1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ chôn cả tấn thuốc trừ sâu ở bãi rác: Không phải là lần đầu

Ngay sau khi bài báo <i>Chôn cả tấn thuốc trừ sâu gần nguồn nước sinh hoạt</i> lên trang, chúng tôi nhận được nhiều nguồn tin khẳng định, đây không phải là lần đầu Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Trị tiêu hủy thuốc trừ sâu bằng cách chôn tại bãi rác Đông Hà.

Vụ chôn cả tấn thuốc trừ sâu ở bãi rác: Không phải là lần đầu - 1

Điểm đánh dấu (x) là nơi chôn hàng tấn thuốc trừ sâu.

 

Dân bức xúc
 
Ông Lê Mạnh Kết, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Quảng Trị, xác nhận: “Năm 2007, chúng tôi có chuyển giao cho Sở TN-MT một khối lượng lớn thuốc trừ sâu quá hạn để tiêu hủy”. Tuy vậy, ông Kết cũng cho biết thêm: “Chuyển giao xong là hết. Tôi không biết họ chôn ở đâu”.

 

Theo thừa nhận của một cán bộ Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị, năm 2007, cơ quan này đã tiêu hủy bằng cách chôn một khối lượng lớn thuốc trừ sâu tại bãi rác Đông Hà. Số thuốc này của Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Trị.

 

Chiều 13/7, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hà, cho biết: “Sau khi vụ việc được báo chí phản ánh, tôi liền hỏi anh Bùi Đại Thắng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Đông Hà (đơn vị quản lý bãi rác Đông Hà), về thông tin này và giao cho anh Thắng kiểm tra để báo lại việc chôn thuốc trừ sâu là chủ trương của ai, ai đồng ý đưa vào đó để chôn, nhưng anh Thắng nói không có chuyện chôn hủy thuốc trừ sâu tại bãi rác Đông Hà”.

 

Ông Anh nói tiếp: “Tôi nghĩ, nếu đúng thì đây là một việc làm nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hậu quả là khôn lường. Vậy mà khi tiến hành chôn hủy họ không báo cho UBND thị xã Đông Hà biết. Không thể chôn thuốc trừ sâu tại bãi rác Đông Hà. An toàn cho người dân là mối quan tâm hàng đầu”.

 

Người dân thị xã Đông Hà rất bức xúc với việc làm trên của Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị, vì phía dưới bãi rác Đông Hà, nơi họ vừa chôn cả tấn thuốc trừ sâu, có hơn 63.000 dân đang sinh sống.

 

Như bom nổ chậm

 

TS Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Công nghệ Hóa học - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết thuốc trừ sâu quá hạn sử dụng rất khó phân hủy, riêng DDT và 666 (2 loại thuốc được chôn nhiều tại bãi rác Đông Hà) là 2 loại thuốc cực kỳ khó phân hủy, đã bị cấm sử dụng.

 

Hiện nay, rất nhiều địa phương còn tồn đọng số lượng lớn thuốc trừ sâu quá hạn và chưa tìm được hướng xử lý, mức độ nguy hiểm của chúng có thể coi như những “quả bom nổ chậm”, chưa biết đến bao giờ sẽ phân hủy và sẵn sàng “bể” ra và gây tai họa bất cứ lúc nào.

 

Mức độ nguy hiểm không chỉ khi tiếp xúc trực tiếp. Ở ĐBSCL, đã có trường hợp chuột chết do ăn phải thuốc trừ sâu, sau đó người ăn nhầm chuột này cũng chết theo. Chôn thuốc trừ sâu là phương pháp không bảo đảm an toàn, bởi khi chôn xuống đất, các chất sẽ phản ứng với nhau và tạo nên nhiều chất độc hại khác, qua nhiều hình thức sẽ phát tán và gây nguy hiểm.

 

Theo Linh An - Thanh Lê

 Người lao động