1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ đắm tàu tại cầu Gianh: Sự bình thản đáng lo ngại!

(Dân trí) - Phòng CSGT cho biết không điều tra vụ chìm tàu vì coi đây là sự cố bất khả kháng vì lũ lụt. Sở GTVT Quảng Bình thì khẳng định không biết rõ về vụ việc. Công ty CP QL&XDĐB 494 - đơn vị quản lý cầu Gianh - lại “cảm nhận” cầu không sao.

Theo cảm nhận của tôi thì không có vấn đề gì!

Ông Đặng Văn Hoàng - Giám đốc Công ty CP QL&XDĐB 494 (Thuộc Khu QL ĐB IV - Bộ GTVT) - cho biết, vào thời điểm này vẫn chưa thể kiểm tra, kiểm định và đánh giá về mức độ ảnh hưởng của cầu Gianh sau vụ va chạm với tàu Huy Hoàng 26 ngày 5/10.

Ông Hoàng cho biết: “Đến giờ, kiểm tra phần trụ nổi trên mặt nước chỉ thấy vết sơn quẹt ở thân trụ, nhìn bề ngoài chưa thấy nguy hại gì về công trình cầu. Những ảnh hưởng bên trong thì cần có cơ quan kiểm định đánh giá chứ mình làm sao đánh giá được”.

Nhưng ông Hoàng cùng nói thêm là theo cảm nhận của ông thì vụ va chạm này không ảnh gì tới an toàn cầu Gianh. Trong khi đó, biên bản làm việc giữa 8 đơn vị liên quan vào ngày 2/11, trong đó có cả Công ty 494, ghi rõ: thân tàu kê vào trụ số 4 làm cản trở dòng chảy, gây xói cục bộ tại trụ cầu và tạo lực ngang rất lớn vào trụ số 4, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cầu.

Giải thích cho việc này, một lần nữa ông Hoàng lại “cảm nhận”: “Đó là ghi thế để “nó” trục vớt cho nhanh”! Là đơn vị được giao trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và thu phí qua cầu Gianh, ông Hoàng cho rằng công ty ông chỉ theo dõi bằng mắt thường và viết báo cáo gửi cấp trên, việc xử lý nếu sự cố xảy ra là trách nhiệm của Tổng Cục Đường bộ.

Bộ GTVT chỉ giao quản lý trên… giấy

Ông Trần Văn Luận - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình - đã khẳng định “Cái này thì tôi cũng chịu” khi được hỏi về tiến trình xử lý vụ đắm tàu và ảnh hưởng của vụ va chạm tới an toàn cầu Gianh.

“Cầu thì do Tổng cục Đường bộ quản lý, đường sông thì do Cục Đường thủy Nội địa quản lý. Năm nay Bộ GTVT đã giao cho Sở quản lý, nhưng chỉ giao trên giấy tờ còn thực tế kinh phí ngoài đó vẫn quản lý, chúng tôi đã được “sờ” vào đâu”, ông Luận giải thích cho việc “tôi cũng chịu”.

Theo ông Luận, ông đã được Giám đốc Sở chuyển báo cáo của Công ty Đường sông Quảng Bình, nhưng chỉ là để biết và theo dõi. “Về những ảnh hưởng phải có các nhà chuyên môn đánh giá, cần làm rõ tàu chìm trước khi va vào trụ hay va vào rồi mới chìm. Nếu vụ va chạm khiến trụ cầu bị dịch chuyển thì sẽ nguy hại lớn, ngoài ra việc tàu nằm chắn ngang dòng chảy chắc chắn gây xói lở phần đáy bệ”, ông Luận cho biết.

Không điều tra nguyên nhân sự cố

Vụ chìm tàu Huy Hoàng xảy ra đã gần hai tháng, với 2 người chết và ba người mất tích, gây thiệt hại tài sản không chỉ của chủ tàu mà còn ảnh hưởng tới công trình quốc gia. Sau vụ chìm tàu, đã có nhiều thông tin chưa thống nhất về khối lượng xi măng chở trên tàu, trong đó có ý kiến cho rằng con tàu chở vượt trọng tải.

Đến nay, chưa có nỗ lực nào tìm kiếm ba nạn nhân mất tích, cũng chưa có đơn vị nào đứng ra thẩm định tác động của vụ va chạm và ảnh hưởng của việc con tàu cản luồng nước chảy ảnh hưởng thế nào đến trụ cầu Gianh. Việc trục vớt con tàu bị chậm trễ có một phần nguyên do từ việc đơn vị bảo hiểm yêu cầu chủ tàu cung cấp biên bản hiện trường, kết luận nguyên nhân sự cố của cơ quan chức năng.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Tường - Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình - giải thích: “Đây là rủi ro bất khả kháng do lũ lụt, chứ không phải là tai nạn giao thông đường thủy nên CSGT không vào cuộc. Nếu là tai nạn gây hậu quả như thế thì phải khởi tố để điều tra rồi. Ở đây, trách nhiệm giải quyết nằm ở chủ tàu và đơn vị bảo hiểm”.
 

Cần sớm trục vớt tàu và đánh giá thực trạng cầu Gianh

 

Sau khi trực tiếp thị sát tình hình và làm việc với các cơ quan liên quan, ngày 26/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên đã ký Công điện yêu cầu Cục Đường thủy Nội địa phối hợp với Sở GTVT Quảng Bình kiểm tra, đôn đốc việc trục vớt tàu, thanh thải luồng lạch trong thời gian sớm nhất. Bộ chỉ đạo Tổng Cục Đường bộ, Khu QLĐB IV kiểm tra, theo dõi tình trạng cầu để xử lý bất trắc có thể xảy ra và và phối hợp với các đơn vị kiểm tra, kiểm định, đo đạc để xác định thực trạng cầu Gianh nếu cần thiết. Đến nay, hơn một tháng sau công điện này, công tác xử lý vẫn chưa có chuyển biến.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm