Vụ lật ca nô: Thuyền trưởng tự ý tháo thiết bị "rất quan trọng" mang đi
(Dân trí) - Cục Đường thủy cho biết, ca nô không bật thiết bị giám sát hành trình AIS nên trạm thu phát tín hiệu trên bờ không bắt được tín hiệu. Sau khi xảy ra tai nạn, thuyền trưởng tự ý tháo dỡ và mang đi.
Như Dân trí đã đưa tin, chiều ngày 26/2, ca nô du lịch mang số hiệu QNa 1152 của Công ty du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi) làm thuyền trưởng, chở 39 người (36 hành khách, 3 thuyền viên), xuất bến Cù Lao Chàm để vào đất liền. Khi đến vị trí cách Trạm Biên phòng Cửa Đại khoảng 2 hải lý thì ca nô bị sóng lớn đánh chìm. Tai nạn thương tâm khiến 17 người tử vong, 22 người được cứu sống.
Hôm nay (2/3), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông tin thêm một số chi tiết liên quan đến vụ tai nạn tàu cao tốc chở khách du lịch QNa-1152 xảy ra trên tuyến đường thủy từ bờ ra đảo Cửa Đại - Cù Lao Chàm.
Đơn vị này cho biết, luồng Cửa Đại - Cù Lao Chàm đáp ứng cho phương tiện lưu thông an toàn, phương tiện có đăng ký, đăng kiểm; thuyền trưởng và thuyền viên có chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Hai đầu bến thủy có đơn vị quản lý của địa phương thực hiện cấp phép cho phương tiện vào, rời bến. Trong đó, đầu bến phía Cửa Đại do Đội quản lý bến thủy thuộc Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam; phía Cù Lao Chàm do Ban quản lý bến thuộc UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An thực hiện.
Theo chứng nhận đăng kiểm, tàu QNa-1152 được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS để giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển.
Tuy nhiên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, tàu QNa-1152 không bật thiết bị giám sát hành trình AIS nên trạm thu phát tín hiệu AIS trên bờ không bắt được tín hiệu phương tiện.
"Đây là các thiết bị rất quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn. Sau khi xảy ra tai nạn, thuyền trưởng đã quay lại ca nô lấy thiết bị vô tuyến điện mang đi" - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết và đã đề nghị Sở GTVT Quảng Nam liên hệ với cơ quan công an của địa phương để xử lý việc trên.
Liên quan đến thời tiết, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam phát lúc 4h ngày 26/2 cảnh báo vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao 2-3m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.
"Phương tiện bị nạn là tàu khách cao tốc vùng hoạt động SB, chỉ được hoạt động trong điều kiện thời tiết gió không quá cấp 5 Beaufort, chiều cao sóng không quá 2,5m, nhưng vẫn được cơ quan quản lý bến của địa phương cấp phép rời bến để hoạt động trên tuyến từ Cù Lao Chàm về Cửa Đại" - Cục Đường thủy nhấn mạnh.
Cũng theo cơ quan quản lý đường thủy nội địa, tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Hội An - Cù Lao Chàm có chiều dài 17 km, loại cấp I kỹ thuật đường thủy. Trên tuyến được bố trí 20 phao báo hiệu (phía đảo Cù Lao Chàm 4 phao; phía Cửa Đại 16 phao) và một đăng tiêu trên đảo.
Năm 2017 và 2021, luồng chạy tàu khu vực cửa biển Cửa Đại được nạo vét với chiều rộng 60 m và độ sâu 3,5 m; cao độ đáy nạo vét -4.2 (từ lý trình Km2+000 - Km4+000). Hiện nay, tuyến Hội An - Cù Lao Chàm đáp ứng yêu cầu cho phương tiện thủy đi lại an toàn.
Vị trí tai nạn theo báo cáo của Sở GTVT Quảng Nam có tọa độ hệ VN-2000 kinh tuyến 107045, cách bến cảng Cửa Đại khoảng 3 km. Theo kết quả dùng thiết bị đo độ sâu, tại vị trí phương tiện bị tai nạn có độ sâu 3,5-4 m.