Gia Lai:
Vụ bắt nữ sinh đeo biển “ăn trộm”: Chỉ nghĩ làm cho vui (!)
(Dân trí) - Chiều 14/4, bà Nguyễn Thị Thu Ba, chủ siêu thị xảy ra vụ bắt nữ sinh đeo biển “Tôi là người ăn trộm” cho biết, khi xảy ra sự việc, bà không ở siêu thị nên không hề biết. Bảo vệ trói, bắt nữ sinh đeo biển thì nói chỉ nghĩ làm vậy cho... vui!
Bà Ba - chủ siêu thị Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) - cho biết, lúc xảy ra sự việc là trưa ngày 10/4; hôm đó bà chỉ có mặt ở siêu thị một lúc buổi sáng rồi bà ra chợ Chư Sê để quản lý tiệm vàng và thuốc tây. Người quản lý trực tiếp siêu thị là con trai bà nhưng anh này cũng đang đi công tác ở dưới huyện Krông Pa từ ngày hôm trước (9/4) và đến ngày 11/4 mới về. Sự việc nhân viên trong siêu thị bắt cô bé đeo tấm biển “Tôi là người ăn trộm” và trói tay cô bé này vào lan can cầu thang, bà và con trai không hề biết, cũng không nghe nhân viên lúc đó báo cáo gì.
Bà Ba cho biết, siêu thị của bà có 32 nhân viên, khi xảy ra sự việc, không có ai đến can ngăn vì ở đây mỗi người phụ trách mảng công việc riêng, phần việc của bảo vệ thì bảo vệ tự xử lý. Sau khi xảy ra sự việc, bà Ba đã gọi Hải lên và Hải đã thừa nhận việc mình làm. Bảo vệ này giải thích: “Cháu chỉ nghĩ làm cho vui thôi chứ không nghĩ sự việc như vậy”. Ngay ngày hôm sau (11/4) Hải đã tự động nghỉ việc.
Cũng theo bà Ba, trong siêu thị có camera nhưng bà chưa xem lại sự việc đúng sai thế nào vì bà... rất bận (!). Bản thân bà cũng chưa biết nhà cháu S. ở đâu, chưa liên lạc gì với nhà cháu S., chỉ có gia đình S. liên lạc với bà và đến tận nơi để xin lỗi bà về việc làm của S. “Cô nghe sự việc cô cũng giật mình và thấy đau lòng. Quy định của siêu thị là nếu có trường hợp mất trộm thì sẽ phạt 1 gấp 10 lần”, bà Ba cho biết.
Chiều cùng ngày, PV liên lạc qua điện thoại với bảo vệ Hải để tìm hiểu rõ hơn về sự việc thì anh này nói đang đi công việc xa, không ở Chư Sê, rồi tắt máy.
Là người giúp cha mẹ S. lên nộp phạt cho siêu thị, ông Nguyễn Ích Khánh - bạn của cha mẹ S. - cho biết, trưa ngày xảy ra sự việc ông có nhận được điện thoại của cha mẹ S. nhờ lên siêu thị nộp phạt 200 nghìn đồng để cứu S. ra; vì nhà ông Khánh nằm gần siêu thị trên, còn cha mẹ S. đang ở rẫy chưa về kịp. Khi ông Khánh lên thì thấy S. đang bị nhốt trong một căn phòng và ông đưa 200 nghìn đồng cho siêu thị rồi chở S. về nhà. Khi đưa S. về nhà, tâm lý của cô bé rất hoảng sợ, run lập cập, khóc lóc và đòi chết.
Bà Phạm Thị Lan vợ ông Khánh thấy 2 cổ tay S. bị lằn đỏ nên gặng hỏi thì S. nói bị bảo vệ trói tay. S. nói cháu chỉ cầm 2 quyển sách trên tay và không biết cổng bảo vệ sẽ báo động. Chiều cùng ngày, S. được gia đình chở đến trường đi học, một lúc sau, S. đi bộ về nhà bà Lan khóc lóc, run sợ và đòi chết chứ không chịu đi học vì bị một số bạn trên trường trêu chọc. Và S. cũng đòi bỏ học.
“Dù sao thì con tôi cũng sai, vợ chồng tôi cả ngày làm rẫy nhưng không bao giờ dạy con đi ăn cắp. Gia đình tôi rất xấu hổ với mọi người, con bé đi học thì bị các bạn trường khác trêu chọc nên gia đình luôn động viên, giám sát cháu vì sợ điều không hay xảy ra. Bản thân nhà tôi không muốn làm to chuyện lên làm gì, về phía siêu thị họ cũng chưa nói gì với nhà tôi”, gia đình cháu S. cho biết.
Thiên Thư