1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Vụ tàu vỏ thép hỏng máy: Đề nghị bán tàu cho chủ khác

(Dân trí) - Vụ tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bị hỏng máy đến nay vẫn chưa có hướng xử lý ổn thỏa. Trong khi đó, Sở NN-PTNT Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị tỉnh cho phép chuyển giao tàu cá này cho người khác.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Quảng Nam (BIDV Quảng Nam) đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam quyết định không cho vay bổ sung đối với ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, chủ tàu vỏ thép QNa 94679TS) đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Con tàu vỏ thép QNa 94679TS của ông Trần Văn Liên vẫn đang nằm bờ
Con tàu vỏ thép QNa 94679TS của ông Trần Văn Liên vẫn đang nằm bờ

Nguyên nhân do chủ tàu không đủ năng lực tài chính. Con tàu này cũng chưa một lần ra khơi. Trong khi hồ sơ kiện tụng thì ngày càng dày thêm mà lỗi không thuộc về chủ tàu.

Theo hợp đồng tín dụng giữa ông Trần Văn Liên với BIDV Quảng Nam, số tiền được vay là 14,53 tỉ đồng. Phía ngân hàng đã giải ngân hơn 7,6 tỷ đồng trên cơ sở tài sản bảo đảm là tàu cá vỏ thép hình thành từ vốn vay, số hiệu QNa 94679TS và toàn bộ máy móc, thiết bị trên tàu.

Hiện toàn bộ dư nợ đã chuyển sang nợ xấu vì ngư dân không có khả năng trả nợ. Theo lãnh đạo BIDV Quảng Nam, do ông Liên không có khả năng thanh toán nợ nên không được Nhà nước cấp bù lãi suất, ông Liên cũng không được ngân hàng đồng ý cơ cấu nợ. Do vậy, phía ngân hàng không tiếp tục giải ngân cho vay thêm khoản tiền còn lại trong hợp đồng tín dụng.

Trong khi số phận con tàu chưa được định đoạt thì ông Trần Văn Liên mệt mỏi vì con tàu này. Ông cho biết, gia đình cũng đã đổ vào con tàu này gần 1 tỷ đồng, bỏ bê việc làm để bám lấy tàu nhưng giờ trắng tay. Ước mơ một lần cầm lái con tàu 67 vươn khơi chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cũng không thể vào cuộc để “giải cứu” cho ông.

Ông Liên (bên trái) đã rất mệt mỏi dù qua nhiều phiên tòa và những cuộc làm việc để giải quyết nhưng con tàu của ông vẫn chưa một lần ra khơi
Ông Liên (bên trái) đã rất mệt mỏi dù qua nhiều phiên tòa và những cuộc làm việc để giải quyết nhưng con tàu của ông vẫn chưa một lần ra khơi

Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam – cho hay, ngày 23/5/2018, Sở đã tổ chức cuộc họp có sự tham gia của đại diện các bên liên quan: NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Nam, BIDV Quảng Nam, Công ty CP đóng tàu Bảo Duy, chủ tàu Trần Văn Liên, Chi cục Thủy sản, UBND huyện Thăng Bình, UBND xã Bình Minh để bàn bạc, giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc bàn giao tàu QNa 94679TS và giải quyết dứt điểm chi phí đóng tàu giữa Công ty Bảo Duy và chủ tàu Trần Văn Liên.

Trước đó, ngày 10/5/2018, Công ty Bảo Duy đã có kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng can thiệp để công ty nhanh chóng bàn giao tàu cho ông Trần Văn Liên và buộc các bên liên quan nhanh chóng thanh toán dứt điểm các khoản tài chính cho Công ty.

Tuy nhiên, ông Tấn cho hay, theo công văn của BIDV Quảng Nam thì khoản vay của ông Liên đã thành nợ quá hạn kể từ tháng 12/2016 và hiện đã chuyển sang nợ xấu, sẽ không được Nhà nước cấp bù lãi suất.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tuyên bản án phúc thẩm đối với việc kiện tụng về sự cố máy chính của tàu nhưng bên Công ty Liên Á (đơn vị cung cấp máy chính), chịu trách nhiệm đền bù tổn thất máy chính cho ông Liên hiện nay vẫn chưa thực hiện thi hành án.

Trong báo cáo ngày 30/5 của Sở NN-PTNT do ông Ngô Tấn ký gởi UBND tỉnh Quảng Nam về giải quyết vướng mắc liên quan đến tàu cá vỏ thép QNa 94679TS: “Sở NN-TNT đã có văn bản đôn đốc Chi cục Thi hành án dân sự quận Cầu Giấy (Hà Nội), nơi có trụ sở của Công ty Liên Á, cơ quan được ủy quyền tổ chức thi hành án đề nghị khẩn trương thi hành án và vụ việc dự báo Công ty Liên Á có thể tiếp tục kháng nghị lên Tòa án cấp cao, nên có thể kéo dài thời gian thực hiện”.

Theo đánh giá của BIDV Quảng Nam, trong tình hình hiện nay, chủ tàu Trần Văn Liên không có khả năng trả nợ cho Ngân hàng. Đồng thời, theo quy định về cho vay hiện hành của ngân hàng, đối với các khoản vay quá hạn thì ngân hàng không thể tiếp tục giải ngân.

Do vậy, kết luận của BIDV Quảng Nam là không thể tiếp tục giải ngân cho khoản vay đóng mới tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67 của chủ tàu Trần Văn Liên.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Nam, để đảm bảo quyền lợi của các bên và để tàu cá vỏ thép QNa 94679TS có thể hoàn thiện để vươn khơi khai thác, giảm tổn thất và tăng hiệu quả sử dụng; Sở đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 67 của tỉnh cho phép chuyển giao tàu cá QNa 94679TS cho chủ tàu mới nhận tàu, nhận nợ theo Nghị định số 17/2018 của Chính phủ và Thông tư số 12/2018 của Ngân hàng Nhà nước.

Về vụ tàu của ông Trần Văn Liên, Dân trí đã có nhiều bài viết đề cập đến vụ việc. Tàu vỏ thép của ông Trần Văn Liên do Công ty Bảo Duy đóng, Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á cung cấp máy chính. Khi tàu hoàn thành, vừa chạy được một đoạn thì chết máy. Phía công ty Liên Á tiến hành kiểm tra máy thì thấy lốc máy bể.

Sau sự việc, ông Liên gửi đơn kiện đến Tòa án. Cuối tháng 8/2017, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tuyên Công ty Bảo Duy phải bồi thường cho ông Liên số tiền 2,8 tỷ đồng. Sau đó, phiên tòa phúc thẩm vào cuối tháng 1/2018, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên Công ty Liên Á phải bồi thường, khắc phục sự cố hỏng máy. Phía Công ty Liên Á không chịu bồi thường mà đề nghị giám đốc thẩm.

Trong khi đó, con tàu vẫn đang nằm ở vịnh Thọ Quang (Đà Nẵng) từ ngày này sang tháng khác, gia đình ông Trần Văn Liên thêm lao đao. Công ty Bảo Duy làm đơn kêu cứu, đề nghị chính quyền, ngành chức năng can thiệp để ông Liên nhận tàu, hoàn trả khoản nợ đóng tàu nhưng nay vụ việc vẫn chưa có hồi kết.

Công Bính