanh nhạy cảm như bar, vũ trường...