1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ nữ sinh đeo biển “ăn trộm”: Trách nhiệm bảo vệ trẻ em bị bỏ ngỏ?

(Dân trí) - “Sự việc nữ sinh bị ép đeo biển “ăn trộm” là hành vi không thể chấp nhận của người lớn hành xử đối với trẻ em, vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Những cơ quan bảo vệ trẻ em cũng đang không thực hiện đủ trách nhiệm của mình”…

Đó là ý kiến của bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), về sự việc một nữ sinh nhỏ tuổi bị ép đeo biển “Tôi là người ăn trộm” tại một siêu thị ở Gia Lai, đang gây nhiều bức xúc trong dự luận những ngày qua.

Thưa bà, sự việc đang được cơ quan đang xem xét khởi tố. Tuy nhiên, vài ngày trước đây, khi bức ảnh về nữ sinh nhỏ tuổi này đang đeo biển “ăn trộm” xuất hiện trên mạng, đã có những luồng dư luận trái chiều. Một bên phản đối gay gắt hành động bôi nhọ nhân phẩm, cho đây là việc làm quá ác độc so với tội lỗi của cô bé. Cũng có ý kiến rằng tội trộm cắp phải được trừng trị thích đáng để nêu gương. Ý kiến của bà về việc này ra sao?

Qua sự việc có thể thấy rõ, đây là hành vi làm nhục trẻ em, vi phạm quyền trẻ em, quyền con người, không thể chấp nhận được. Qua sự việc cũng có thể thấy hiểu biết về pháp luật cũng như ý thức tuân thủ pháp luật nói chung của người dân còn ở mức thấp. Cụ thể, tôi cho rằng siêu thị này không có quyền đưa ra bất cứ một quy định nào về xử phạt. Mọi hành vi được coi là vi phạm muốn xử phạt đều phải tuân thủ quy định điều tra, xử phạt theo luật. Như ở siêu thị này phải tuân thủ quy định pháp luật, khi phát hiện sự việc (nếu nghiêm trọng ) có thể mời đến cơ quan chức năng địa phương để giải quyết giải quyết.

Tôi được biết trong vụ việc này, thậm chí người lớn cũng tán thành theo cách xử lý của người bảo vệ đã làm nhục nữ sinh. Cái “lý” của người lớn cho rằng “Yêu cho roi vọt” hay “phải xử phạt nặng” để giáo dục những đứa trẻ hư… Có thể hiểu ở góc độ bức xúc về tình cảm, nhưng họ thiếu đi sự hiểu biết về pháp luật cũng như trái tim yêu thương đối với con người nói chung và trẻ em nói riêng.

Vụ nữ sinh đeo biển “ăn trộm”: Trách nhiệm bảo vệ trẻ em bị bỏ ngỏ?
Nữ sinh nhỏ tuổi bị trói tay, bị đeo tấm biển "ăn trộm" trong siêu thị. Người chụp ảnh, tung ảnh lên mạng cũng chính là người trói tay, bắt nữ sinh đeo biển.

Không thể phủ nhận thực tế trong những năm gần đây, xã hội ta đang xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề đáng lo ngại ở nhóm trẻ vị thành niên. Liên tục có những clip quay cảnh các em đánh nhau, không ít trẻ em liên tiếp có hành vi trộm cắp đồ ở siêu thị, nhà hàng… Đây có phải những báo động về tâm lý của các em phản ánh thực trạng đạo đức xã hội đang đi xuống?

Chúng tôi đã thực hiện một số điều tra về tâm lý ở trẻ em và nhận thấy khá nhiều trẻ em coi chuyện lấy trộm đồ ở siêu thị hay nhà hàng là chuyện bình thường. Không phải vì nhà các em nghèo hay thiếu thốn. Đơn giản chỉ vì lúc đó trẻ cảm thấy thích món đồ đó. Trẻ không ý thức được rằng hành vi đó là vi phạm pháp luật. Do đó, việc giáo dục ở gia đình, của người lớn đối với trẻ em là rất quan trọng. Bởi gia đình chính là nơi các em được cha mẹ giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật. Rất đáng lo ngại là hiện nay xã hội đang diễn ra ngày càng nhiều tội ác, những hành vi vi phạm pháp luật ở người lớn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến tâm lý của các em.

Về vấn đề luật pháp, chúng ta đã và đang thi hành Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, tôi đã đến hỏi nhiều địa phương, nhưng nhiều người dân kể cả cơ quan chính quyền nơi đó rất “hồn nhiên” cho biết chưa nắm, chưa biết nhiều Luật. Do đó, để Luật được phát huy trong xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực tế đến tận những người dân chứ không chỉ là hô hào chung chung.

Trong Luật cũng giao trách nhiệm cho những cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em như: Cục bảo vệ trẻ em, Hội bảo vệ quyền trẻ em… với nhiều cán bộ ăn lương để hoạt động. Theo bà, những cơ quan chức năng này đã làm trong vai trò, chức năng của mình?

Tôi nói ra có thể các cơ quan chức năng không hài lòng. Nhưng rõ ràng các vụ việc trẻ em bị bạo hành bây giờ nhiều quá. Nhiều đến mức khiến người ta không thể đặt câu hỏi: Họ - những công chức hưởng lương đã và đang làm gì? tròn trách nhiệm chưa? Có phải do chế tài hình thức xử lý, quy trách nhiệm chưa đến nơi đến chốn? Rõ ràng các cơ quan chức năng chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

Trân trọng cảm ơn bà!

Trao đổi với PV Dân trí, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, khẳng định: Hành vi nhân viên bảo vệ ép nữ sinh nhỏ tuổi bị ép đeo biển “ăn trộm” đã vi phạm điều 31, Nghị định 144/2013/NĐ - CP. Nghị định này đã quy định rõ:  Cấm lăng nhục, chửi, mắng và bắt làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

Hành vi này cũng vi phạm nghiêm trọng đến Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Qua đây, Hội chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sẽ xử lý thật nghiêm những đối tượng có hành vi xâm hại đến trẻ em.

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm