1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Cầu Gianh bị đe dọa vì tàu đắm mắc kẹt

(Dân trí) - Gần 2 tháng sau ngày tàu Huy Hoàng 26 chở 820 tấn xi măng đâm vào trụ số 4 cầu Gianh (Quảng Bình) và bị đắm, việc trục vớt vẫn chưa được tiến hành. Khối sắt khổng lồ mắc kẹt ở trụ cầu đang đe dọa cây cầu lớn trên QL1A này.

Cầu Gianh có thể sập

Báo cáo sự cố đầu tiên của Công ty Vận tải và Thương mại Trường Thành (chủ tàu) ngày 6/10 cho biết: ngày 4/10, sau khi “ăn hàng” 820 tấn xi măng ở cảng nội địa Lèn Bảng, tàu Huy Hoàng 26 đang neo đậu tránh gió mùa ở đoạn sông Gianh qua xã Quảng Thuận (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) thì bị đứt neo, trôi dạt về phía hạ nguồn.

Nước lũ trên sông Gianh đã vô hiệu hóa các nỗ lực nổ máy chạy ngược chiều của thủy thủ đoàn tàu Huy Hoàng 26. 7 giờ sáng 5/10, tàu đâm vào trụ số 4 (về phía Bắc) của cầu Gianh và bị đắm. Khi đắm, trên tàu có 7 người nhưng chỉ có 2 người bơi vào bờ sống sót, 5 người còn lại chết và mất tích, trong đó có cả thuyền trưởng.

Cầu Gianh bị đe dọa vì tàu đắm mắc kẹt - 1

Xác tàu Huy Hoàng 26 không chỉ gây mất an toàn giao thông đường thủy
mà còn gây nguy hiểm cho cầu Gianh.

Đến nay, theo kết quả khảo sát của nhóm thợ lặn do công ty giám định độc lập được đơn vị bảo hiểm của tàu Huy Hoàng 26 thuê: vị trí chìm tàu nằm ngay trên luồng chạy tàu của sông Gianh, cách tim luồng gần 6m và nằm sâu dưới mặt nước 6m.

Khối sắt khổng lồ này dài 50,7m, rộng 9,1m và cao 5m bị gãy gập thân hình chữ L, phần dài nằm song song với thân cầu, phần ngắn nằm song song với dòng chảy. Theo đánh giá của các đơn vị hữu quan trong buổi làm việc ngày 2/11, xác con tàu đắm Huy Hoàng 26 không chỉ ảnh hướng tới luồng lạch, gây mất an toàn giao thông đường thủy mà còn đe dọa sự an toàn của cầu Gianh.

Cụ thể, mức độ hư hại của cầu Gianh do vụ va đập hôm 5/10 chưa thể xác định vì lượng nước sông Gianh cao, đục và chảy xiết, nhưng thân tàu nằm ngang chắn dòng chảy đã gây xói lở cục bộ ở chân trụ cầu và tạo lực ngang rất lớn tác động và trụ số 4.

Cầu Gianh bị đe dọa vì tàu đắm mắc kẹt - 2
Sơ họa về vị trí tàu Huy Hoàng 26 của Công ty Đường sông cho thấy tàu bị gãy gập hình chữ L, vướng vào trụ số 4.

Ngoài ra, theo nhiều thành viên trong buổi làm việc, áp lực dòng chảy từ thượng nguồn cộng với sự lên xuống của thủy triều khiến khối sắt nghìn tấn “ngọ nguậy”, tác động mạnh vào trụ cầu.

“Nếu chiếc tàu không được thanh thải kịp thời, không chỉ ảnh hưởng tới các phương tiện đường thủy, mà còn có thể gây hậu quả khôn lường tới sự an toàn của cầu”, một đại diện đội CSGT Đường thủy - Phòng CSGT CA Quảng Bình cho biết.

Trục vớt: Dậm chân tại chỗ

Đến nay, mặc dù Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ, Cục Đường thủy nội địa đã có nhiều công văn chỉ đạo và các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Bình cũng như các đơn vị giao thông Trung ương trên địa bàn tỉnh đã nhiều lần nhóm họp và ban hành hàng loạt văn bản xử lý vụ việc song xác con tàu vẫn nằm yên dưới đáy sông Gianh.

Động thái cụ thể nhất chính là việc Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình (Công ty Đường Sông) thả phao báo hiệu, hướng dẫn luồng quanh điểm tàu đắm. Khu Quản lý Đường bộ IV cũng liên tục cập nhật báo cáo tình hình về thực trạng và công tác khắc phục sự cố song do công tác khắc phục vẫn còn nằm trên giấy nên về cơ bản các báo cáo ngày này không thay đổi nhiều về nội dung.

Công ty Đường sông cho biết: theo luật, chủ tàu có trách nhiệm trục vớt, thanh thải tàu bị nạn. Trong trường hợp này, việc trục vớt càng cấp thiết vì xác con tàu vừa ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường thủy, vừa đe dọa trực tiếp đến cầu Gianh. Công ty đã làm việc với chủ tàu, và chủ tàu đã liên hệ với nhiều đơn vị có năng lực trục vớt tàu song chưa lựa chọn được đơn vị nào vì mức giá chào quá cao (từ 2,2 - 2,8 tỷ).

PV đã nỗ lực liên hệ với giám đốc Công ty Trường Thành để nắm thêm thông tin song ông này cáo bận vì lý do gia đình. Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ đắm tàu, Trường Thành đã thông báo tới đơn vị bảo hiểm - Công ty Bảo hiểm Dầu khí Bắc Trung Bộ (PVI BTB) và PVI BTB đã mời cơ quan giám định độc lập giám định mức độ thiệt hại song vì nước đục, chảy xiết nên kết quả giám định chưa được như mong đợi.

“Đã có lúc chủ tàu có ý định bỏ tàu vì tính ra chi phí trục vớt quá lớn mà con tàu khó có giá trị sử dụng tiếp, nhưng chúng tôi không nhất trí”, ông Hoàng Tuấn Sơn - Trưởng VP Đại diện PVI BTB tại Quảng Bình cho biết. Theo ông Sơn, hiện PVI chưa thể chi trả phần kinh phí tạm ứng theo đề nghị của Trường Thành vì chưa có hồ sơ, kết luận gì của cơ quan chức năng và chưa biết được mức độ thiệt hại của con tàu.

Ông Sơn cũng tỏ ra bất ngờ trước mức độ nắm bắt thông tin của một số người có chức trách, điển hình là một cán bộ của Ban ATGT tỉnh Quảng Bình sau gần một tháng kể từ ngày tàu đắm vẫn phát biểu rằng “đến giờ tôi mới biết vụ việc nghiêm trọng đến như vậy”.

Theo nhiều ý kiến hữu quan, việc trục vớt có thể thực hiện được nếu Trường Thành chịu bỏ kinh phí trước và đẩy nhanh các thủ tục để được chi trả bảo hiểm (tối đa 3,8 tỷ đồng theo hợp đồng), nếu không ngành giao thông sẽ vào cuộc trục vớt tàu và niêm phong tài sản của công ty này để bù đắp chi phí. “Theo luật, không loại trừ việc hình sự hóa nếu sự cố không được khắc phục kịp thời”, một cán bộ công an tỉnh Quảng Bình cho biết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm