Vụ lừa đảo người có công tại Hà Tĩnh: Giáp mặt kẻ chủ mưu

(Dân trí) - Trưa 8/8, Nguyễn Đức Mậu - đối tượng đang được điều tra về hành vi làm giả giấy tờ để lừa đảo đối tượng chính sách - đã tìm cách liên lạc với PV Dân trí để... "điều đình" xin bỏ qua!

Như Dân trí đã thông tin, Nguyễn Đức Mậu (trú xóm 11, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cùng một số đối tượng đang được cơ quan chức năng xác minh về hành vi làm giả giấy tờ của Bộ Lao động và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng chính sách.

Trưa 8/8, Nguyễn Đức Mậu đã tìm cách liên lạc với PV Dân trí với mục đích "mong được bỏ qua". Gần 12h trưa, theo lời hẹn, Mậu có mặt tại phòng PV thuê nghỉ tạm qua trưa tại địa bàn xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh.


Nguyễn Đức Mậu chủ động liên lạc, phân bua hành vi sai phạm của mình với PV Dân trí.

Nguyễn Đức Mậu chủ động liên lạc, phân bua hành vi sai phạm của mình với PV Dân trí.

“Túng thiếu quá nên tôi phải làm liều”

Sau một hồi vòng vo trình bày, trước những tài liệu, chứng cứ mà phóng viên thu thập được, Nguyễn Đức Mậu đã hoàn toàn thừa nhận mọi hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của mình. Nạn nhân là những người có công trên địa bàn xã Kỳ Giang.

Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Kỳ Anh đã khẩn trương vào cuộc làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản người có công này. Ngoài việc xác minh, điều tra vụ việc từ các nạn nhân, công an huyện Kỳ Anh đề nghị ai là nạn nhân của vụ lừa đảo này đến cơ quan điều tra khai báo, phục vụ cho việc điều tra.

Mậu khai, trước đây y từng làm cán bộ chính sách xã Kỳ Giang nên biết tường tận những trường hợp đang hưởng chế độ chính sách người có công trên địa bàn. Khi biết chủ trương của Đảng, Nhà nước đang thực hiện tổng rà soát chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, y đã nghĩ đến việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn mà Mậu tiến hành là buộc các đối tượng hưởng chế độ chính sách phải qua y để bổ sung giấy tờ trong hồ sơ hưởng chế độ. Từ cuối tháng 5/2016, Mậu đã bắt tay vào việc làm giả con dấu, chữ ký của lãnh đạo Bộ, Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh để phục vụ cho hành vi lừa đảo. Tiếp đó vào đầu tháng 5, Mậu thuê đánh máy, làm giả các bản “thông báo” của Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh gửi cho nhiều đối tượng có công trên địa bàn với nội dung thông tin kế hoạch tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ hưởng chế độ của Sở, đồng thời buộc các đối tượng có công phải trực tiếp về đơn vị cũ lấy xác nhận danh sách quân nhân bị thương gốc còn lưu giữ.

Để màn lừa đảo hoàn hảo, Nguyễn Đức Mậu đã đón xe buýt ra Bưu điện Hà Tĩnh trực tiếp gửi giấy thông báo trên cho đối tượng người có công. Dù văn phong bản thông báo hết sức cẩu thả, lỗi chính tả dày đặc, đặc biệt là nội dung có rất nhiều điểm đang ngờ, nhưng với con dấu đỏ chót, chữ ký, tên tuổi rõ ràng của lãnh đạo ngành LĐTB-XH tỉnh, các nạn nhân đã hoàn toàn bị thuyết phục.

Tiếp đó Mậu căn thời gian bản thông báo đã đến được tay các gia đình rồi vờ đến chơi, hỏi han, khơi chuyện rồi gợi ý có mối thân quen trên Sở, có thể "giúp đỡ".


Những bản thông báo giả mà Nguyễn Đức Mậu gửi đi lừa các nạn nhân.

Những bản thông báo giả mà Nguyễn Đức Mậu gửi đi lừa các nạn nhân.

Khi "con mồi" đã tin tưởng hoàn toàn, Mậu bắt đầu làm đủ cách vòi vĩnh tiền để “chạy” hồ sơ, trong đó đáng chú nhất là y nhờ một cán bộ công an xã đã về hưu ở xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên) đóng giả cán bộ Thanh tra Sở LĐTB-XH để giúp y.

Khi các nạn nhân đưa tiền, Mậu trực tiếp chở họ ra Cẩm Xuyên gặp trực tiếp gã "thanh tra" nói trên và bàn việc bổ sung hồ sơ. Sau đó Mậu bảo các nạn nhân về nhà chờ kết quả.

