1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ máy bay hạ cánh nhầm: Do phi công lẫn đường băng và đường lăn!

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, nguyên nhân dẫn tới sự cố máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường băng ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 29/4 do tổ lái nhầm lẫn giữa đường băng và đường lăn, chưa tìm hiểu kỹ sơ đồ sân bay và không thực hiện tốt phương thức hạ cánh bằng mắt.

Đường băng chưa khai thác được sơn kẻ như đã hoạt động

Theo kết quả điều tra sự cố vừa được Cục HKVN công bố chiều tối ngày 2/5, tất cả hành khách đều an toàn và không gặp vấn đề về sức khỏe. Đối với máy bay, động cơ số 1 bị hư hỏng các tầng cánh quạt, miệng hút do hút các vật ngoại lai như sỏi, đá, các tấm, mảnh tôn.

Các phần chính của động cơ bao gồm máy nén, buồng đốt, turbine đang được soi và tiếp tục đánh giá. Các cánh tà trước của cánh trái bị hư hỏng nhẹ.

Vietnam Airlines đang tiếp tục kiểm tra và đánh giá các bộ phận khác của máy bay. Sự cố không gây thiệt hại đối với hạ tầng và trang thiết bị của sân bay.

Kết luận sơ bộ của Tổ điều tra cho thấy, nguyên nhân chính của sự cố là do sau khi thực hiện phương thức tiếp cận đường cất hạ cánh, tổ lái quan sát thấy đường băng số 1 nhưng lại xác định đó là đường lăn và tưởng đường băng số 2 đang xây dựng là đường băng khai thác.

Bên cạnh đó, tổ lái cũng chưa tìm hiểu kỹ về sơ đồ sân bay và không thực hiện tốt phương thức hạ cánh bằng mắt, không chú ý hệ thống đèn dẫn đường.

Sự cố hạ cánh nhầm đường băng xảy ra ngày 29/4
Sự cố hạ cánh nhầm đường băng xảy ra ngày 29/4

Tổ điều tra cũng đánh giá, việc tổ lái đã quyết định tiếp tục hạ cánh sau khi máy bay tiếp đất là phù hợp. Các phi công đã nhanh chóng điều khiển tàu bay dừng khẩn cấp, tránh chướng ngại vật và đưa máy bay dừng lại trên đường băng.

Ngoài ra, Tổ điều tra cũng nhận xét về các yếu tố khách quan tác động dẫn đến sự cố. Cụ thể, dù đường băng số 2 đã được thể hiện trên sơ đồ sân bay bằng cách xoá bỏ các gạch chéo theo quy định nhưng các dấu sơn kẻ trên công trường đang xây dựng dễ gây nhầm lẫn cho tổ lái.

Trong khi đó, hoạt động quan sát từ Đài kiểm soát không lưu (KSKL) chưa được thực hiện đầy đủ để cảnh báo, hỗ trợ kịp thời cho tổ lái trong giai đoạn tiến sát đến đầu đường băng và tiếp đất.

“Siết” chặt an toàn hàng không

Đối với Vietnam Airlines, Cục HKVN yêu cầu người lái tăng cường công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo có đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay, nghiên cứu kỹ sơ đồ của sân bay hạ cánh. Trong quá trình bay, khi điều kiện cho phép, phải liên lạc sớm với Đài KSKL của sân bay đến để lấy thông tin khí tượng, phương thức và đường hạ cánh để có đầy đủ thời gian chuẩn bị.

Người lái phải tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra chéo các thông tin quan trọng, như các huấn lệnh quan trọng, thông tin về đường băng, đường lăn được sử dụng trong quá trình bay. Nghiêm túc thực hiện đầy đủ công tác hội ý tổ lái (briefing) về phương thức cất hạ cánh và các phương thức đặc biệt khác.

Tăng cường tổ chức huấn luyện nhằm nâng cao năng lực nhận thức, đánh giá tình huống cho người lái. Yêu cầu người lái tăng cường công tác báo cáo tự nguyện các trường hợp, hiện tượng bất thường có khả năng gây nhầm lẫn cho người lái và có nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Đặc biệt, Cục HKVN tiếp tục đình chỉ tổ lái liên quan đến sự cố để phục vụ công tác điều tra cho đến khi có kết luận và biện pháp xử lý chính thức.

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Cục HKVN yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo an ninh, an toàn đối với chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công đường băng số 2.

Áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để thông báo và cảnh báo tình trạng chưa sử dụng của đường băng này cho các hãng hàng không khai thác đến Cam Ranh. Kiểm tra và đảm bảo tình trạng sơn, kẻ theo đúng tiêu chuẩn, thường xuyên thực hiện việc tẩy vệt cao su đối với đường băng đang sử dụng tại đây. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ an toàn đường băng trong việc sớm nhận dạng và thực hiện các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa rủi ro uy hiếp an toàn hàng không.

Đường băng 02 đang thi công vẫn chưa khai thác tại Cam Ranh
Đường băng 02 đang thi công vẫn chưa khai thác tại Cam Ranh

Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Đài KSKL Cam Ranh, tăng cường công tác giám sát hoạt động của tàu bay trong giai đoạn tiếp cận, hạ cánh cho đến khi tàu bay thoát ly khỏi đường băng để có cảnh báo kịp thời ngăn ngừa các sự cố tương tự có thể xảy ra.

Đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông UBND tỉnh Khánh Hòa, Cục HKVN yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp tổ chức thi công, đảm bảo an toàn, an ninh đã được Cục HKVN phê duyệt. Phối hợp với cảng Cam Ranh áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để thông báo và cảnh báo tình trạng chưa sử dụng của đường băng số 2 cho các hãng hàng không khai thác đến Cam Ranh.

Đối với Cảng vụ hàng không khu vực và đại diện Cảng vụ HK miền Trung tại Cam Ranh, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn đối với các hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, người khai thác cảng và các chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình trên địa bàn cảng hàng không, sân bay đảm bảo việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong tài liệu khai thác và biện pháp tổ chức thi công được phê chuẩn.

Đối với các cơ quan chuyên môn của Cục HKVN, các đơn vị liên quan thực hiện công tác giảng bình, phổ biến rút kinh nghiệm liên quan đến sự cố cho tất cả người lái tàu bay, kiểm soát viên không lưu và nhân viên liên quan; báo cáo kết quả thực hiện về Cục HKVN trước ngày 10/5.

Cục HKVN yêu cầu Tổ điều tra sự cố, tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra sự cố tai nạn tàu bay BEA - Pháp (quốc gia sản xuất tàu bay) để sớm có kết luận chính thức, làm cơ sở để thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Châu Như Quỳnh