Hà Nội:
Hà Nội: Nhiều cổ vật quý trong ngôi chùa cổ biến mất bí ẩn
(Dân trí) - Những ngày gần đây, người dân phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) xôn xao chuyện hàng loạt cổ vật tại chùa Nền - một ngôi chùa cổ trên địa bàn phường - bị biến mất một cách bí ẩn.
Ông Đặng Huynh (SN 1936, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cũ từ năm 1980-1990), vừa có đơn tố giác gửi Công an TP Hà Nội về việc một loạt các cổ vật có niên đại hàng trăm năm bị lấy cắp khỏi Đản Cơ Tự (chùa Nền, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội).
Ông Đặng Huynh hiện là Phó Ban quản lý di tích phường Láng Thượng, đặc trách khu di tích chùa Nền.
Theo đơn tố cáo của ông Huynh, chùa Nền được xây dựng từ thời nhà Lý, có niên đại nhiều thế kỷ. Năm 1992 chùa Nền được Nhà nước công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử. Ngôi chùa này có một số đồ thờ là cốt lõi linh khí mang yếu tố tâm linh tối thượng (thuộc hạng mục được Luật Di sản bảo vệ) như: Lư hương cổ chạm nổi hình rồng, văn bia, bốn đạo sắc phong của các triều nhà Nguyễn và các pho tượng đồng cổ trong tòa Cửu Long.
Trong đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra CATP Hà Nội, ông Huynh nêu rõ: “Từ năm 2003, Ni sư Thích Đàm Phương là trụ trì chính chùa Phúc Lâm quận Ba Đình về kiêm nhiệm trụ trì chùa Nền, đã làm thất lạc các cổ vật là linh khí nói trên của chùa. Từ tháng 3/2014, bà Phương đã rời khỏi chùa Nền. Người dân phát hiện mất cổ vật, nhiều lần bức xúc làm đơn kiến nghị lên chính quyền để truy tìm, thu hồi các cổ vật trên nhưng đến nay không có kết quả.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Tùng là lão ông ở chùa Nền, thừa nhận, 4 sắc phong của chùa đã được các cụ cao niên ở phường giao cho sư Thích Đàm Phương cất giữ nhưng nay không còn nữa.
Tiếp xúc với phóng viên, các cụ cao niên có mặt tại chùa Nền đều có chung mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ các cổ vật quý của chùa đã đi đâu? Ai lấy? Hiện giờ ở đâu, liệu có thể thu hồi về cho chùa?
Ngày 24/5/1992, chùa Nền được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Chùa Nền là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Vua Lý Thần Tông thờ Phật và hai vị Từ Vinh và Tằng Thị Loan - thân sinh ra thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa có tên chữ là Đản Cơ Tự, có nghĩa là nền sinh ra Thánh. Đây chính là nền nhà của quan đô sát Từ Vinh, nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Vì thế dân gian gọi là Chùa Nền.
TuấnHợp