Quảng Nam:
Nhà dân bị nứt, tiền đền bù không mua nổi... cái kẹo
(Dân trí) - Người dân bức xúc cho rằng giá tiền đền bù thiệt hại nhà cửa do đơn vị thi công hầm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thấp đến nỗi không thể tin được. Thậm chí, có hộ được đền bù với số tiền chưa đến... 1.700 đồng.
Vì phản ảnh nhiều lần nhưng không được giải quyết thấu đáo, người dân kéo nhau vào hầm đường cao tốc đang thi công để phản đối. Người dân cho rằng, việc thi công gây nứt nhà nhưng đơn vị thi công lại đền bù với giá trị không bằng... một cái kẹo mút.
Một trong những hộ dân bị nứt nhà là bà Phan Thị Kiều (xóm Nam Sơn, thôn Chiêm Sơn) bức xúc: Ban đầu đơn vị thi công đền bù 800 ngàn đồng/ngôi nhà bị nứt. Sau khi người dân kéo nhau vào hầm phản ứng thì đơn vị thi công nâng giá lên trên 2 triệu đồng; tuy nhiên đây chỉ là giá “ước lượng” của đơn vị thi công vì chưa có kiểm định.
“Lúc chúng tôi vào trong hầm, đơn vị thi công vào thông báo với dân nâng giá đền bù cao hơn. Đây chẳng qua là phỉnh dân để họ tiếp tục thi công chứ họ chưa khảo sát nhà hư hỏng sao mà định giá được”, bà Kiều bức xúc.
Ông Lưu Công Xinh (trú cùng thôn Chiêm Sơn) có nhà cấp bốn được tính giá đền bù trên 1 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Xinh cho rằng đền bù với giá đó thì không thể sửa chữa lại ngôi nhà mình đang ở.
Ông Xinh trình bày: “Từ khi họ bắn mìn, nhà bắt đầu nứt, chúng tôi họp dân và làm đơn đề nghị xã can thiệp. Sau đó xã đại diện xã và đơn vị thi công đi kiểm tra nhưng sau đó “im bặt” luôn. Gần đây do công trình bắn mìn nhiều nhà nứt nhiều nên người dân mới kéo vào trong hầm đề nghị ngưng thi công để đối thoại.
Theo ông Xinh, lúc đầu đơn vị thi công đề nghị ngày 20/4 đối thoại nhưng đến ngày 30/4 mới gặp và sau đó có thông báo gửi về; tuy nhiên khi đọc thông báo này người dân mới “bật ngửa” vì giá đền bù quá thấp. “Bể cái bánh tráng còn phải đền 5 ngàn đồng, còn đây đơn vị thi công chỉ đền bù có nhà chưa đến 2 ngàn đồng”, ông Xinh bức xúc.
Căn nhà được đền bù chưa đến 2 ngàn đồng là ông Lưu Ba. Chiều ngày 22/5, chúng tôi đến nhà ông Lưu Ba để xem xét thì được biết, ngôi nhà của ông Ba thuộc diện hộ nghèo, nhà của ông là nhà tình nghĩa, ông được xã hỗ trợ 6 triệu đồng để xây nhà. Ông vay thêm 52 triệu để làm, tổng cộng ngôi nhà của ông trị giá 58 triệu đồng. Ông Ba cho biết, số tiền ông vay 52 triệu đồng đến nay đã trả gần hết, còn nợ hơn 6 triệu đồng nhưng nay nhà bị nứt, ông được áp giá đền bù 1.667 đồng.
“Nhà tôi nứt thế này mà đơn vị thi công chỉ đền bù không mua được cái kẹo mút cho trẻ nhỏ, hỏi thế ai chấp nhận được”, ông Ba bức xúc. Ông cho biết, đơn vị thi công nổ mìn vô tội vạ, tội nhất là người già và trẻ nhỏ, đêm ngủ không được nên khóc suốt.
Còn bà Hồ Thị Hoa (thôn Chiêm Sơn) thì cho hay, nhà bà được áp giá đền bù trên 571 ngàn đồng đợt đầu tiên, sau đó có tăng lên nhưng bà vẫn không chịu. Mới đây khi đơn vị thi công và bảo hiểm cùng chính quyền địa phương vào khảo sát thì bảo người dân ký vào đơn cho đơn vị thi công mới đền bù nhưng dân không chịu.
Người dân cho rằng với giá đền bù đợt đầu tiên thì công ty bảo hiểm cũng như đơn vị thi công quá coi thường tính mạng và tài sản của dân. Theo người dân, đền bù như vậy là xúc phạm đến danh dự gia đình vì mang tiếng là được đền bù nhưng chỉ đủ mua 1 cây kẹo cho cháu. Đó là sự xúc phạm chứ chưa nói đến giá trị vật chất hay tinh thần mà họ đã bị tổn hại trong suốt thời gian qua. Do đó, nhiều hộ dân ở Chiêm Sơn kéo vào hầm không cho đơn vị thi công tiếp tục nổ mìn thông hầm.
Trước phản ứng của người dân, Công ty Bảo hiểm PVI (trụ sở tại Đà Nẵng) đưa ra bảng danh sách tính toán khắc phục mới đối với các hộ dân thôn Chiêm Sơn. Theo đó, tổng giá trị dự toán khắc phục cho 110 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa được nâng từ gần 130 triệu đồng lên hơn 312 triệu đồng.
