1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hải Phòng:

Vụ “hô biến” hàng triệu m3 đất: "Không biết có sai phạm không" (!?)

(Dân trí) - Phát hiện chủ đầu tư “bật đèn xanh” cho nhà thầu khai thác đem đất ra ngoài nhưng Sở TN&MT TP Hải Phòng thay vì kiến nghị dừng hoạt động để bảo vệ tài nguyên lại chỉ ra văn bản chỉ đạo hời hợt. Khi được hỏi đây có phải hành vi ăn cắp tài nguyên hay không, đại diện Sở nói... không biết.

Dự án chống sạt nhưng chưa thấy chống sạt đâu, chỉ thấy núi bị nhà thầu đào khoét không thương tiếc để vận chuyển đất ra ngoài bán
Dự án chống sạt nhưng chưa thấy chống sạt đâu, chỉ thấy núi bị nhà thầu đào khoét không thương tiếc để vận chuyển đất ra ngoài bán

Phát hiện sai phạm nhưng Sở chỉ ra văn bản... hối thúc?

Sau khi UBND TP Hải Phòng phê duyệt dự án chống sạt núi Xuân Sơn (núi Phướn), từ tháng 1/2016, Sở TN&MT đã phát hiện ra có sự lập lờ về ranh giới, mốc giới nhưng Sở này chỉ ra văn bản yêu cầu huyện An Lão thực hiện đúng quy định. Đến tháng 4/2016, khi việc thi công cắt tầng theo phương án chưa được thực hiện, Sở TN&MT lại phát hiện tình trạng bốc xúc đất đá không đúng vị trí để đưa ra ngoài.

Tại cuộc họp liên ngành 29/4/2016, Sở TN&MT tuy đã chỉ rõ: “Dự án chống sạt lở khu vực núi Xuân Sơn được UBND TP phê duyệt không có nội dung cho phép UBND huyện An Lão được bán đất đá dư thừa ra ngoài khu vực thi công”. Thậm chí, Sở này còn khẳng định, chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện An Lão không có chức năng kinh doanh nên không thể thực hiện việc bán đất đá bốc xúc tại dự án này.

Thế nhưng Sở lại vẫn tiếp tục nhắc nhở UBND huyện An Lão khi thực hiện dự án chống trượt núi Phướn chỉ được khai thác trong diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác.

Tiếp tục, tháng 7/2016, Sở TN&MT ban hành thêm văn bản đề nghị UBND huyện An Lão chỉ đạo thị trấn này phải có các biện pháp ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép tại hiện trường vụ việc.

Tháng 10/2016, Sở TN&MT tổ chức kiểm tra thực địa theo chỉ đạo của thành phố, phát hiện tại khu vực dự án chống trượt núi Phướn có hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản, đất đá ra khỏi khu vực thi công nhưng thay vì kiến nghị để dừng hoạt động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản thì Sở này lại chỉ “chụp ảnh” vụ việc. Sau đó lại tiếp tục tiếp tục ra văn bản thúc giục UBND huyện An Lão báo cáo về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác đất tại khu vực này.

“Chúng tôi làm đúng chức năng quản lý" (?!)

Tại cuộc làm việc với phóng viên Dân Trí ngày 13/1, ông Trần Hùng Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin các báo đăng tải về vụ việc, Sở đã cùng huyện An Lão tổ chức kiểm tra. Bằng mắt thường thì thấy nhà thầu triển khai đúng vị trí. Còn có chênh lệch vài mét hay không thì còn phải chờ cơ quan chuyên môn kiểm tra.

Về khối lượng đất nhà thầu đã mang ra ngoài bao nhiêu thì Sở không xác định được.

Cũng theo ông Tiến, Sở với trách nhiệm quản lý tài nguyên và khoáng sản nên từ năm 2013 đến 2016 đã có các văn bản hướng dẫn chủ đầu tư, huyện An Lão phải làm gì; đồng thời phát hiện gì bất thường sẽ báo cáo UBND thành phố. “Chúng tôi làm như vậy là đúng với chức năng quản lý Nhà nước. Ngoài ra Luật Khoáng sản cũng qui định, trách nhiệm bảo vệ khoáng sản còn thuộc về huyện, xã”, ông Tiến nói.

Khi được hỏi ngoài việc ban hành các văn bản thì Sở còn có động thái gì để ngăn chặn hành vi đào đất đem ra ngoài của nhà thầu không thì ông Tiến cho rằng: “Phòng Khoáng sản chúng tôi chỉ có 4 người, không có công an, quân đội… nên có phát hiện cũng chả bắt họ dừng được. Cái này thuộc thẩm quyền huyện và thành phố. Chỉ huyện và thành phố mới dừng và tước giấy phép hoạt động của họ được”.

Ông Tiến cho biết thêm, liên quan đến vụ này Sở đã có báo cáo UBND thành phố, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ thành phố. Hiện Sở lại tiếp tục có báo cáo mới gửi thành phố.

Điều đáng nói mặc dù tháng 10/2016, Sở TN&MT tổ chức kiểm tra thực địa theo chỉ đạo của thành phố, phát hiện tại khu vực dự án chống trượt núi Phướn có hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản, đất đá ra khỏi khu vực thi công; sau đó đã có văn bản báo thành phố nội dung trên. Thế nhưng khi được hỏi hành vi trên có được coi là đánh cắp tài nguyên, khoáng sản không, thì ông Tiến lại cho rằng... không biết vì ngoài Luật khoáng sản ra, dự án có thể được điều chỉnh theo những Luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư,...

Dư luận cho rằng, với trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản nhưng Sở TN&MT TP Hải Phòng chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Liên quan đến vụ việc trên, mới đây trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, sẽ kiểm tra và có hướng xử lý cụ thể nếu có tình trạng trên. Quan điểm của thành phố là không bao che cho sai phạm.

Hải Sâm - Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm