Vụ hàng loạt cổ vật biến mất: Truy cứu trách nhiệm hình sự?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ hàng loạt cổ vật bị biến mất bí ẩn tại chùa Nền (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội), Luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng căn cứ vào Điều 72 Luật Di sản văn hóa, vụ việc cần được truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như Dân trí đã đưa tin, thời gian gần đây người dân tại phường Láng Thượng, hàng loạt cổ vật tại chùa Nền - một di tích lịch sử đã được xếp hạng - đã bị biến mất đầy bí ẩn.
Theo tố cáo của cụ Đặng Huynh (SN 1936, Phó BQL di tích phường Láng Thượng, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm) gửi đến lãnh đạo Công an TP Hà Nội, từ năm 2003, Ni sư Thích Đàm P. là trụ trì chính của chùa Phúc Lâm (quận Ba Đình) về kiêm nhiệm trụ trì chùa Nền đã “làm đảo lộn các ban thờ, tượng Phật, đặc biệt là làm thất thoát các cổ vật là: 1 lư hương chạm nổi có ở chùa mấy trăm năm; 1 văn bia; 4 đạo sắc phong của các triều nhà Nguyễn; 4 pho tượng đồng trong tòa Cửu Long”.
Cụ Đặng Huynh cho biết, từ tháng 3/2014, bà P. đã phải rời khỏi chùa Nền, BQL di tích cùng nhân dân 3 thôn, 9 xóm làng Láng đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần để truy tìm, thu hồi các cổ vật trên, nhưng cho đến nay vẫn không có kết quả.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội, cho biết, ông đã nắm được thông tin về vụ việc trên. Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội đã giao cho Ban trị sự Phật giáo quận Đống Đa giải quyết.
Vấn đề người dân tố giác, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cần cẩn trọng lắng nghe từ nhiều phía, nếu có sẽ xử lý theo Luật Di sản văn hóa.
Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an quận Đống Đa, thì cho biết ông chưa nắm được sự việc. Tuy nhiên Công an phường Láng Thượng xác nhận đã nhận được phản ánh của người dân.
Liên quan đến sự việc này, Luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, các di vật, cổ vật có trong di tích là một phần gắn kết chặt chẽ làm nên giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Nền. Nếu di vật, cổ vật của di tích bị xâm hại, lấy cắp có nghĩa là tính toàn vẹn về giá trị của di tích đã bị ảnh hưởng.
Theo luật sư Tú, Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ di vật là các hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ 100 năm tuổi trở lên. Di vật, cổ vật trong các di tích tôn giáo, tín ngưỡng hàm chứa các giá trị về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật và lịch sử và đều được Luật Di sản văn hóa bảo vệ.
Theo Luật sư Tú, căn cứ vào Điều 72 Luật Di sản văn hóa, vụ việc cần được truy cứu trách nhiệm hình sự. “Điều này quy định rõ là người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Tuấn Hợp