1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vì sao phi công vẫn cho máy bay hạ cánh dù phát hiện nhầm đường băng?

(Dân trí) - Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, khi phát hiện nhầm đường băng, tổ lái VN7344 quyết định tiếp tục cho máy bay hạ cánh là chính xác. Quyết định này tối ưu và an toàn hơn việc cho máy bay bay lên để thực hiện hạ cánh lại.

Trao đổi với PV Dân trí hôm nay (2/5), Cục trưởng Đinh Việt Thắng phân tích: Khu vực xảy ra sự cố là khu vực đang thi công, tại đây có rất nhiều chướng ngại vật nên khó đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

“Khi đi vào khu vực tiếp cận hạ cánh, phương thức hạ cánh tự động của máy bay rất chuẩn và đã xác định hạ cánh xuống đường băng 01, nhưng khó hiểu là cả 2 phi công đều không tin và nhầm tưởng đường băng 01 là đường lăn và quyết định cho máy bay hạ cánh xuống đường băng 02 đang thi công.” - ông Thắng nói.

Tổ lái phát hiện ra bị nhầm đường băng khi máy bay bắt đầu tiếp đất và vẫn quyết định tiếp tục hạ cánh. Về việc này, ông Thắng khẳng định đó là quyết định hoàn toàn chính xác.

“Vào thời điểm đó, có 2 lựa chọn cho tổ lái là tiếp tục hạ cánh hoặc đưa máy bay bay lên để thực hiện hạ cánh lại. Tổ lái quyết định cho máy bay hạ cánh tiếp là hoàn toàn đúng, lí do là đường băng đã làm xong hơn 2km, chiều dài này đủ để đảm bảo cho hoạt động hạ cánh. Nhưng nếu tổ bay quyết định cho máy bay bay lên thời điểm đó thì rất nguy hiểm, vì rất nhiều chướng ngại vật dưới đường băng có thể bị hút vào động cơ máy bay và những thảm họa khôn lường có thể xảy ra.” - ông Thắng cho hay.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay công tác điều tra sự cố chuyến bay VN7344 hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh đã hoàn tất. Lỗi xảy ra sự cố chủ yếu do phi công, nhưng cũng có trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.

“Không riêng hãng bay mà tất cả các đơn vị có liên quan tới việc khai thác chuyến bay VN7344 sẽ bị xử phạt và xử lý trách nhiệm. Riêng tổ bay và đơn vị không lưu tiếp tục bị đình chỉ công tác. Hiện ở Việt Nam có rất nhiều sân bay vừa khai thác vừa thi công, Cục sẽ có các biện pháp “mạnh tay” để chấn chỉnh tình hình và tránh những sự cố tương tự.” - ông Thắng khẳng định.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, năm 2014, một sự cố hàng không tương tự đã xảy ra tại Đức. Khi đó, phi công đã cho máy bay hạ cánh xuống đường băng mới thi công được 1 nửa.

Nhà chức trách hàng không Đức sau khi công bố kết quả điều tra đã có nhiều khuyến cáo và yêu cầu bình giảng, trong đó ngoài hãng hàng không thì nhà chức trách yêu cầu cảng hàng không khi thi công, sửa chữa phải thay đổi màu của đường băng mới thành màu đỏ và sử dụng đèn cảnh báo rõ ràng trên để phi công có thể nhận biết, quán triệt và nhắc nhở liên tục, tránh tái diễn sự cố này...

Như Dân trí đã thông tin, hôm 29/4, chuyến bay VN7344 chở 203 hành khách được điều hành bởi phi hành đoàn gồm 7 thành viên tổ bay từ TPHCM tới sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng đã hạ cánh nhầm xuống đường cất hạ cánh số 02 chưa đưa vào khai thác.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vào thời điểm chuyến bay VN7344 hạ cánh, thời tiết tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh tốt, các hệ thống trang thiết bị liên quan hoạt động bình thường.

Tổ lái hạ cạnh nhầm đường băng đang thi công khi cho rằng đường băng đang khai thác là đường lăn
Tổ lái hạ cạnh nhầm đường băng đang thi công khi cho rằng đường băng đang khai thác là đường lăn

Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ công tác toàn bộ thành viên tổ lái chuyến bay VN7344, cùng toàn bộ kíp trực điều hành bay tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh để phục vụ công tác điều tra; tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật tàu bay để xem xét quyết định việc khai thác tiếp theo.

Sự cố hạ cánh nhầm đường băng được xác định nghiêm trọng mức B, tức là chỉ đứng sau sự cố tai nạn (mức A). Dự kiến, hôm nay kết quả điều tra chính thức về sự cố sẽ được công bố.

Châu Như Quỳnh