1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ nhà báo Hoàng Hùng: Vì sao bà Liễu, nhân chứng thay đổi lời khai?

Việc xác định cửa tầng trệt nhà của anh Hoàng Hùng đóng hay mở vào thời điểm xảy ra vụ án, các thao tác đốt chồng của bà Liễu cực kỳ quan trọng vì qua đó sẽ thể hiện có hay không có đồng phạm trong vụ án.

 Tuy nhiên, lời khai bà Liễu cũng như các nhân chứng thay đổi liên tục và mâu thuẫn đến khó hiểu. 

 

Bà Trần Thúy Liễu (vợ cố nhà báo Lê Hoàng Hùng) khai với cơ quan điều tra là đã dùng tờ báo cuộn tròn lại để mồi lửa và quăng vào giường nhà báo Hoàng Hùng sau khi đã quăng bịch xăng vào. Tờ báo có diện tích bao nhiêu, được cuộn lại như thế nào thể hiện qua lời khai của bà Liễu được “biến hình” liên tục.

 

Lúc thì xé 1 tờ báo cuộn tròn lại, lúc thì xé hơn ½ tờ báo, nhồi lại còn khoảng 1 tấc (10cm)...  Những lần sau đó, xuất hiện lời khai “tờ báo vò lại’’ và nhiều lời khai chỉ nói dùng tờ báo để châm lửa mà thôi (kể cả trong kết luận điều tra).

 

Vậy tờ báo được dùng là ½ tờ, 1 tờ hay hơn 1 tờ? Có được cuộn, vò, hay bóp lại hay để vậy? Xác định được điều này sẽ xác định được tờ báo liệu có đáp trúng mục tiêu khi ném cách xa 2m hay không? Điều này đã không được cơ quan điều tra làm rõ.

 

Một chi tiết quan trọng trong vụ án là bà Liễu không hề hấn gì sau khi quăng xăng, châm lửa đốt nhà báo Hoàng Hùng. Vậy bà đã dùng những thao tác gì, nhanh gọn đến mức nào để có thể an toàn 100% như vậy? Lời khai này của bà trong hồ sơ vụ án cũng thay đổi liên tục về trình tự mở nút bịch xăng, châm lửa vào tờ báo, cho hộp quẹt vào túi quần...

 

Đáng chú ý nhất là có lúc bà khai ném bọc ni lông đựng xăng vào giường, lúc thì hất xăng vào. Ném và hất là hai hành động hoàn toàn khác nhau và sẽ cho kết quả cháy khác nhau. Cơ quan điều tra có làm rõ sự khác biệt này?

Vụ nhà báo Hoàng Hùng: Vì sao bà Liễu, nhân chứng thay đổi lời khai? - 1
Bà Liễu đã ném hay hất xăng để gây ra một vụ cháy khủng khiếp như thế này?
 

Thậm chí, lời khai về mức độ mâu thuẫn gia đình trong gia đình nhà báo Hoàng Hùng cũng không thống nhất trong các lời khai.

 

Bà Liễu luôn khẳng định hay bị nhà báo Hoàng Hùng đánh đập nhưng không than phiền với ai. Tuy nhiên, cũng chính bà khai: “những lần gọi điện thoại hay gặp nhau, tôi tâm sự hoàn cảnh gia đình, Tâm đặt vấn đề với tôi và tôi cũng cảm thấy mình bị thiếu thốn nên đồng ý cho Tâm thương tôi’’.

 

Những lời khai trước đây, cháu Lê Hồng Nhung (và cả cháu Lê Hồng Châu) luôn khẳng định, “giữa ba và mẹ tôi sống hòa thuận, ít khi cãi nhau, thời gian gần đây không có cự cãi hay mâu thuẫn gì’’. Tuy nhiên, sau đó, Nhung khai “giữa ba và mẹ tôi có cự cãi đánh nhau 2-3 lần…”.

 

Quan trọng hơn, sau khi xảy ra cháy, Nhung khai “mẹ đang nói chuyện điện thoại với ai đó’’ (theo những lời khai của Châu và Nhung thể hiện, người điện thoại gọi cấp cứu và gọi cho người thân bà Liễu là Châu và Nhung - PV), nhưng về sau Nhung  lại khai: ‘’khi xảy ra cháy, tôi thấy mẹ cầm điện thoại’’.

 

Cũng như vậy, lời khai của bà Trần Thúy Loan (chị ruột, sống cạnh nhà bà Liễu) về mối quan hệ vợ chồng của nhà báo Hoàng Hùng cũng thay đổi. Lúc thì không có mâu thuẫn gì, lúc thì “nghe bên nhà Liễu có tiếng cự cãi, đánh nhau, tôi qua can ngăn’’.

 

Vụ nhà báo Hoàng Hùng: Vì sao bà Liễu, nhân chứng thay đổi lời khai? - 2
Cửa tầng trệt căn nhà của anh Hoàng Hùng vào thời điểm xảy ra vụ án đóng hay mở?

Ảnh chụp vào tháng 2-2011

 

Về xác định cửa tầng trệt đóng hay mở khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt rất quan trọng để xác định bà Liễu có đồng phạm hay không. Thời điểm xảy ra cháy, có 3 nhân chứng quan trọng tham gia chữa cháy đó là ông Trần Văn Mến (cha ruột bà Liễu), Nguyễn Công Anh, Trần Trọng Nghĩa. Tuy nhiên, lời khai của ba nhân chứng này về việc cửa đóng hay mở thay đổi liên tục và không thống nhất với nhau.

 

Đặc biệt, lời khai của ông Mến còn không thống nhất với lời khai của anh Phạm Tuấn Phước (con rể bà Trần Thúy Nga, chị bà Liễu) về việc đóng mở cửa sân thượng.

 

Anh Phước khai: “ông ngoại (ông Mến) kêu tôi đi cùng lên lầu xem có ai không. Khi lên tới sân thượng thì phát hiện cửa sân thượng ra phía sau mở ra bên ngoài, tôi có đi ra nhưng không thấy ai. Sau đó tôi có hỏi Nhung thì Nhung nói cửa ra phía sau sân thượng hôm trước Nhung và sau đó là Châu đã bóp khóa lại’’. Nhung cũng khẳng định việc này, chỉ có ông Mến cho rằng không phát hiện điều gì.  

 

Sự thật chỉ có 1 nên lời khai cũng phải chỉ có 1. Vậy tại sao từ bà Liễu đến các nhân chứng đều thay đổi lời khai liên tục. Phải chăng những thay đổi trong các lời khai này hướng đến mục đích chứng minh bà Trần Thúy Liễu là hung thủ duy nhất  và động cơ giết người chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng? Lời khai nào sẽ có giá trị nhất để cơ quan công an căn cứ vào đó kết luận vụ án?

 

Theo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm