1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Vụ dân vây nhà máy thép: Một là nhà máy di dời, hai là dân phải đi!

(Dân trí) - Liên quan đến việc người dân bao vây nhà máy thép Việt - Pháp để phản đối ô nhiễm, chiều tối ngày 8/12, người dân thôn 7A (xã Điện Nam Đông, Điện Bàn, Quảng Nam) đã có buổi đối thoại với ngành chức năng và chính quyền địa phương.

135 người dân các tổ thuộc thôn 7A ngồi chật kín hội trường thôn để đối thoại. Ông Võ Như Quảng - một người dân ở đây bức xúc, không khí, nguồn nước đều bị ô nhiễm mấy năm nay chịu không nổi. “Tôi già rồi chết cũng được nhưng con cháu sẽ bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp đến thì dân chúng tôi hoan nghênh nhưng ô nhiễm quá làm sao chúng tôi chịu nổi. Một là nhà máy di dời, hai là dân chúng tôi phải đi”, ông Quảng phát biểu.

Người dân ngồi chật cứng hội trường thôn 7A để đối thoại
Người dân ngồi chật cứng hội trường thôn 7A để đối thoại

Một người dân khác là bà Trần Thị A cũng bức xúc: "Dân chúng tôi chịu không nổi mới chặn cổng nhà máy. Trời mưa gió lạnh nhưng người dân cũng phải ra nằm canh, làm ăn như thế này chúng tôi sống sao nổi; con cháu chúng tôi tiệt nòi tiệt giống hết. Dù giá gì thì cũng phải di dời nhà máy đi".

Bà Trần Thị A cũng cho rằng, rất nhiều trẻ con bị ốm đau triền miên, hết sổ mũi đến viêm họng, đi khám bác sĩ, hết tiền cũng không hết bệnh. Người lớn còn biết bịt khẩu trang để thở chứ trẻ con làm sao mà biết bịt?

Ông Võ Như Quảng trình bày bức xúc của mình tại buổi đối thoại
Ông Võ Như Quảng trình bày bức xúc của mình tại buổi đối thoại

Người dân ai cũng muốn kinh tế của huyện tiến lên nhưng phải đồng nghĩa cuộc sống của người dân phải tốt lên. Hành động ra chặn nhà máy để phản đối là cực chẳng đã, không ai muốn như vậy.

Một người dân phát biểu: "Đây là lần thứ 10 người dân cản trở nhà máy hoạt động vì ô nhiễm môi trường. Trước đây, mỗi lần nhà máy gây ô nhiễm môi trường là dân đấu tranh, lãnh đạo nhà máy có cam kết nhưng tình hình không được cải thiện nên dân chúng tôi mới làm như vậy. Trước đây lãnh đạo nhà máy thép Việt Pháp đã hứa nhưng đã thất hứa với người dân chúng tôi".

Đại diện nhà máy thép Việt Pháp trình bày với bà con
Đại diện nhà máy thép Việt Pháp trình bày với bà con

Hầu hết các ý kiến của người dân tại buổi đối thoại đều yêu cầu di dời nhà máy đi nơi khác vì không thể di dời hàng trăm hộ dân, hơn nữa vì nơi đây là nơi sinh sống, nơi chôn nhau cắt rốn của nhiều thế hệ. Nếu để nhà máy này hoạt động ngày nào thì người dân cũng như chính quyền đều mệt. Người dân cũng hy vọng mình không phải thức đêm thức hôm gió mưa để “canh” nhà máy thép này nữa.

Có mặt tại buổi đối thoại, đại diện lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng qua nhiều lần lấy mẫu kiểm tra thì nhà máy thép Việt Pháp đều đạt chuẩn. Năm 2014, qua 3 lần kiểm tra đánh giá tác động môi trường của nhà máy này đều đạt.

Chủ tịch huyện Điện Bàn, ông Lê Trí Thanh tại cuộc đối thoại
Chủ tịch huyện Điện Bàn, ông Lê Trí Thanh tại cuộc đối thoại

Còn Thượng tá Phạm Viết Tiến – Phó trưởng Công an huyện Điện Bàn - mong muốn bà con và nhà máy có tiếng nói chung nhưng đến một lúc nào đó thì phải di dời nhà máy để người dân yên tâm. Ông cũng đề nghị người dân không được manh động, phá phách tài sản của nhà máy.

Đại diện nhà máy thép Việt Pháp tại buổi đối thoại phân bua rằng để xảy ra sự việc là điều đáng tiếc. Công ty cũng tôn trọng người dân khi người dân kéo đến yêu cầu ngưng sản xuất. “Doanh nghiệp của chúng tôi sản xuất trong môi trường như thế này rất khó khăn, đề nghị được giải tỏa đi nơi khác theo nguyện vọng của bà con”, đại diện nhà máy thép Việt Pháp phát biểu.

Chủ tịch huyện Điện Bàn, ông Lê Trí Thanh tại cuộc đối thoại
Buổi đối thoại kết thúc vào lúc gần 18h30 và sau đó, người dân tiếp tục cử đại diện ra liều canh trước nhà máy thép Việt Pháp

Kết luận tại cuộc đối thoại, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch huyện Điện Bàn - cho rằng, sau sự cố năm 2012 thì nhà máy thép Việt Pháp cũng có khắc phục nhưng chưa được như mong muốn nhưng lãnh đạo nhà máy cũng có ý cầu thị với người dân. Thời gian gần đây nhà máy thép có gây ô nhiễm đến cuộc sống của bà con nhưng phản ứng của bà con rất đáng hoan nghênh, không có manh động.

Theo Chủ tịch huyện Điện Bàn, thời gian gần đây nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm cũng một phần do thời tiết. Mùa đông, khí thải của nhà máy thoát ra không bay lên trời như mùa hè mà quần xuống nhà dân. Lý do khác là cuối năm đơn hàng nhiều nên nhà máy sản xuất nhiều. Ông đề nghị người dân tháo dỡ lều bạc trước cửa nhà máy, để kéo dài là không hay.

Chủ tịch huyện Điện Bàn đề nghị: Lãnh đạo nhà máy thép Việt Pháp phải thấy được bức xúc của người dân. Từ nay đến ngày 31/12 phải hạn chế sản xuất, thời gian công xuất phải giảm xuống. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà máy phải lập ngay phương án gởi các cấp chính quyền di dời nhà máy. Để trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện làm việc với các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam. “Đây là vì mục tiêu sức khỏe của người dân và vì sự phát triển của huyện Điện Bàn”, Chủ tịch huyện Điện Bàn phát biểu.

Công Bính