Vụ đưa hàng trăm trẻ ra nước ngoài: “Bó tay” với... sai phạm?

(Dân trí) - “Trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo trẻ bị bỏ rơi, các tổ chức nước ngoài đưa tiền hỗ trợ vào các cơ sở nuôi dưỡng. Tiền vào rồi thì đi liền với “điều kiện” đầu ra là... trẻ. Hiện tượng mua bán, trục lợi phát sinh từ đây...”

Liên quan đến vụ án làm giả hồ sơ nguồn gốc để đưa hàng trăm trẻ “xuất ngoại” làm con nuôi nước ngoài xảy ra tại 2 trung tâm bảo trợ trẻ em ở Nam Định, Cục trưởng Cục con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp Vũ Đức Long trao đổi với Dân trí.

Gian lận trẻ ở Nam Định chưa phải là nhiều

Trong số những trẻ sơ sinh ở Nam Định đưa ra nước ngoài, có những trường hợp không phải ở Nam Định mà là ở các tỉnh khác, như ở Hà Giang?

Có nguồn tin như thế, khi khai thác lời khai của các đối tượng bị bắt ở Nam Định.

Có thông tin cho rằng, trong số hơn 300 trường hợp trẻ ở Nam Định đã đưa ra nước ngoài thì có hơn 200 là bị làm giả giấy tờ?

Cái đấy thì chưa biết được, cơ quan công an phải trả lời. Con số đến giờ vẫn chỉ là rất ước chừng.

Như ông nói, một bộ hồ sơ của trẻ hết 4 - 6 tháng mới có thể hoàn tất để đưa đi. Nhưng hiện tượng ở 2 trung tâm bảo trợ ở Nam Định, trẻ được đưa về nuôi dưỡng chỉ 2 - 3 tháng rồi rất chóng vánh đưa đi luôn?

Trẻ 2 - 3 tháng nuôi dưỡng ở đó được làm hồ sơ nhưng lúc đi thì cũng phải 6 - 7 tháng. Không có trẻ nào 2 - 3 tháng đi được. Trẻ hết thông báo tìm kiếm bố mẹ khi bị bỏ rơi tối thiểu cũng 2 tháng mới bắt đầu được làm thủ tục.

Chính khả năng luân chuyển lớn như vậy nên 2 trung tâm ở Nam Định đều rất thô sơ, chỉ vài gian phòng, nhưng chưa bao giờ quá tải, số trẻ “tồn” lúc nhiều nhất cũng chỉ hơn chục cháu trong khi số trẻ “xuất ngoại” đến nay đã lên tới hàng trăm?

Một trung tâm nhỏ mà mỗi lần một vài trẻ được đưa đi thì cũng bình thường. Thực tế, số trẻ cho đi từ 2 trung tâm của Nam Định không phải là nhiều. Ngay miền Bắc cũng có những tỉnh số lượng còn nhiều hơn Nam Định rất nhiều.

Ngoài Nam Định, ông nói còn một số địa phương khác đã xảy ra tương tự. Phải chăng, các cơ quan chức năng, trong đó có Cục con nuôi quốc tế, bất lực trong việc này?

Chúng tôi có khó khăn là không đầy đủ thông tin và không đầy đủ thẩm quyền. Thẩm quyền rất bé, nhỏ và thông tin rất ít.

Sẽ đóng cửa nhiều cơ sở nuôi dưỡng

Được biết vụ việc đã được Sở Tư pháp Nam Định báo cáo lên Cục con nuôi quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về những sai phạm xảy ra ở đây?

Theo tôi, đã có rất nhiều vấn đề về quản lý nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Cụ thể hơn là các trung tâm này do UBND huyện thành lập và thuộc quyền quản lý của các phòng lao động, thương binh và xã hội.

Còn việc giấy tờ hồ sơ cho trẻ đi nước ngoài lại do Sở Tư pháp làm. Rõ ràng đã có những khoảng trống giữa các ngành chức năng. Sở Tư pháp rất khó phát hiện những sai phạm trước khi chuyển hồ sơ đến.Vì trước đó, bên dưới đã hợp thức hóa giấy tờ, nguồn gốc của trẻ là do cơ sở nuôi dưỡng và những vệ tinh chạy chung quanh.

