1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ thang máy chở 11 người rơi từ tầng 5: Trách nhiệm thuộc về ai?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Cơ quan công an đã nêu rõ nguyên nhân khiến thang máy ở chung cư B10A Nam Trung Yên (Hà Nội) đang chở 11 người thì bị rơi từ tầng 5 xuống đất, vậy trách nhiệm để xảy ra vụ việc này thuộc về ai?

Nạn nhân nằm la liệt sau sự cố rơi thang máy từ tầng 5 vào chiều 29/11/2020.

Trong văn bản mới đây trả lời đại diện gia đình những người gặp nạn trong vụ thang máy tại chung cư B10A Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rơi tự do vào chiều 29/11/2020, Phòng Quản lý đô thị quận cho biết, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn đang tiếp tục củng cố tài liệu, làm rõ trách nhiệm của người liên quan để xem xét xử lý theo quy định.

Về nguyên nhân khiến thang máy chở 11 người bỗng rơi tự do từ tầng 5 xuống đất, Công an quận Cầu Giấy khẳng định là do thiết bị báo quá tải không hoạt động. Đồng thời, rãnh puly ma sát của máy kéo mòn lớn dẫn đến cáp tải bị trượt trơn khi cabin đi xuống.

Chia sẻ quan điểm về vụ việc nghiêm trọng này, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng VP Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trách nhiệm bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thang máy trong nhà chung cư thuộc về đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành trong từng nhà chung cư, được quy định trong Thông tư 02/2016/TT-BXD và Luật Nhà ở năm 2014.

Vụ thang máy chở 11 người rơi từ tầng 5: Trách nhiệm thuộc về ai? - 1

Hình ảnh thang máy gặp sự cố rơi tự do được niêm phong để xác minh, điều tra (Ảnh: Nguyễn Trường).

"Theo Điều 44 Thông tư 02/2016/TT-BXD thì Ban quản trị, thành viên Ban quản trị nhà chung cư nếu vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư và Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị bãi miễn, thay thế theo quy định của Quy chế này và bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật" - ông Tiền cho hay.

Đáng chú ý, theo luật sư Tiền, tùy vào mức độ vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" với mức hình phạt cao nhất phạt tù từ 1 - 3 năm tù.

Vụ thang máy chở 11 người rơi từ tầng 5: Trách nhiệm thuộc về ai? - 2

Cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ trách nhiệm của người liên quan trong vụ rơi thang máy ở tòa B10A Nam Trung Yên (Ảnh: Nguyễn Trường).

Về thời hạn giải quyết vụ việc, luật sư Tiền cho biết: Điều 147 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng.

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng VKSND cùng cấp hoặc Viện trưởng VKS có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.

"Như vậy, thời hạn xử lý tin tố giác không quá 4 tháng. Sau 4 tháng, cơ quan điều tra phải ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố" - ông Tiền thông tin thêm.

Về việc số người bị thương có sự "vênh" nhau giữa  thông tin từ chính quyền sở tại với trình báo của gia đình nạn nhân, theo luật sư Tiền, cơ quan công an sẽ có trách nhiệm làm rõ điều này. Đồng thời, các nạn nhân sẽ được xác định tỉ lệ thương tật, tình trạng sức khỏe… để làm căn cứ để tiến hành các biện pháp tố tụng, căn cứ để bồi thường cho các nạn nhân sau này.

Có bao nhiêu nạn nhân bị thương trong vụ rơi thang máy?

Liên quan đến vụ việc trên, Theo chị Ðinh Thị Trúc Quỳnh (con gái bà Đ.T.H. - chủ căn hộ 1011, B10A Nam Trung Yên; đại diện cho gia đình các nạn nhân), sự cố thang máy rơi đã khiến toàn bộ 11 người bị thương hoặc bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, theo thông tin từ lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cũng như UBND phường Trung Hòa trao đổi với PV Dân trí vào cuối tháng 11/2020, vụ rơi thang máy này chỉ khiến 2 người bị thương là bà T. (87 tuổi, trú tại Hà Nội) bị gãy chân; chị Nguyễn Thanh T. (31 tuổi, trú ở quận Ba Đình) bị trật khớp chân phải nằm Bệnh viện 198 Bộ Công an. Riêng 1 cháu bé 4 tuổi bị xây xát vùng đầu, được chụp chiếu không làm sao nên về nhà.

"Thực tế, ngoài 2 nạn nhân nêu trên thì còn có 4 người khác bị thương. Những người còn lại đều bị ảnh hưởng sau sự cố rơi thang máy. Trong tất cả những đơn thư đã gửi các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy, tôi đều thể hiện rõ tình trạng sức khỏe từng trường hợp" - chị Quỳnh cho hay.