Theo lãnh đạo huyện Duy Xuyên, quá trình khảo sát nhà dân, huyện có cử cán bộ cùng đi với Công ty bảo hiểm PVI. Theo đó, trách nhiệm của huyện là xác định khối lượng, còn đơn giá đền bù do Công ty bảo hiểm thực hiện. Sau khi đơn vị bảo hiểm lập xong dự toán, không gửi cho cơ quan chính quyền cấp huyện và xã kiểm tra trước khi thông báo cho dân, do đó mức giá đền bù của người dân quá thấp khiến dân phản ứng. Hiện huyện đang làm việc với đơn vị thi công và Bảo hiểm để xác định lại mức đền bù hợp lý cho nhân dân và sẽ họp dân công bố cho dân biết, lấy ý kiến nhân dân.
Về mức giá đền bù cho dân, lãnh đạo xã Duy Trinh cũng bất ngờ với giá “rẻ mạt” này. Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Duy Trinh - cho biết thôn Chiêm Sơn có 110 nhà dân bị ảnh hưởng do việc nổ mìn thi công đường hâm gây ra. Tuy nhiên, qua dự toán bồi thường, nhiều nhà dân bị nứt và ảnh hưởng nhưng bảo hiểm chi tiền đền bù chỉ có vài ngàn đồng, có nhiều hộ nhà nứt nhiều điểm mà dự toán chỉ có 6.000 đồng thì không thể chấp nhận được.
Ông Nguyễn Văn Khánh (quyền Trưởng Phòng hạ tầng kinh tế huyện Duy Xuyên) cho biết ông đã nhận được hồ sơ dự toán công trình sửa chữa nhà dân tại xã Duy Trinh do Công ty giám định và tư vấn kỹ thuật Raco cung cấp. Theo ông, trước đây việc hỗ trợ do các đơn vị thi công và người dân trực tiếp thỏa thuận nên đơn vị không can thiệp. Tuy nhiên, vừa qua do người dân phản ứng vì giá quá thấp nên lãnh đạo huyện yêu cầu đơn vị này cung cấp hồ sơ kiểm định để huyện kiểm tra. Tuy nhiên, dự toán mà đơn vị này gửi đến Phòng Hạ tầng kinh tế so với giá gửi cho dân và chính quyền trước đó lại tăng vọt, nhiều hộ tăng gấp ba lần.
Theo dự toán do Phòng hạ tầng kinh tế cung cấp, giá hỗ trợ đối với ông Lưu Ba từ 1.667 đồng đã tăng lên 180.000 đồng. Có hộ trước đây được hỗ trợ cao nhất hơn 4 triệu đồng, nay cũng tăng hơn 7,5 triệu đồng. Tổng số tiền dự toán hỗ trợ cho 110 hộ dân trong hồ sơ cũ là 98,5 triệu đồng, nay tăng lên gần 200 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên – cho hay, quan điểm của huyện là phải bảo vệ lợi ích của người dân, phải sửa chữa kịp thời nhà dân do đơn vị thi công đường hầm làm hư hỏng.
“Chúng tôi động viên nhân dân phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để giải quyết kịp thời cho người dân ổn định cuộc sống, ổn định tình hình ở địa phương”, ông Cảnh nói.
Theo đại diện chủ đầu tư đường cao tốc, đơn vị thi công (Công ty CP Xây dựng Sông Đà 10) sẽ tạm dừng thi công tại khu vực cửa hầm phía Bắc và phối hợp với cán bộ của UBND xã Duy Trinh, Công ty Bảo hiểm PVI Đà Nẵng thành lập đoàn giám định trực tiếp đi đến từng hộ dân, giám định lại thiệt hại ảnh hưởng kết cấu nhà của các hộ dân, đồng thời làm rõ nguyên nhân và cơ sở tính toán giá trị đền bù một cách chính xác, đúng quy định. Thời gian bắt đầu từ ngày 20/5 đến khi hoàn thành công việc mới được triển khai thi công tiếp. Các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng (hộ gần nhất cách khu vực thi công khoảng 500m) cần phối hợp với đoàn giám định để giám định mức thiệt hại thực tế, giải quyết bồi thường theo đúng quy định hiện hành. Ngay sau khi thống nhất, Ban điều hành gói thầu số 4 đã yêu cầu XN Sông Đà 10.3, XN Sông Đà 10.7 phải phối hợp với Công ty bảo hiểm PVI Đà Nẵng, chính quyền địa phương tổ chức giám định, tính toán lại giá trị đền bù trên tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân để tạo điều kiện cho Công ty CP Sông Đà 10 tổ chức triển khai thi công trở lại. Sau khi hoàn thành các công việc trên, XN Sông Đà 10.3, XN Sông Đà 10.7 và Công ty bảo hiểm PVI Đà Nẵng sẽ tiến hành trao đổi, thống nhất phân chia giá trị đền bù trên cơ sở tuân thủ theo những điều khoản của hợp đồng đã ký kết và những quy định của nhà nước. |
Công Bính