Theo quy định, mỗi bộ hồ sơ đưa trẻ đi làm con nuôi nước ngoài, Sở Tư pháp có trách nhiệm phải thẩm định rất kỹ, qua nhiều bước nhưng vẫn để lọt. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan này phải xem xét thế nào?

Việc này phụ thuộc vào mức độ sai phạm, sai phạm đến đâu, xử lý trách nhiệm đến đấy. Tuy nhiên, để nói thẩm định các hồ sơ là rất khó khăn bởi tất cả các loại giấy tờ được làm rất logic.

Chỗ này cũng phải nói, Sở Tư pháp Nam Định khi thẩm định hồ sơ mà không phát hiện sai phạm thì phải xem xét nhưng quả thật khả năng phát hiện là rất khó, kể cả Cục con nuôi quốc tế.

Ông đánh giá thế nào về việc các địa phương (cấp huyện) cho phép thành lập các cơ sở nuôi dưỡng với điều kiện rất thô sơ, đây liệu đã tạo điều kiện cho tiêu cực có thể nảy sinh?

Đúng vậy, đây là bài học cho chúng ta. Hiện, một số nơi Cục đã đề nghị kiểm tra các cơ sở nuôi dưỡng của huyện và đã đề nghị đóng cửa một số. Các huyện giờ nếu không có cơ sở vật chất tốt, không có sự kiểm soát tốt thì sẽ phải đóng cửa, không còn cách nào khác.

“Tiền vào trẻ ra”

Trong lĩnh vực hợp tác con nuôi Quốc tế, ông nói đến “công thức”... tiền vào trẻ ra. Phải hiểu điều này như thế nào, thưa ông?

Tức là tổ chức nước ngoài đưa hỗ trợ nhân đạo vào các cơ sở nuôi dưỡng. Từ đó, người lãnh đạo cơ sở lại cho trẻ ra nước ngoài. Các hình thức hỗ trợ nhân đạo khác, thì tiền vào là người ta có quyền sử dụng, xử lý cho mục đích hoạt động của cơ sở nhưng riêng lĩnh vực này, tiền vào rồi thì đi liền với “điều kiện” đầu ra là... trẻ. Nếu không cẩn thận thì chính ở đây có hiện tượng mua bán trục lợi.

Đã phát hiện ra trường hợp nào các tổ chức nước ngoài cũng có những hành động móc ngoặc để đưa trẻ đi?

Việc này thì chưa phát hiện nhưng có thể hiểu là đương nhiên, “tiền vào trẻ ra” đồng nghĩa với có móc ngoặc. Cơ chế pháp luật của chúng ta hiện nay cho phép họ được giao tiếp với nhau thông qua dự án thì khả năng kiểm soát được việc này rất khó.

Như vậy, chúng ta phải chấp nhận tình trạng buôn bán trẻ em?

Khả năng ngăn chặn là rất khó, ta chỉ cố để giảm dần hiện tượng này. Việc này cũng giống như chống tham nhũng, ai cũng biết là ghê gớm lắm, phải làm lắm nhưng liệu sau bao nhiêu biện pháp, có ai dám nói đã giảm đi không. Không ai, thậm chí nó còn nhiều biến thể, luồn lách, phức tạp hơn rất nhiều.

Là cơ quan chuyên môn, ông hi vọng vào giải pháp nào?

Giải pháp mạnh mẽ nhất sẽ là Luật con nuôi (sẽ có hiệu lực vào năm 2011). Luật này sẽ thay đổi căn bản về cơ chế, tách các cơ sở nuôi dưỡng với tổ chức nước ngoài, tách việc tiếp cận nguồn trẻ một cách trực tiếp, để T.Ư xử lý việc ghép trẻ và quản lý quỹ hỗ trợ con nuôi, giám sát, điều phối toàn bộ tài khoản này.

Khả năng không minh bạch về tài chính khi đó sẽ giảm đi rất nhiều, khả năng trục lợi sẽ bị hạn chế.

Xin cám ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)