Sau khi nhận tiền của các nạn nhân, Mậu tiếp tục làm giả bản Thông báo của Phòng Tiếp dân, Giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ LĐTB-XH rồi trực tiếp đón xe ra Hà Nội gửi ngược bản thông báo trên về cho các nạn nhân.

Với thủ đoạn tinh vi này, Mậu đã lừa gạt, chiếm đoạt tiền của nhiều người nhẹ dạ cả tin trên địa bàn xã Kỳ Giang.


Trước những chứng cứ mà phóng viên đưa ra, Nguyễn Đức Mậu đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình, đồng thời rút ví định đưa tiền cho PV với mong được bỏ qua mọi chuyện.

Trước những chứng cứ mà phóng viên đưa ra, Nguyễn Đức Mậu đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình, đồng thời rút ví định đưa tiền cho PV với mong được bỏ qua mọi chuyện.

Sau khi thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình, Nguyễn Đức Mậu hứa sẽ lập tức trả tiền cho các nạn nhân và mong PV Dân trí bỏ qua vụ việc. Thậm chí Mậu còn rút ví lấy tiền đưa cho phóng viên với mục đích "mua chuộc" sự bỏ qua.

Tuy nhiên, ngay sau buổi gặp phóng viên, Mậu đã bỏ đi khỏi địa phương. Trước khi bỏ đi, Mậu tuyên bố với ông Trần Trọng Tài là một nạn nhân của vụ việc, là y có hồ sơ đầy đủ trong tay và sẽ "xử đẹp" nhà báo nếu nói sai sự việc.

Không chịu hoàn lương

Phó Trưởng Công an xã Kỳ Giang Lê Quang Phúc cho biết, Nguyễn Đức Mậu từng đi tù 6 năm (2005 – 2011) với tội danh lừa đảo chiếm đoạt, tài sản.

12 năm về trước, năm 2003 - 2004, khi đang làm cán bộ văn hóa xã Kỳ Giang, mỗi khi đi ra ngoài địa bàn xã, Nguyễn Đức Mậu thường tự xưng là "chuyên viên của Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh, đặc trách công tác xét hồ sơ làm các chế độ cho người có công".

Mậu tìm cách tiếp cận, làm thân với một số cán bộ ở chính quyền địa phương để "đánh bóng tên tuổi". Sau đó, Mậu nhờ những người này dẫn đến nhà những người đã từng có thời kỳ tham gia quân đội, thanh niên xung phong hoặc phục vụ ở các đơn vị dân công hoả tuyến, nhưng khi về quê sinh sống không được hưởng chế độ gì, để "mồi chài" họ làm chế độ thương binh giả và các chế độ đãi ngộ xã hội khác.


Ông Trần Trọng Tài - thương binh hạng A, thương tật hạng 4/4 ở xóm 11, xã Kỳ Giang, một nạn nhân trong đường dây lừa đảo của Nguyễn Đức Mậu.

Ông Trần Trọng Tài - thương binh hạng A, thương tật hạng 4/4 ở xóm 11, xã Kỳ Giang, một nạn nhân trong đường dây lừa đảo của Nguyễn Đức Mậu.

Với những người còn giữ được bộ hồ sơ gốc về quá trình tham gia quân đội hoặc tham gia dân công hỏa tuyến, những người đã có chế độ thương binh hạng nhẹ muốn "nâng hạng", Mậu thu 2,5 triệu đồng/suất. Với những người không có giấy tờ gì hoặc hồ sơ gốc bị thất lạc, Mậu đứng ra nhận làm chế độ giả theo hình thức "trọn gói" với giá 6 triệu đồng.

Mậu tổ chức cho những người này đi khám sức khỏe giám định thương tật tại phòng khám tư và giới thiệu đây là thành viên của Hội đồng Giám định y khoa chuyên giám định thương tật của tỉnh Hà Tĩnh. Khám xong, Mậu bảo người dân về còn mình chờ lấy kết quả đưa vào hồ sơ xét duyệt chế độ, lúc nào được sẽ thông báo sau. Kỳ thực, Mậu mang hồ sơ này về... cất vào tủ ở nhà.

Những người dân cả tin chờ đợi hết tháng này qua tháng khác vẫn không có hồi âm, trong khi đó Mậu ngang nhiên lấy gần 300 triệu đồng lừa đảo được của các nạn nhân về sửa sang nhà cửa, tiêu xài cá nhân. Sau đó vụ việc được phát hiện, cơ quan công an vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án.

“Tiếp sức” cho hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Mậu còn có một số cán bộ thoái hóa biến chất thuộc chính quyền cấp xã, huyện và ngành LĐTB-XH.

Năm 2005, trong phiên xử đường dây “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” nói trên, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt Nguyễn Đức Mậu 9 năm tù giam. Do cải tạo tốt, Mậu được giảm án.

Dân trí tiếp tục theo sát vụ việc.

Văn Dũng