1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ sập cầu Ghềnh: Chưa có thiệt hại về người

(Dân trí) - Thợ lặn chưa phát hiện thi thể nào, như vậy thiệt hại về con người đến thời điểm này là chưa có. Thiệt hại về vật chất thì hiện chưa đánh giá được. Đây là thông tin được đưa ra từ cuộc họp báo do Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức.

Chiều ngày 20/3, Tỉnh ủy Đồng Nai đã họp báo khẩn về vụ sà lan đâm gãy cầu Ghềnh. Ông Đặng Mạnh Trung, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Vào lúc 11h30 ngày 20/3, một sà lan chở cát do 1 đầu đẩy di chuyển từ Hiệp Hòa qua cầu Ghềnh về cầu Hóa An thì va chạm vào mố cầu số 2 khiến mố cầu này rớt và chìm xuống sông. Lực lượng thợ lặn PCCC đã lặn kiểm tra và cho biết, đầu đẩy này đã nằm dưới lòng sông.

Tại nhịp cầu số 3 còn 3 xe mô tô vướng lại, chủ nhân 3 xe mô tô này đã được cứu thoát. Còn 2 tài công đã nhảy xuống sông và được người dân cứu bơi vào bờ, nhưng sau đó đã tìm đường về quê.

Hiện nay, thợ lặn chưa phát hiện thi thể nào, như vậy thiệt hại về con người đến thời điểm này là chưa có. Cũng theo ông Trung, nguyên nhân vụ việc đang được xác minh, làm rõ.

Quần thảo tìm xem còn nạn nhân nào mất tích
Quần thảo tìm xem còn nạn nhân nào mất tích

Vụ việc đã làm mất điện, nước ở khu vực hai bên đầu cầu. Mặt khác, hiện nay, lịch chạy tàu rất dày trong khi tuyến đường sắt qua cầu Ghềnh là huyết mạch của tuyến đường sắt Bắc Nam. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cũng đã đề ra phương án trung chuyển hành khách bằng đường bộ về các ga Biên Hòa, Sóng Thần (Bình Dương).

Ông Trung cho biết: “Chúng tôi sẽ trung chuyển khách chạy tuyến Hà Nội – Biên Hòa và hành khách ở ga Biên Hòa về ga Sóng Thần, khách từ TPHCM đi các ga hướng Hà Nội cũng sẽ được trung chuyển về các ga Biên Hòa, Hố Nai, Long Khánh, Trảng Bom…”.

Lực lượng công an phòng tỏa hiện trường để điều tra vụ việc
Lực lượng công an phòng tỏa hiện trường để điều tra vụ việc

Trong khi đó, Đại tá Trần Tuấn Triệu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi đã xác định được tàu kéo mang biển số SG-3745, sà-lan chứa khoảng 800 tấn cát chở từ tỉnh Long An lên. Sà-lan cũng được xác định có biển SG-5984”.

Ông Triệu cho biết, việc xác định được biển số sà-lan gây tai nạn là do mảnh vỡ mang theo biển số sau khi gây tai nạn đã vỡ ra và trôi theo dòng sông và người dân đã thu thập được. Chủ sà-lan này có 2 tài công trên ca nô đã nhảy xuống sông, qua phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa và tìm tới một bãi cát và xin đường về quê. Hiện tại, cơ quan chức năng đã liên hệ được với chủ chiếc sà lan.

Cũng theo đại tá Triệu, Bộ Công an sẽ vào cuộc điều tra vụ việc. Khâu trục vớt sẽ do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, Cảnh sát PCCC Đồng Nai và TP.HCM phối hợp thực hiện.

TPHCM huy động tổng lực để đảm bảo thông tuyến đường sắt Bắc - Nam

Chiều 20/3, Tổng công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã tổ chức họp khẩn để ứng phó với sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) làm tê liệt hệ thống đường sắt Bắc Nam. Hiện tại tuyến đường sắt này bị tắt từ ga Dĩ An về ga Sài Gòn nên hành trình các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam chỉ đến ga Biên Hòa là quay đầu. Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải Sài Gòn cho biết, trong ngày hôm nay (20/3) dự kiến có khoảng 1.500 hành khách xuất phát từ ga Sài Gòn. Để giải tỏa hành khách xuất bến tại ga Sài Gòn, Trung tâm Vận tải Hành khách công cộng và Sở GTVT TPHCM đã cho một số xe khách, xe buýt đưa khoảng 350 hành khách xuống ga Biên Hòa, để tiếp tục lên tàu đi theo lịch trình.

Đồng thời, những xe này sẽ đưa khách từ Biên Hòa về Sài Gòn. “Từ chiều đến tối, công ty sẽ tiếp tục cho xe đưa hành khách của 4 chuyến tàu đi Biên Hoà để tiếp tục hành trình. Trong những ngày cầu Ghềnh đang gặp sự cố, chúng tôi cũng đề nghị hành khách nên mang theo hành lý đơn giản để tiện cho việc trung chuyển”, ông Văn nói. Ông cũng cho biết là ga Sài Gòn vẫn bán vé bình thường, đến giờ sẽ có xe buýt đưa hành khách xuống ga Biên Hòa (Đồng Nai) rồi lên tàu đi tiếp.

Tuy nhiên, thời gian có thể trễ hơn bình thường ít nhiều. Nếu hành khách không có nhu cầu đi tàu nữa có thể trả lại vé, không mất phí. Ông Văn cho biết thêm, trung bình mỗi ngày có 9 chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn với khoảng hơn 2.000 hành khách.

Trong chiều 20/3, có khoảng 50 hành khách trả lại vé tàu. Có mặt tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa chỉ đạo, các đơn vị liên quan phải phối hợp kịp thời, chặt chẽ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và tỉnh Đồng Nai để tổ chức đưa đón bà con đi lại thuận tiện an toàn. Phải gửi lời xin lỗi hành khách vì sự bất tiện do sự cố sập cầu. Phải xây dựng phương án hỗ trợ bà con tốt nhất cho đến khi khắc phục xong sự cố. “Ngành đường sắt thành phố phải có thông báo chính thức về sự cố và phương án ứng phó lên phương tiện thông tin đại chúng để bà con biết. Tổ chức xe trung chuyển thì phải tặng nước, tặng khăn cho bà con, đảm bảo ăn uống… Có vấn đề gì phát sinh cần báo cáo để thành phố có chỉ đạo kịp thời”, ông Khoa nói.

Vĩnh Thủy