Vụ lừa đảo người có công: Kẻ chủ mưu đối mặt nhiều tội danh
(Dân trí) - Theo phân tích của luật sư, kẻ cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ của Bộ và Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng chính sách đối mặt với hàng loạt tội danh và có nhiều tình tiết tăng nặng do nhân thân xấu, từng có tiền án với tội danh liên quan.
Như Dân trí thông tin, Nguyễn Đức Mậu (trú xóm 11, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cùng một số đối tượng đang bị cơ quan chức năng xác minh về hành vi làm giả giấy tờ của Bộ Lao động và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng chính sách.
Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 12/8, Luật sư Phan Chiều, Văn phòng Luật sư An Phát (Hà Tĩnh), khẳng định, kẻ cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản phải đối mặt với hàng loạt tội danh và có nhiều tình tiết tăng nặng do nhân thân xấu, từng bị Toà án kết tội liên quan nhưng không hoàn lương.
Luật sư Chiều khẳng định, thông tin do Dân trí điều tra, phản ánh trong thời gian qua đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, theo dõi của dư luận xã hội. Bởi lẽ đây không phải là một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường mà “tính chất đặc biệt” của vụ án này chính là đối tượng Nguyễn Đức Mậu đã đang tâm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chính những người từng là đồng đội của mình, những người đang được cả xã hội tri ân.
Theo luật sự Chiều, hành vi của Nguyễn Đức Mậu có dấu hiệu phạm tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự.
Chính Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh Võ Xuân Linh đã khẳng định đây là những giấy tờ giả mạo mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo.
Cũng theo luật sư Chiều, mục đích làm giả con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền Bộ, Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh của Nguyễn Đức Mậu là để lừa, buộc đối tượng chính sách phải đưa tiền cho Mậu “chạy” thủ tục, dù trên thực tế hồ sơ của những người này đã đảm bảo, vẫn đang được hưởng chế độ chính sách bình thường. Vì thế, hành vi này của Mậu có dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, Nguyễn Đức Mậu khai nhận có người giúp sức tên là Đức ở Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, đóng giả là Thanh tra Sở LĐ-TB&XH. Như vậy Mậu có đồng phạm trong vụ án này. Vì thế các cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ đồng phạm cụ thể nêu trên, đồng thời cần lãm rõ thêm ai là người làm dấu giả, ai là người soạn thảo văn bản, những người này có biết được việc lừa đảo của Mậu hay không?
Cũng theo luật su Chiều, Mậu có nhân thân xấu, đã từng bị Toà án kết tội liên quan nhưng không chịu hoàn lương mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo; bị hại là những người thuộc đối tượng chính sách, có công với cách mạng. Do vậy các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ, trong trường hợp quá trình điều tra, xác minh có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của Nguyễn Đức Mậu và những đối tượng liên quan cấu thành tội phạm thì nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can để cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, trong buổi làm việc với lãnh đạo Công an huyện Kỳ Anh chiều 10/8, PV Dân trí đã cung cấp toàn bộ tài liệu là các bản thông báo, ghi âm mà Mậu đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Tiếp nhận các tài liệu trên, Thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh cảm ơn sự vào cuộc kịp thời cũng như sự hợp tác, giúp đỡ cơ quan điều tra của phóng viên báo Dân trí liên quan đến vụ lừa đảo này.
Thiếu tá Hải khẳng định, sau khi Dân trí phản ánh vụ việc, Công an huyện đã vào cuộc rất khẩn trương. “Cơ quan điều tra đã gặp gỡ, thu thập tài liệu từ những người bị hại. Riêng đối tượng Nguyễn Đức Mậu đã bỏ trốn khỏi địa phương, chúng tôi vừa xác minh nơi lẩn trốn, vừa vận động gia đình thông tin cho đối tượng trở về phục vụ điều tra, hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng đang xác minh, làm rõ các đối tượng liên quan đến vụ việc” – Thiếu tá Hải cho hay.
Văn Dũng