Vụ có tên tại Đài tưởng niệm vẫn không được công nhận liệt sĩ: Người con nhận tin vui

(Dân trí) - Sau khi Dân trí có loạt bài phản ánh nỗi bất công của một chiến sĩ, người có công với cách mạng được Lịch sử Đảng bộ xã ghi nhận, chính quyền địa phương truy điệu, có tên tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ của xã suốt gần 70 năm, nhưng vẫn không được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, niềm vui đã đến với thân nhân của liệt sĩ này.

Sáng ngày 29/3, ông Nguyễn Hữu Định, trú phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh- người đã hàng chục năm đi đòi quyền lợi chính đáng cho bố là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Quỳ trong bài viết “ Có tên tại Đài tưởng niệm vẫn không được công nhận liệt sĩ ” xúc động thông tin với PV Dân trí: “Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) vừa thông tin với tôi cho biết, hồ sơ giải quyết chế độ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho cha tôi đã được Bộ LĐ-TB&XH duyệt, chuyển Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng chấp thuận”.

Vụ có tên tại Đài tưởng niệm vẫn không được công nhận liệt sĩ: Người con nhận tin vui - 1

Ông Nguyễn Hữu Định trong lần cung cấp hồ sơ của người cha suốt hàng chục năm chưa được cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho PV Dân trí vào năm 2017.

Ông Định cho biết, Cục Người có công báo tin, sau khi được Thủ tướng phê chuẩn, Bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Nguyễn Hữu Quỳ sẽ được chuyển UBND tỉnh Hà Tĩnh trao vào dịp 30/4 này.  

Nói về thông tin người cha, một chiến sĩ cách mạng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp được Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công sau hàng chục năm chờ đợi, ông Định xúc động nói: "Tôi và gia đình đã chờ đợi điều này quá lâu. Khi nhận được tin báo của Cục Người có công, mấy đêm tôi vui không ngủ được. Gia đình đang chờ đến ngày đón niềm vui lớn này".

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, ông Nguyễn Hữu Quỳ sinh năm 1920, nhập ngũ năm 1946, tham gia quân tình nguyện Việt Minh sang Lào chiến đấu tại chiến trường Na Pê từ năm 1947 đến năm 1949.

Đầu năm 1951, ông Quỳ cùng nhóm thuyền viên của mình bị tàu Pháp bắt khi đang vận chuyển khí tài bằng thuyền từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) về nước. Tháng 11/1951, ông bị địch xử tử tại Hải Phòng.

Vụ có tên tại Đài tưởng niệm vẫn không được công nhận liệt sĩ: Người con nhận tin vui - 2

Tên liệt sĩ Nguyễn Hữu Quỳ được khắc ghi trên bia đá tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ của xã suốt gần 70 năm, ấy vậy mà ông không được cấp Bằng "Tổ quốc Ghi công". 

Năm 1962, từ chủ trương của Bộ Thương binh điều tra, xác minh thực hiện chế độ chính sách cho những người tham gia chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Hữu Quỳ đã được làm rõ công trạng và được huyện, xã công nhận "liệt sĩ" từ đó.

Tên ông đã được khắc vào văn bia tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của xã; khắc ghi vào bảng vàng danh dự trong cuốn “Địa chí” xã xuất bản năm 2008.

Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Nhượng đã khắc sâu và ghi danh ông là một trong số 292 người con yêu quý của quê hương đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến thần thánh với đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ.

Năm 2009, sau hơn 60 năm kể từ khi được địa phương công nhận là "liệt sĩ", nhờ sự tận tâm giúp đỡ của đồng đội, các đơn vị liên quan, gia đình ông Nguyễn Hữu Định đã tìm được phần mộ của cha mình.

Nhưng điều thiệt thòi nhất cho "liệt sĩ" Nguyễn Hữu Quỳ và gia đình là đến năm 2018 người chiến sĩ cách mạng này vẫn chưa được Chính phủ truy tặng là liệt sĩ và chưa cấp bằng “Tổ quốc ghi công”.

Suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Hữu Định đã lặn lội gõ cửa từ cấp cơ sở đến trung ương mong cha được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công. Nhưng hồ sơ của ông cứ "kính chuyển" hết đơn vị này sang đơn vị nọ, từ địa phương lên Trung ương rồi ngược lại.

Vụ có tên tại Đài tưởng niệm vẫn không được công nhận liệt sĩ: Người con nhận tin vui - 3

Sau khi Dân trí đăng tải loạt bài viết về sự bất công này, ngày 12/11/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ LĐ-TB&XH vào cuộc xử lý.

Văn Dũng