1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ máy bay rơi lốp: Hơn 200 hành khách an toàn vì xử lý thoát hiểm kịp thời!

(Dân trí) - Máy bay chở hơn 200 hành khách và phi hành đoàn hạ cánh an toàn xuống Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khi mất cả 2 bánh ở càng trước là vô cùng hi hữu và may mắn. Mặc dù đánh giá cao về quy trình thoát hiểm, nhưng nhiều người cũng cho rằng tổ lái có thể tính phương án tốt hơn để "tránh" sự cố.

70% tai nạn xảy ra khi máy bay hạ cánh

Trao đổi với PV Dân trí sáng 1/12, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - nhấn mạnh: “Đây là sự cố uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay. Trong sự cố này, không có lỗi kỹ thuật mà do yếu tố con người. Trong hộp đen có đầy đủ dữ liệu, vì vậy nguyên nhân sự cố và mọi thông tin về chuyến bay sẽ rõ ràng khi có kết quả phân tích hộp đen.”.

Giải thích về việc Cục Hàng không không xếp loại sự cố nghiêm trọng này là tai nạn máy bay, ông Đinh Việt Thắng thông tin: Theo phân loại sự cố của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), sự cố máy bay xếp là tai nạn khi có 1 trong 4 yếu tố là thiệt hại về người, máy bay hỏng toàn bộ không thể khắc phục được hoặc kết cấu chính hỏng hoàn toàn, máy bay mất tích, người bị thương phải nằm viện quá 48 tiếng. Sự cố máy bay của Vietjet không có những yếu tố này.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho rằng, toàn bộ hành khách trên chuyến bay gặp sự cố đã may mắn thoát nạn an toàn. Theo thống kê, 70% vụ tai nạn xảy ra trong giai đoạn máy bay hạ cánh, trong đó nguyên nhân do yếu tố con người chiếm tỷ trọng lớn.

Chuyến bay VJ356 gặp sự cố tối 29/11
Chuyến bay VJ356 gặp sự cố tối 29/11

Đặc biệt, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá cao quy trình thoát hiểm rất bàn bản, bình tĩnh mà phi hành đoàn đã triển khai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 207 hành khách trên chuyến bay, cùng đó là sự phối hợp nhanh chóng của lực lượng cứu hộ cứu nạn tại sân bay, thực hiện sơ tán hành khách và đưa người bị chấn thương tới bệnh viện.

“Khi sự cố xảy ra, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã thoát hiểm an toàn theo đúng quy trình. Máy bay bị mất bánh, phần càng trước cày xuống đường băng nên không di chuyển được, vì vậy lực lượng cứu hộ phải triển khai phương án đưa 2 xe kéo từ sân bay Tân Sơn Nhất và Cam Ranh lên Buôn Ma Thuột để thực hiện giải phóng máy bay khỏi đường băng…

Tất cả được phối hợp thực hiện nhanh chóng trong thời gian rất ngắn. Cục Hàng không Việt Nam biểu dương sự vào cuộc tích cực, kịp thời của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, lực lượng công an, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi sự cố xảy ra.” - ông Thắng cho hay.

Phi công có thể tránh được sự cố?

Máy bay chở hơn 200 hành khách và phi hành đoàn hạ cánh an toàn xuống Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khi mất cả 2 bánh ở càng trước là vô cùng hi hữu và may mắn.

Sau khi nhà chức trách loại bỏ lỗi kỹ thuật trong sự cố, vấn đề được tập trung vào yếu tố con người, trong đó 2 thành viên tổ lái là nhân tố chính. Ngày 29/11, điều hành chuyến bay VJ 356 gặp sự cố là 2 phi công nước ngoài, trong đó cơ trưởng là người Philippines và cơ phó là người Tây Ban Nha.

Chia sẻ với PV Dân trí, một phi công cơ trưởng có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết, khi hạ cánh gặp sự cố thì 2 trường hợp có thể xảy ra là máy bay bị xông ra ngoài đường băng hoặc máy bay bị cháy do càng xuyên vào cánh.

Cả 2 bánh máy bay bị văng khỏi càng trước trong sự cố vừa xảy ra
Cả 2 bánh máy bay bị văng khỏi càng trước trong sự cố vừa xảy ra

Theo vị phi công cơ trưởng nhiều kinh nghiệm, trong quy chuẩn của ICAO, khi máy bay tiếp cận hạ cánh, từ khoảng cách với đường băng tối đa 300m (đo bằng máy, khí tài) và tối thiểu 170m (đo bằng mắt thường), nếu nhận định tình hình không ổn định để hạ cánh thành công thì tổ lái phải bay lại, nghĩa là cho máy bay bay ngược lên trời và thực hiện quy trình hạ cánh mới. Với sự cố vừa xảy ra, máy bay bị mất thăng bằng khi tiếp cận đường băng, việc này phi công có thể chủ động đánh giá sớm hơn và thực hiện hạ cánh lần 2.

Đề cập tới việc càng trước của máy bay mất cả 2 bánh, vị phi công này cũng tỏ ra bất ngờ. Theo ông, về nguyên tắc, khi máy bay hạ cánh phi công phải cho bánh sau tiếp đất trước, khi trọng lực của máy bay đảm bảo được sự cân bằng nhất định thì mới hạ càng trước của máy bay xuống đất, ở đây có thể phi công đã cho cả bánh trước và bánh sau tiếp đất đồng thời hoặc cũng có thể là càng trước tiếp đất trước.

“Phải là một cú giáng càng trước rất mạnh thì 2 bánh mới bị văng đi. Thông thường, nếu càng trước mất 1 lốp thì lốp còn lại vẫn có thể đảm bảo để hạ cánh an toàn, nhưng ở đây máy bay bị mất cả 2 lốp ở càng trước là rất hiếm gặp và rủi ro là rất lớn, việc tránh được tai nạn máy bay trong trường hợp này là vô cùng may mắn.

Nếu máy bay bị sập càng trước thì chỉ tổ lái gặp nguy hiểm, nhưng nếu bị sập càng sau (càng chính) thì nguy hiểm uy hiếp tới cả chuyến bay. Càng sau nằm dưới cánh máy bay và thùng chứa nhiên liệu nên khi bị tác động mạnh có thể dẫn tới cháy nổ.” - phi công cơ trưởng cho hay.

Vị phi công cơ trưởng nhiều kinh nghiệm cũng cho rằng, để đánh giá đầy đủ về sự cố vừa xảy ra cần phải chờ kết quả phân tích hộp đen, phân tích các dữ liệu về chuyến bay này.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm