1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Vụ đền bù nứt nhà dân không mua nổi cái kẹo: "Xin bà con cho thi công!"

(Dân trí) - Sau lần đối thoại vào ngày 30/5 nhưng chỉ có 14 hộ dân bị hư hỏng nhà cửa nhận tiền đền bù, còn lại đa số đều không nhận vì cho rằng giá thấp, sáng nay 5/6, chính quyền huyện Duy Xuyên tiếp tục đối thoại với bà con để tìm tiếng nói chung.

Gần 100 hộ dân thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) cũng đã có mặt tại buổi đối thoại trực tiếp lần 2 này. Đa số ý kiến tại buổi đối thoại này cũng không khác buổi đối thoại ngày 30/5 vừa qua là giá đền bù chưa hợp lý, nếu sau khi đền bù sửa chữa xong mà nhà bị nứt tiếp tục thì ai chịu trách nhiệm...

Người dân thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) đối thoại với lãnh đạo huyện Duy Xuyên vào sáng ngày 5/6
Người dân thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) đối thoại với lãnh đạo huyện Duy Xuyên vào sáng ngày 5/6

Ngoài ra, người dân còn yêu cầu đơn vị thi công hỗ trợ một số công trình văn hóa ở thôn như miếu thờ, cổng làng... Một số người dân cho biết, giá như đơn vị thi công áp giá đền bù ngay từ ban đầu như vừa qua thì họ không đến nỗi phải phản ứng quyết liệt và kéo nhau vào hầm cản trở thi công như vừa qua.

Tại buổi đối thoại này, đại diện đơn vị thi công hứa sẽ thay đổi giờ nổ mìn, lượng thuốc nổ cũng sẽ giảm so với trước và xem xét lại phương pháp nổ mìn để không ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt của bà con thôn Chiêm Sơn.


“Từ nay đến hết tháng 10/2015, sau khi kết thúc việc nổ mìn sẽ tiếp tục đền bù những vết nứt mới cho bà con. Xin bà con vừa cho kiểm định lại vừa cho thi công”, đại điện đơn vị thi công nói với bà con.

Chia sẻ về việc thiệt hại đối với đơn vị thi công, một người dân phát biểu: “Chúng tôi chia sẻ việc ngừng thi công gây thiệt hại cho đơn vị thi công nói riêng và cho công trình nói chung. Việc này cực chẳng đã, chúng tôi cũng phải bỏ việc đồng áng, cán bộ huyện, xã cũng tốn nhiều thời gian để giải quyết. Nếu chúng tôi không đòi đền bù thì bị thiệt thòi quá vì ngôi nhà là cả một sự nghiệp của chúng tôi”.

Chủ tịch huyện Duy Xuyên – ông Nguyễn Công Dũng - đối thoại với người dân
Chủ tịch huyện Duy Xuyên – ông Nguyễn Công Dũng - đối thoại với người dân

Trả lời những ý kiến thắc mắc của bà con tại buổi đối thoại lần 2 này, ông Nguyễn Công Dũng – Chủ tịch huyện Duy Xuyên – đề nghị đơn vị thi công hỗ trợ bà con thôn Chiêm Sơn sửa sang lại miếu thờ và cổng làng theo yêu cầu của bà con. Ông Dũng đề nghị đơn vị thi công nổ mìn từ 6h sáng đến 21h đêm, không được quá 21h30 để đảm bảo cho bà con nghỉ ngơi, đồng thời giảm lượng thuốc nổ để giảm tiếng ồn.

Ngoài ra, đơn vị thi công phải có một khoảng tiền “cược” ở ngân hàng như một khoản cam kết để sau này có vấn đề gì về thiệt hại cho bà con thì huyện sẽ lấy số tiền đó giải quyết.

“Tôi yêu cầu kiểm định lại nhà cửa của bà con, sẽ thành lập 2 tổ kiểm định, trong đó có các cơ quan chức năng của huyện, đơn vị thi công, bảo hiểm và đại diện người dân. Bắt đầu từ thứ 2 tuần đến và sẽ tiến hành đến hết tuần”, Chủ tịch huyện Duy Xuyên nói.

Quang cảnh vắng lặng trên công trình hầm, chỉ có một công nhân ở lại trông coi máy móc
Quang cảnh vắng lặng trên công trình hầm, chỉ có một công nhân ở lại trông coi máy móc

Tính đến ngày 5/6, việc ngừng thi công hầm do người dân phản ứng đã kéo dài 19 ngày gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Theo đại diện đơn vị thi công - Công ty CP Sông Đà 10 – cho biết, gói thầu số 4 đơn vị thi công 11km, trong đó có 290m đường hầm xuyên núi, đến nay mới đào được 120m thì bị người dân kéo vào hầm cản trở.

Đại diện đơn vị thi công cũng cho biết, hiện tại khoảng 50 công nhân trong số trên 100 công nhân trên công trình đã về quê vì không có việc làm, nếu có làm lại thì tiến độ cũng chậm vì không có công nhân. Thiệt hại mỗi ngày tính ra tiền tỉ.

“Mỗi ngày chúng tôi thi công được 3m hầm, đến nay đã gần 20 ngày ngưng thi công thì chúng tôi đã trễ khoảng gần 60m hầm. Dự kiến ngày lễ 2/9 năm nay sẽ thông hầm nhưng với tình hình này, không biết bao giờ mới được thi công lại”, đại diện đơn vị thi công nói.

Công Bính