Vụ ép doanh nghiệp chi tiền: Sở GTVT Hà Tĩnh "giơ cao đánh khẽ"?

(Dân trí) - Các thành viên tổ liên ngành xử lý cấp hàng quá tải tại các mỏ vật liệu của Hà Tĩnh do thanh tra Sở GTVT chủ trì đã trắng trợn ép doanh nghiệp phải chung chi một số tiền lớn trong quá trình làm nhiệm vụ. Đây là một sai phạm nghiêm trọng nhưng Sở GTVT Hà Tĩnh có dấu hiệu "giơ cao đánh khẽ" trong xử lí.

Chưa làm rõ đúng người đúng tội

Chiều ngày 29/8, PV Dân trí nhận được bản Báo cáo kết quả xử lí tiêu cực của Tổ liên ngành kiểm tra bốc xếp hàng hóa tại các mỏ vật liệu của Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh gửi Bộ GTVT, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở ngành liên quan.

Có một điều lạ là bản báo cáo dài tới 7 trang giấy nhưng tuyệt nhiên không đi thẳng vào nội dung quan trọng nhất là có hay không việc tổ liên ngành “làm luật”, ép doanh nghiệp chi tiền để bỏ qua lỗi vi phạm?


Trong bản báo cáo dài 7 trang, Sở GTVT Hà Tĩnh chỉ nêu lan man vụ việc, không làm rõ nội dung tiêu cực của cấp dưới.

Trong bản báo cáo dài 7 trang, Sở GTVT Hà Tĩnh chỉ nêu lan man vụ việc, không làm rõ nội dung tiêu cực của cấp dưới.

Vụ việc tổ liên ngành ép Công ty Đại Long chung chi 30 triệu đồng vào ngày 21/6/2016 đã quá rõ ràng. Sau khi "làm luật", giữ số tiền 30 triệu đồng suốt hơn 1 tháng, từ 21/6 đến 28/7, đến khi vụ việc bại lộ, tổ công tác mới cử ông Phạm Sơn Hải (thành viên tổ) mang tiền trả lại cho Cty CP Đại Long. Khi trả lại, chiếc phong bì đựng số tiền mang tên Cty Đại Long đã được thay thế bằng một phong bì khác. Sở GTVT đã rõ chuyện này qua cuộc đối chất giữa đôi bên nhưng không kết luận đây là hành vi tiêu cực của các thành viên tổ liên ngành mà chỉ nêu chung chung cuộc đối thoại.

Đối với tổ liên ngành bị tố ép Công ty Đại Long đến khách sạn Bạch Đại Dũng (thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn) chi 50 triệu đồng, Sở GTVT chỉ thừa nhận tổ liên ngành sai phạm trong nghiệp vụ khi công bố kết quả kiểm tra, tham gia lập biên bản vi phạm hành chính sai quy định về địa điểm (khách sạn). Sở GTVT Hà Tĩnh báo cáo việc tổ liên ngành nhận 50 triệu đồng là chưa có cơ sở để kết luận do các thành viên của tổ không ai nhận, doanh nghiệp phản ánh sai (?).

Có dấu hiệu bao che

Khi nội dung quan trọng nhất là tố cáo "ép doanh nghiệp chi tiền" chưa được làm rõ, thay vì yêu cầu cơ quan điều tra Công an tỉnh vào cuộc xác minh, Sở GTVT Hà Tĩnh đã đưa ra luôn các hình thức kỷ luật theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”.


Ông Nguyễn Đình Linh cầm chiếc bì thư đựng 30 triệu đồng mà cán bộ tổ liên ngành mang đến trả cho ông sau khi vụ việc bại lộ.

Ông Nguyễn Đình Linh cầm chiếc bì thư đựng 30 triệu đồng mà cán bộ tổ liên ngành mang đến trả cho ông sau khi vụ việc bại lộ.

Theo đó, ông Đoàn Mạnh Tường, Tổ trưởng kiểm tra liên ngành năm 2015, người quyết định việc gọi Công ty Đại Long tới khách sạn làm việc, nhận hình thức kỷ luật... cảnh cáo (!). Lí do Sở GTVT nêu: ông Tường vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, tổ chức thực hiện kiểm tra, kết luận, lập biên bản vi phạm hành chính sai quy định về địa điểm; bị phản ánh về tiêu cực của doanh nghiệp, gây dư luận xấu ảnh hưởng đến cơ quan đơn vị.

Ông Phạm Anh Tấn, thanh tra viên, cũng nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Lí do tương tự ông Tường.

Ông Đinh Sỹ Hạnh, Tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành năm 2016, liên quan vụ ép Công ty Đại Long chi 30 triệu đồng, nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Lí do kỷ luật theo Sở GTVT Hà Tĩnh là chưa kiểm soát, quản lý, bao quát hết các hành vi trong thực hiện nhiệm vụ của Tổ kiểm tra liên ngành; bị phản ánh về tiêu cực của doanh nghiệp, gây dư luận xấu ảnh hưởng đến cơ quan đơn vị.

Người chịu hình thức xử lí nặng nhất là thanh tra viên Phạm Sơn Hải, người trực tiếp cầm tiền trả lại cho doanh nghiệp, với mức kỷ luật hạ bậc lương. Ông Hải bị nêu là vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, vi phạm của quy định pháp luật về phòng ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng, nhưng kịp thời khắc phục hậu quả trả lại phong bì cho doanh nghiệp (!)

Ngay sau khi nhận được nội dung xử lí vụ việc nêu trên của Sở GTVT Hà Tĩnh, PV Dân trí đã có các cuộc trao đổi với một số cán bộ chức năng tại Hà Tĩnh, đặt vấn đề việc xử lý kỷ luật còn vội vàng, có biểu hiện bao che.

Ông Hoàng Minh Việt, Phó trưởng Ban Chuyên trách, kiêm Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, người đã nhiều lần cảnh báo thực trạng cán bộ giao thông làm khó doanh nghiệp, chia sẻ quan điểm: “Tôi không đồng ý với kết quả xử lí vụ việc này. Ở đây anh vừa vi phạm đạo đức công vụ, vừa tiêu cực trong công việc mà xử lý như thế thì thử hỏi ai người ta nghe cho”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Liên quan đến trách nhiệm của hai Chánh thanh tra Sở TN-MT là các ông Nguyễn Duy Thép và Lê Tài Tuấn là thành viên đóng vai trò tổ phó của tổ liên ngành, lãnh đạo Sở TN-MT Hà Tĩnh cho biết, đang giao Chánh Văn phòng sang làm việc với Sở GTVT để lấy thông tin làm căn cứ xử lý.

Văn Dũng