Vụ “hot girl” xứ Thanh: Chỉ khiển trách Phó Chủ tịch tỉnh là chưa thỏa đáng!
(Dân trí) - Liên quan đến kết quả xử lý vụ bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - đánh giá, việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn chỉ bị kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng.
Chiều 3/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ những bất cập liên quan đến việc ông Ngô Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) chỉ bị kỷ luật khiển trách do ban hành các quyết định bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa.
- Với hàng loạt vi phạm liên quan đến việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng, nhưng ông Ngô Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) chỉ bị kỷ luật khiển trách liệu có thỏa đáng không, thưa ông?
- Những vấn đề liên quan đến ông Ngô Văn Tuấn đã được chỉ rõ nhưng chỉ kỷ luật với hình thức khiển trách là chưa thỏa đáng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cần phải xem lại hình kỷ luật này.
Theo tôi, việc ông Tuấn nhận cô Quỳnh Anh về sử dụng, đào tạo, rồi cuối cùng bị khai trừ khỏi đảng như vậy thì phải xác định trách nhiệm rõ ràng.
- Vi phạm của ông Ngô Văn Tuấn trong việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh đã được chỉ rõ. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn phía sau việc bổ nhiệm “thần tốc” đó còn có động cơ, mục đích gì thì cũng cần phải làm sáng tỏ?
- Tỉnh Thanh Hóa cần phải xem có động cơ gì trong việc bổ nhiệm này hay không. Nhưng cũng có thể họ đã làm rõ ở đâu đó nhưng mình chưa được tiếp cận, nếu thế cũng phải công khai để dân được biết.
Việc lớn hơn ở Thanh Hóa như vụ việc ở TP Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nói rõ từng việc một từ bằng cấp, đến nguyên tắc tập trung dân chủ… Phải làm như vậy, chứ nói hời hợt thì không ổn. Phải nói rõ động cơ, mục đích hay vấn đề đạo đức trong vụ việc ở Thanh Hóa có chuyện gì hay không.
- Vấn đề liên quan đến khối tài sản của bà Quỳnh Anh cũng không được tỉnh Thanh Hóa làm rõ, với lý do không có căn cứ để xác minh. Theo ông, nếu cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, liệu xác định khối tài sản của một người từng là cán bộ, đảng viên như bà Quỳnh Anh có khó khăn gì không?
- Với công nghệ hiện nay, ngay cả những lời phát biểu được cho là “lời theo gió” còn có thể xác minh được, huống hồ ở đây là dạng vật chất cụ thể. Không thể nói một cách ngụy biện là không xác minh được, mà ở đây là người ta có muốn làm hay không mà thôi.
Theo tôi thì tỉnh Thanh Hóa cần phải xác minh, làm rõ và công khai khối tài sản của bà Quỳnh Anh cụ thể như thế nào. Nếu khối tài sản đó mà bà Quỳnh Anh có được bằng sức lao động hay của gia đình giao cho thì cũng phải nói rõ ra. Còn nếu như không phải như vậy, thì cũng phải xác minh do đâu mà có, ai là người cung cấp tài sản cho bà Quỳnh Anh.
Việc này phải làm đến cùng mới rút ra được bài học kinh nghiệm. Còn đòi hỏi của dư luận trong vấn đề này không phải là bới ra để bêu giễu một ai cả, mà vấn đề mọi việc cần phải trung thực.
- Qua vụ việc liên quan đến “hot girl” Quỳnh Anh, nhiều người còn băn khoăn trách nhiệm cụ thể của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, thưa ông?
- Theo nguyên tắc thì tất cả những tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đề bạt này đều phải kiểm điểm. Ngay cả vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh thì các Bộ ngành ở Trung ương cũng phải xem xét cơ mà. Đã có những thí dụ nhãn tiền như thế nên khi xem xét vụ việc, phải xem xét tận gốc, mới rút được bài học kinh nghiệm để mà sửa chữa.
- Nhiều người cho rằng, để làm rõ trắng - đen vụ việc liên quan đến “hot girl” Quỳnh Anh thì cơ quan Trung ương nên vào cuộc?
- Cần phải làm đúng quy trình, bây giờ mới là thẩm quyền quyết định của Ủy ban Kiểm tra tỉnh, sau đó đến Tỉnh ủy. Nếu như Tỉnh ủy không vào cuộc thì đề nghị lên trung ương. Lúc đó thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ vào cuộc làm rõ…
- Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)